Sở hữu đa dạng các sản phẩm về du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa tâm linh, di tích lịch sử… nhưng thời gian qua những ngành chức năng của tỉnh Hải Dương cũng mới dừng ở việc “gật gù” với nhau về chừng ấy tiềm năng, chứ chưa tìm ra cách khai thác chúng một cách bài bản và hiệu quả. Các điểm đến chỉ phát triển lẻ tẻ, chưa tạo thành chuỗi liên kết.
Tuy nhiên, mới đây lãnh đạo ngành du lịch của tỉnh này đã thể hiện quyết tâm mạnh hơn bằng cách đặt ra nhiệm vụ cấp thiết phát huy tiềm năng cũng như tạo thương hiệu và sức hấp dẫn cho điểm đến của mình.
Từ di tích, tâm linh
Hải Dương được biết đến với nhiều điểm đến tâm linh như Đền Chu Văn An, Đền Kiếp Bạc, Chùa Côn Sơn, Đền Tranh…
Nhắc đến Chu Văn An người ta sẽ nhớ ngay đến một nhân cách lớn, đức độ, một tài năng với hiểu biết đạt đến độ thông kinh, bác sử hiếm có trong lịch sử Việt Nam.
Chính vì thế, Đền thờ nhà giáo Chu Văn An thuộc khu di tích-danh thắng Phượng Hoàng (thị xã Chí Linh), một vùng núi nằm giữa quần thể di tích và cũng là nơi nuôi dưỡng tinh thần của nhiều danh nhân từ thời Lý-Trần, là nơi thu hút nhiều du khách ở những vùng lân cận Hải Dương.
Còn Côn Sơn-Đền Kiếp Bạc là khu di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia. Nếu như Kiếp Bạc có một di tích trung tâm lớn và linh thiêng nhất là ngôi đền cổ thờ Đức Thánh Trần, du khách về đây chủ yếu để tưởng niệm Hưng Đạo Đại vương, sinh hoạt tâm linh thì ở quần thể di tích lịch sử-văn hóa-danh thắng Côn Sơn, khách thập phương thường tới dâng hương niệm Phật, tưởng nhớ Ức Trai và ngoạn cảnh, tiêu dao.
Tìm về Côn Sơn (một trong ba trung tâm nổi tiếng của dòng Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam) giống như “cuộc tìm về với căn nhà vũ trụ, nơi hòa hợp tột cùng của âm dương, sơn thủy và đất trời.”
Chốn linh thiêng ấy có lẽ sẽ tôn nghiêm hơn nếu bớt cảnh buôn bán nhộn nhạo của những gánh hàng rong hay những gian hàng dù đã được quy hoạch nhưng vẫn tạo nên quang cảnh một… cái chợ giời.
Đến sinh thái, làng nghề
Đảo Cò thuộc huyện Thanh Miện, dân gian có truyền miệng rằng, đầu thế kỷ 15 những trận đại hồng thủy đã làm dải đê lớn ven sông Hồng trải qua ba lần vỡ đê liên tiếp. Lần vỡ đê thứ hai đã tạo thành hòn đảo nổi giữa hồ, rồi đất lành chim đậu, từng đàn cò, vạc, chim nước đủ loại từ khắp nơi quần tụ về đây.
Đến nay, dù diện tích chỉ hơn 3.000 m2 nhưng Đảo Cò có tới 1,5 vạn con cò với nhiều loại khác nhau, hơn 5.000 con vạc và nhiều loài chim quý hiếm khác như hạc, bồ nông, moòng két, le le… cùng nhiều loại cá, tôm.
Hoàng hôn hoặc sớm mai du khách có thể ngồi thuyền ngoạn cảnh đẹp của bức tranh phong cảnh làng quê Việt Nam và thụ hưởng cảnh tượng thiên nhiên hiếm có, là thời khắc cò, vạc đi kiếm ăn về hay bắt đầu một ngày mưu sinh.
Đảo Cò - Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+
Điểm đến du lịch sinh thái này sẽ hấp dẫn nếu địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển Đảo Cò quy mô hơn cũng như tổ chức đội ngũ hướng dẫn viên đón tiếp chuyên nghiệp. Trải qua nhiều năm nhưng Đảo Cò vẫn chưa có nơi đón tiếp khách; hàng quán bán nước xung quanh lèo tèo, nhỏ lẻ; thuyền tôn chở khách chưa đến chục chiếc thì đơn sơ và không có áo phao cứu sinh; khách sạn, nhà nghỉ cũng mới đang trong giai đoạn hoàn thiện…
Có lẽ, để tương lai du lịch sinh thái Hải Dương tươi sáng hơn, các cấp quản lý của tỉnh này vẫn còn quá nhiều việc phải làm.
Riêng du lịch làng nghề, Hải Dương rất sẵn tiềm năng và lại là những tiềm năng ít có cạnh tranh như làng nghề bánh gai Ninh Giang, nghề làm bánh đậu xanh, làng nghề múa rối nước Hồng Phong, gốm Chu Đậu…
Vấn đề chỉ còn ở chỗ lãnh đạo ngành du lịch Hải Dương sẽ đưa “đứa con” của mình đi lối nào để sớm cán đích trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường, khi mà người người đua nhau làm du lịch./.
Xuân Mai (Vietnam+)