Dư luận Đức: Vinh quang và đau khổ của EU rất gần nhau

Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 24 và 25/6 vừa qua đã cho thấy sự chia rẽ của liên minh này nhưng đồng thời cũng thể hiện sự gắn bó chặt chẽ hơn bao giờ hết của 27 quốc gia thành viên.
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ, ngày 24/6/2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ, ngày 24/6/2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Trong hai ngày 24 và 25/6, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã họp hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Brussels (Bỉ) để thảo luận về nhiều vấn đề quan tâm, như đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế, di cư và quan hệ đối ngoại.

Dư luận truyền thông Đức rất quan tâm tới hội nghị này của EU, đặc biệt là những tranh cãi xung quanh luật mới của Hungary về cộng đồng người đồng tính, lưỡng giới, chuyển giới hay phi giới tính cũng như đề xuất của Đức và Pháp về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh EU-Nga.

Truyền hình Tagesschau bình luận hội nghị thượng đỉnh EU với các cuộc thảo luận sôi nổi và tranh luận gay gắt, cuối cùng không mang lại kết quả gì về những vấn đề quan trọng.

Không có thỏa thuận nào về luật mới gây tranh cãi của Hungary liên quan đến cộng đồng người đồng tính, lưỡng giới, chuyển giới hay phi giới tính; cũng không có hội nghị thượng đỉnh nào của EU với Nga.

Chỉ có chủ đề COVID-19 là nhận được sự nhất trí nhanh chóng của các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị.

Theo Tagesschau, Thủ tướng Đức chưa bao giờ trải qua một hội nghị thượng đỉnh như vậy. Bà Angela Merkel đã gắn bó với Brussels 16 năm, lâu hơn bất kỳ ai trong số những nhà lãnh đạo châu Âu tham dự hội nghị.

Bà gọi cuộc tranh luận với Thủ tướng Hungary Viktor Orban về luật liên quan đến cộng đồng người đồng tính, lưỡng giới, chuyển giới hay phi giới tính của nước này là "sâu sắc và trung thực." Nói cách khác, cuộc thảo luận này rất khó khăn.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cho biết trong 11 năm ở EU, ông chưa trải qua hội nghị thượng đỉnh nào mà ở đó những nhà lãnh đạo EU lại tranh luận về tình hình một quốc gia theo cách như vậy.

Ông cho rằng đây là một hội nghị rất căng thẳng, hầu như tất cả đều chống lại một người.

Thủ tướng Hungary Victor Orban chỉ nhận được hỗ trợ từ Slovenia và Ba Lan; ngược lại, đại đa số các quốc gia khác coi việc Hungary phân biệt đối xử với người đồng tính là một sự vi phạm rõ ràng các quyền cơ bản của con người.

Theo Thủ tướng Hà Lan, EU không chỉ là một thị trường chung mà từ lâu đã xích lại gần nhau trên cơ sở các giá trị chung.

Về vấn đề đối thoại với Nga, Tagesschau cho biết ý tưởng của Pháp và Đức về việc không chỉ thể hiện sự cứng rắn với Nga mà còn cần tiến hành các cuộc đối thoại với Tổng thống Vladimir Putin đã nhanh chóng thất bại.

Các nước Đông Âu cảnh báo mạnh mẽ về việc không nên nhượng bộ Nga khi chưa cân nhắc kỹ càng. Thay vì họp thượng đỉnh cùng Nga, EU hiện muốn gia tăng áp lực lên Moskva, ví dụ như áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu Nga tiếp tục tiến hành "các hành động bất hợp pháp và nguy hại."

Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins cho rằng chỉ khi châu Âu thống nhất, hùng mạnh, có thể thực thi các yêu cầu và điều kiện của mình mới nên có các cuộc đàm phán với Nga. Ngược lại, Thủ tướng Merkel mong muốn nhiều hơn thế.

Bà cho rằng EU không nên chỉ nhìn Mỹ đối thoại với Nga mà nên tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán với Moskva, điều này cũng sẽ thể hiện chủ quyền của châu Âu.

[Mối quan hệ EU-Nga: Băng giá vẫn không thể tan giữa mùa Hè]

Tờ Sueddeutsche Zeitung (SZ) bình luận Thủ tướng Angela Merkel dường như không phải là kẻ thua cuộc khi tham dự hội nghị thượng đỉnh EU.

Bà đã gọi chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số mà EU đã thống nhất tại hội nghị là một "câu chuyện thành công;" bà cũng nói tới vấn đề người di cư và hoan nghênh Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã kiềm chế các hành động khiêu khích.

Điều đó làm dịu căng thẳng ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Tuy nhiên, trước hội nghị này hầu như không ai ở Brussels có thể tưởng tượng ra việc Thủ tướng Merkel cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng nhau đưa ra một đề xuất - cuối cùng đây lại là một đề xuất thất bại.

Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp muốn thuyết phục các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước EU rằng một cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ hữu ích.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cho rằng lời đề nghị gặp gỡ dành cho Putin là "quá sớm" vì các chính sách của Putin "không xứng đáng" để có cuộc gặp gỡ này.

Các nhà lãnh đạo Ba Lan, Estonia và Latvia cũng chia sẻ quan điểm của Tổng thống Lithuania. Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins tuyên bố rằng tất nhiên ông ủng hộ đối thoại, nhưng Nga cũng phải đáp ứng những điều kiện cho việc này.

Dư luận Đức: Vinh quang và đau khổ của EU rất gần nhau ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu với báo giới tại Brussels, Bỉ, ngày 25/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Điều đó có nghĩa là Nga phải thay đổi các chính sách của mình trước khi có thể gặp gỡ các nhà lãnh đạo các nước EU.

Về vai trò của Thủ tướng Đức Angela Merkel, kênh Làn sóng Đức (DW) bình luận, đây có lẽ là hội nghị thượng đỉnh thứ 100 và là hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của Thủ tướng Merkel, vì bà sẽ không tái tranh cử chức vụ Thủ tướng trong cuộc bầu cử tháng Chín tới đây.

Bà nhận được nhiều tình cảm từ những người đồng nghiệp của mình. DW dẫn lời Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel chia sẻ rằng không chỉ ông mà cả châu Âu sẽ cảm thấy thiếu vắng Thủ tướng Merkel.

Nữ Thủ tướng Đức là một người luôn cố gắng tìm kiếm sự thỏa hiệp, với bản lĩnh, sức mạnh và sự cân nhắc thấu đáo. Bà cũng nhận được tôn trọng vì sự kiên trì của mình trong vô số cuộc họp kéo dài suốt đêm; đến khi kết thúc các cuộc họp, bà thường đạt được sự thỏa hiệp. Theo Thủ tướng Luxembourg, Angela Merkel là "một nhân cách tuyệt vời."

Theo DW, hội nghị thượng đỉnh EU cuối cùng của Thủ tướng Merkel đã bị phủ bóng bởi những tranh cãi với Thủ tướng Hungary Viktor Orban liên quan đến luật về cộng đồng người đồng tính, lưỡng giới, chuyển giới hay phi giới tính của nước này.

Theo bà Merkel, cuộc thảo luận về các giá trị trong EU là "sâu sắc và trung thực."

Với 16 năm kinh nghiệm tại EU, bà chưa bao giờ thấy điều gì giống như cuộc thảo luận này. Cuộc thảo luận vẫn chưa kết thúc, và nó sẽ tiếp tục với người kế nhiệm của bà.

Nữ Thủ tướng Đức cho biết Hungary và một số quốc gia thành viên có cái nhìn khác về tương lai của EU- một liên minh không chỉ là một thị trường chung mà còn là một cộng đồng các giá trị.

Bà cho rằng có những vấn đề nghiêm trọng cần được thảo luận thêm, tất nhiên không nên có sự tham gia của các nước này.

DW dẫn phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc, cho rằng vào cuối nhiệm kỳ của bà Merkel, EU đang bị chia rẽ nhiều hơn so với trước đây.

Theo ông, có sự chia rẽ giữa "Tây và Đông EU," nhưng vấn đề không chỉ ở Thủ tướng Hungary Viktor Orban mà còn sâu sắc hơn nhiều.

Phải có một "cuộc chiến văn hóa" với Hungary và Ba Lan, nhưng Tổng thống Pháp cũng thừa nhận rằng ông chưa chuẩn bị sẵn một giải pháp thực sự.

Về chính sách đối với Nga, DW cho rằng vị Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Đức phải chịu thêm một thất bại.

Đề xuất của bà và Tổng thống Pháp về việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa EU với Tổng thống Nga Putin đã bị đa số các nước EU bác bỏ.

Trong khi Thủ tướng Merkel và Tổng thống Macron mong muốn tổ chức hội nghị này, nhiều nước Đông Âu và cả Hà Lan lại phản đối.

Các nước Baltic đưa ra yêu cầu trước tiên Putin phải thay đổi chính sách đối với phe đối lập cũng như các cuộc xung đột liên quan đến Ukraine và Belarus.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng Putin không nên được "thưởng" bằng một hội nghị thượng đỉnh với EU.

Thủ tướng Angela Merkel bác bỏ quan điểm này. Theo bà, đó không phải là phần thưởng dành cho Putin. Ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh các bên vẫn thiết lập các cuộc thảo luận chung.

Thủ tướng Đức chia sẻ rằng điều đó cho thấy các nước EU không đủ tin tưởng nhau khi cần thiết để có thể xuất hiện một cách rõ ràng và tự tin.

Tạp chí Wirtschaftswoche bình luận, giống như sau cuộc tranh cãi trong gia đình, không ai thực sự biết phải làm gì tiếp theo (sau tranh cãi với Hungary về luật liên quan đến cộng đồng đồng tính, chuyển giới).

Hội nghị thượng đỉnh EU lần này đã cho thấy điều đó. Liên minh gồm 27 quốc gia bị chia rẽ đến mức làm cho nhiều người lo lắng. Nhưng đồng thời 27 quốc gia vẫn gắn bó chặt chẽ hơn bao giờ hết.

Liên minh này đang tiến hành một chương trình tái thiết sau đại dịch chưa từng có trong lịch sử, trong đó những khoản tiền khổng lồ đang được phân phối lại, các quốc gia sẽ cùng nhau gánh trách nhiệm chung này. Vinh quang và đau khổ của EU rất gần nhau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục