Trong các ngày 11-12/2 tại thành phố Palembang, tỉnh Nam Sumatra, Indonesia đã diễn ra cuộc Hội thảo quốc tế với chủ đề “Đưa ASEAN tới gần hơn với suy nghĩ và trái tim người dân” do Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ) tổ chức.
Hội thảo này được tổ chức nhằm tăng cường thúc đẩy sự tham gia đóng góp của các phương tiện truyền thông vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Điều phối Chính trị, An ninh và Pháp luật Indonesia, Djoko Suyanto, Thống đốc tỉnh Nam Sumatra Alex Noerdin và đông đảo đại diện đến từ Hội nhà báo các nước thành viên ASEAN.
Hội thảo dành ưu tiên thảo luận về những thách thức hiện nay mà giới truyền thông phải đối mặt, vai trò của báo chí trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực, nhằm góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Theo Chương trình nghị sự, các đại biểu và các diễn giả khách mời là chính khách, quan chức chính phủ cấp cao, học giả có tên tuổi trong khu vực và trên thế giới liên quan đến lĩnh vực truyền thông, đã tập trung trao đổi và thảo luận về các chủ đề vai trò của truyền thông đối với vấn đề tăng cường an ninh trong khu vực ASEAN, các mối quan hệ giữa truyền thông và bầu cử, truyền thông xã hội và truyền thông truyền thống, truyền thông và khu vực mậu dịch tự do ASEAN, tiếp cận văn hóa cho Cộng đồng ASEAN.
Ngoài ra, trong khuôn khổ cuộc Hội thảo còn diễn ra một số hoạt đông khác bao gồm triển lãm giới thiệu về “Báo chí Indonesia qua mọi thời đại”, dự án xây dựng Trung tâm Giáo dục và Đào tạo của CAJ (CAJET) tại Palembang theo sáng kiến của Hội Nhà báo Indonesia (PWI) và đã được Đại hội đồng CAJ thông qua hồi tháng 11/2013 tại Manila, Philippines.
Phát biểu tại Hội thảo, Thư ký thường trực CAJ Akhmad Kusaeni, nhà báo kỳ cựu của Hãng thông tấn quốc gia Indonesia Antara nhấn mạnh đến sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông xã hội, và khẳng định cần coi đây là một cơ hội cho sự phát triển chứ không phải là mối đe dọa đối với các phương tiện truyền thông truyền thống.
Hội thảo nhất trí cho rằng độ tin cậy chính là chìa khóa cho sự tồn tại và phát triển của các phương tiện truyền thống, bởi những người trẻ tuổi hiện nay chủ yếu sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để truyền bá tin tức và thông tin được lan truyền một cách nhanh chóng qua phương tiện truyền thông xã hội, song chính ưu điểm này đi kèm với nhược điểm độ tin cậy thông tin không cao của các phương tiện truyền thông xã hội đã thường dẫn độc giả trở lại với phương tiện truyền thông truyền thống.
Phương tiện truyền thông xã hội đã làm thay đổi cách truyền thông hoạt động, nhưng nó cũng cung cấp cơ hội cho các nhà báo tương tác với người xem và độc giả của mình, và giúp các nhà báo nâng cao nhân thức về trách nhiệm và đạo đức nhà báo cung cấp thông tin một cách trung thực.
Hội thảo cũng khẳng định các phương tiện thông tin đại chúng ASEAN có vai trò hết sức cần thiết và quan trọng trong thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực, nên cần phải dành ưu tiên cho những sự kiện, vấn đề liên quan đến việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, bởi còn nhiều người dân trong khối chưa hiểu biết đầy đủ về ba trụ cột chính trị-an ninh, văn hóa-xã hội và kinh tế của ngôi nhà chung này./.