Đưa lao động về từ Libya sang Malaysia làm việc

Kế hoạch đưa một số lao động Việt Nam trở về từ Libya sang làm việc trong ngành trồng trọt và xây dựng ở Malaysia đang được xem xét.
Sau khi hơn 10.000 lao động Việt Nam tại Libya phải về nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo cho các doanh nghiệp và trung tâm tuyển dụng lao động cùng phối hợp giải quyết việc làm cho số lao động nói trên.

Nhiều công ty trong nước đã thông báo tuyển dụng số lao động này. Bên cạnh đó, các cơ quan chức nănng cũng đang xem xét khả năng đưa một số ra nước ngoài làm việc, trong đó có Malaysia.

Thực trạng thị trường lao động tại Malaysia

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 70.000 lao động đang làm việc tại Malaysia, trong đó có một số tự bỏ ra ngoài làm tự do, không có giấy tờ tùy thân do hộ chiếu của họ bị chủ lao động giữ.

Trên thực tế, con số lao động bỏ hợp đồng này không thể thống kê được một cách chính xác, chỉ biết rằng mỗi năm Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia phải làm thủ tục về nước cho khoảng 1.000 lao động không có giấy tờ tùy thân và cũng khoảng từng đấy người bị giam giữ trong các trại giam của nước sở tại do bị quy là nhập cư bất hợp pháp.

Cục trưởng Cục lao động Malaysia Sh. Yahya Bin Sh. Mohamed cho biết hiện nước này cần tuyển dụng khoảng 100.000 lao động nước ngoài. Các khu vực cần thu hút nhiều lao động gồm sản xuất hàng điện, điện tử, dệt may, cơ khí, hóa chất, găng tay cao su, mộc, xây dựng và trồng trọt...

Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất lại chỉ thích tuyển dụng nữ lao động Việt Nam vì họ cho rằng lao động nam của Việt Nam hay gây rắc rối và tùy tiện bỏ việc.

Để đáp ứng nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chính phủ Malaysia đã phải nới lỏng những quy định về tuyển dụng lao động nước ngoài, theo đó chính phủ chấp thuận cho phép các lao động nước ngoài có tay nghề được kéo dài thời hạn làm việc tại Malaysia thêm 3 hoặc 5 năm nữa sau khi hợp đồng lao động hiện tại của họ hết hạn.

Ngoài ra, chính phủ còn cho phép tất cả các doanh nghiệp được tuyển dụng số lượng lao động mới thay thế tương đương với con số lao động hết thời hạn đang làm việc tại các cơ sở của họ.

Hiện hai khu vực đang thiếu lao động trầm trọng là trồng trọt và xây dựng. Trồng và thu hoạch cọ là một ngành có việc làm và thu nhập ổn định quanh năm. Các lao động nước ngoài làm việc tại các nông trang chủ yếu đến từ Indonesia, Myanmar và Bangladesh.

Mức lương làm việc trong khu vực này được chia thành hai loại, khoán công nhật và khoán theo sản phẩm. Cụ thể, tại Nông trường cọ IOA thuộc bang Mallaca, việc dọn cỏ và chăm sóc cây được khoán công nhật với mức lương 20 ringgit (6,6 USD)/ngày. Trong khi mức lương khoán sản phẩm được trả từ 20-30 ringgit (6,6-9,9 USD)/tấn quả. Điều kiện sinh hoạt của các công nhân tại nông trang được đảm bảo. Thu nhập trung bình của mỗi lao động tại đây đạt từ 1.100-1.400 ringgit (364-463 USD)/tháng.

Xây dựng cũng là một khu vực hút nhiều lao động hiện nay. Điều kiện làm việc trong ngành xây dựng tại Malaysia không khắc nghiệt như ở các nước Trung Đông. Mức thu nhập tương đối cao so với các ngành nghề khác, lương tối thiểu mà mỗi lao động được trả là 35 ringgit (11,7 USD)/ngày. Đối với những người có tay nghề cao, mức lương này có thể được trả tới 45 ringgit (15 USD)/ngày.

Tuy nhiên, làm việc trong ngành xây dựng, người lao động cũng có khả năng gặp nhiều rủi ro, chẳng hạn như được trả lương không đúng kỳ hạn, chủ nợ lương, thậm chí nếu làm việc cho các nhà thầu phụ thì nguy cơ bị "xù" lương cũng là chuyện đã từng xảy ra. Ngoài ra tính ổn định của công việc không bền vững nên dễ làm lao động bức xúc dẫn tới chỗ bỏ việc.

Giải pháp quản lý lao động Việt tại Malaysia

Ông Nguyễn Tiến San, Trưởng Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cho biết kế hoạch đưa một số lao động Việt Nam trở về từ Libya sang làm việc trong ngành trồng trọt và xây dựng ở Malaysia đang được xem xét.

Đặc biệt, khai thác tiềm năng thị trường mới ở đảo phía Đông gồm hai bang lớn Sarawak và Sabah của Malaysia cũng là một hướng đi tích cực.

Sarawak là tiền đồn của ngành công nghiệp dầu cọ Malaysia. Chính quyền bang này đã dành tới 2,2 triệu ha, khoảng 15% quỹ đất của bang để trồng cọ dầu, một trong những nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất của đất nước. Với mức giá 700 ringgit (231 USD)/tấn thì hơn 2 triệu ha này mỗi năm thu lợi cho Sarawak khoảng 35 tỷ ringgit (11,6 tỷ USD).

Bên cạnh đó, kể từ khi chương trình "Malaysia, ngôi nhà thứ hai của tôi" được phát động cách đây bảy năm, số lượng du khách nước ngoài đổ vào Sabah tăng mạnh nên nhu cầu xây dựng nhà cửa và hạ tầng cơ sở tại đây cũng tăng theo. Bởi vậy, Sabah luôn cần một lượng lớn công nhân xây dựng, trong khi các lao động của Việt Nam từ Libya trở về lại chủ yếu làm trong ngành xây dựng.

Tuy nhiên, để kế hoạch sắp xếp việc làm cho số lao động Việt Nam trở về từ Libya tại Malaysia đạt kết quả cao, đòi hỏi phải có sự hợp tác đồng bộ giữa các ban ngành, đồng thời các doanh nghiệp tuyển dụng lao động cần phải chỉnh đốn cách thức làm ăn và quan trọng hơn cả là phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đối với người lao động mà họ tuyển dụng.

Các doanh nghiệp cần phải xem xét kỹ các cơ sở muốn tiếp nhận lao động Việt Nam thông qua việc thẩm định kỹ các hợp đồng trước khi cung ứng lao động. Phải nắm vững và quản lý được số lao động mà mỗi doanh nghiệp đưa sang, tránh xảy ra tình trạng "mang con bỏ chợ."

Các doanh nghiệp tuyển dụng nên nói rõ cho người lao động biết điều kiện làm việc, quyền lợi và mức lương mà họ sẽ được hưởng, tránh kiểu tiếp thị "toàn màu hồng" để rồi khi sang tới nơi, hoàn cảnh thực tế khác xa với những cam kết mà nhà tuyển dụng đưa ra sẽ làm họ thất vọng và có hành động tiêu cực.

Điển hình như vụ 20 lao động Việt Nam vừa sang làm việc tại nhà máy Innnoceratex, chuyên sản xuất đồ gốm sứ tại bang Johor, miền Nam Maylasia đã có ngay 16 người bỏ việc với lý do công việc không phù hợp, khiến cho cả doanh nghiệp hai bên đều khó xử lý.

Bản thân người lao động cũng phải có ý thức trách nhiệm đối với chính mình, xem xét kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký, không nên phó mặc cho nhà tuyển dụng.

Trong số 70.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia, hơn 90% hiện có việc làm và thu nhập ổn định, trong khi gần 10% còn lại cần phải chấn chỉnh nếu không sẽ làm hỏng hình ảnh của Việt Nam.

Nếu các ban ngành phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp củng cố thị trường này thì chắc chắn thị trường lao động Malaysia sẽ giúp mang lại hiệu quả cho chương trình giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo cho 62 huyện nghèo của chính phủ Việt Nam./.

Thanh Thủy/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục