Dừa sáp Trà Vinh trong hành trình 100 năm hình thành và phát triển

Tháng 8/2012, dừa sáp Cầu Kè, Trà Vinh chính thức được đưa vào danh sách là 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam (theo Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam).

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam trao Giấy công nhận “Cây dừa sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là Cây dừa Việt Nam” cho lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam trao Giấy công nhận “Cây dừa sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là Cây dừa Việt Nam” cho lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Ngày 26/8, tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo Dừa sáp Trà Vinh - 100 năm hình thành và phát triển.

Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đến từ Hiệp hội Dừa Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Sở hữu trí tuệ, các viện, trường, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh; ngành nông nghiệp, nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia. Hội thảo nhằm tìm các giải pháp để đưa thương hiệu dừa sáp Trà Vinh vươn xa, ngày càng được nâng cao giá trị.

Hành trình trở thành “ông hoàng” đặc sản

Huyện Cầu Kè là vùng đất trù phú nhất tỉnh Trà Vinh, nhờ được phù sa của dòng sông Hậu bồi đắp cho cây trái xanh tốt quanh năm, nên trở thành vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản của tỉnh Trà Vinh, với nhiều loại như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm…

Đặc biệt nhất là dừa sáp, loại quả đứng ở “ngôi vị” cao nhất trong tất cả các loại trái cây đặc sản của địa phương.

Qua 100 năm kể từ khi cây dừa sáp đầu tiên của Việt Nam “bén duyên” ở vùng đất Cầu Kè, đến nay địa phương này đã có hơn 171.400 cây, được trồng trên diện tích 1.145 ha, với sản lượng trung bình hàng năm trên 3 triệu quả.

ttxvn_dua sap tra vinh (2).jpg
Ông Thạch Chanh, xã Hoà Tân (Cầu Kè, Trà Vinh) thu hoạch dừa sáp. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Với giá bán cao hơn nhiều lần so với dừa thường nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân, cải thiện đáng kể thu nhập của hơn 2.000 hộ trồng dừa sáp huyện Cầu Kè; trong đó, hộ Khmer chiếm trên 70%.

Theo ông Đoàn Văn Minh, Phó trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trà Vinh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh), khoảng 20 năm trở lại đây, diện tích dừa sáp của tỉnh Trà Vinh tăng rất nhanh, từ 43 ha năm 2005, đến nay trên 1.277 ha, với khoảng 250.000 cây dừa.

Trong số đó, dừa sáp đang cho trái trên 903 ha, tương đương 180.000 cây, khoảng 70 ha được các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng phương pháp thụ phấn trợ lực để tăng tỷ lệ sáp trên mỗi buồng dừa.

Trong tổng diện tích dừa sáp của tỉnh có 1.246,5 ha dừa sáp thường (truyền thống) và 31.1 ha dừa sáp nuôi cấy phôi. Hiện tỉnh Trà Vinh có 5 giống dừa sáp được trồng phổ biến gồm: sáp tròn, sáp dài, sáp có cạnh, sáp vỏ xanh, sáp vỏ vàng.

Do đặc tính kén thổ nhưỡng và hiếm quả, rất khó cho quả sáp ở những vùng đất khác nên dừa sáp Trà Vinh đã khẳng định được vị trí “độc tôn’ trong các loại dừa trồng ở Việt Nam. Tỉnh Trà Vinh trở thành “thủ phủ dừa sáp” của cả nước bởi loài dừa này rất kén thổ nhưỡng và hiếm quả, rất khó cho quả sáp ở những vùng đất khác.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, dừa sáp giống truyền thống thường cho tỷ lệ sáp từ 20-30%/buồng, khoảng 20-25 trái/cây/năm; dừa sáp nuôi cấy phôi cho tỷ lệ trái sáp từ 75-80%/buồng, bình quân khoảng 55-60 trái/cây/năm.

Đây là loại dừa có giá cao nhất Việt Nam hiện nay, dao động khoảng 70.000-120.000 đồng/trái tùy chất lượng và thể tích, trọng lượng trái.

Hiện với những vườn dừa sáp bắt đầu cho năng suất ổn định ở Trà Vinh, người trồng dừa sáp có thu nhập bình quân khoảng 320 triệu đồng/ha/năm đối với dừa sáp thường và 770 triệu đồng/ha/năm đối với dừa sáp nuôi cấy phôi.

Đưa dừa sáp Trà Vinh vươn xa

Tháng 8/2012, dừa sáp Cầu Kè, Trà Vinh chính thức được đưa vào danh sách là 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam (theo Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam).

Ngày 5/8/2024, Hiệp hội Dừa Việt Nam đã công nhận “Cây dừa sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là Cây dừa Việt Nam.” Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” với sản phẩm “Quả dừa sáp.”

ttxvn_dua sap tra vinh (1).jpg
Vườn dừa sáp 1,5ha của gia đình ông Thạch Chanh, xã Hoà Tân (Cầu Kè, Trà Vinh). (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng cho biết, để dừa sáp và các sản phẩm chế biến từ dừa sáp được nâng cao giá trị, có thị trường tiêu thụ bền vững trong nước và quốc tế, tỉnh Trà Vinh đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ trồng dừa sáp để thắt chặt liên kết các khâu từ sản xuất, chế biến sâu đến thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu.

Cùng với việc quy hoạch, đầu tư hạ tầng vùng trồng, mở rộng canh tác, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, tỉnh Trà Vinh áp dụng công nghệ giống tiên tiến, đặc biệt là giống dừa cấy phôi, cấy mô có tỷ lệ sáp cao nhằm cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường.

Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị; hỗ trợ xây dựng các cơ sở thu mua và chế biến tại địa phương để giảm chi phí vận chuyển và nâng cao giá trị sản phẩm; tạo điều kiện tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách Trung ương, địa phương trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, chứng nhận, quản lý vùng dừa sáp.

Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định tiềm năng, vị thế của dừa sáp Trà Vinh so với các cây trồng khác do giá trị kinh tế cao. Nhiều nhà khoa học đề xuất các giải pháp liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ trong việc xây dựng vùng nguyên liệu dừa sáp chất lượng cao, vườn dừa sáp hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính; đề xuất xây dựng chuỗi giá trị dừa sáp gắn với đa dạng hoá các dòng sản phẩm từ dừa sáp, phát triển thị trường trong và ngoài nước để đảm bảo ổn định đầu ra cho nông dân.

Ông Cao Bá Đăng Khoa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, Trưởng đại diện Hiệp hội Dừa Việt Nam tại Cộng đồng dừa Quốc tế- ICC cho rằng, việc hình thành chuỗi giá trị cây dừa sáp Trà Vinh trên thị trường trong và ngoài nước hiện nay rất cấp thiết.

Trà Vinh cần xây dựng quy trình nhận dạng dừa sáp; khẳng định giá trị sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, cần có phương pháp bảo hộ cho dừa sáp Trà Vinh, từ đó khai thác tiềm năng cây dừa sáp, hình thành chuỗi liên kết tạo ra giá trị cao cho dừa sáp thông qua việc xây dựng kế hoạch của chính quyền, việc quảng bá trên các kênh truyền thông; nhất là quảng bá nhãn hiệu sản phẩm trên các thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Đoàn Hữu Trí, Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu cho rằng, địa phương cần mở rộng vùng nguyên liệu dừa sáp trồng theo tiêu chuẩn cao như VietGAP, GlobalGAP hoặc hữu cơ, chất lượng cao, chọn lọc, nhân giống tốt; chú trọng xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác hiện đại, kết hợp với quản lý dữ liệu trồng trọt; quản lý sâu, bệnh hại tổng hợp trên cây dừa sáp bằng các tác nhân sinh học hoặc tổng hợp… nhằm xây dựng tiêu chuẩn chất lượng trên quả dừa sáp để đảm bảo đầu ra đạt chuẩn.

Tỉnh cũng cần tăng cường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xây dựng phát triển chuỗi sản phẩm dừa sáp; phát triển và xây dựng các đơn vị sản xuất hoặc doanh nghiệp trong ngành dừa. Đặc biệt, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp và định hướng thị trường mục tiêu.

Hiện nay, tỉnh Trà Vinh có hơn 100 sản phẩm được chế biến từ trái dừa sáp; trong đó có 15 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao trở lên.

ttxvn_dua sap tra vinh (2).jpg
Ông Thạch Chanh, xã Hoà Tân (Cầu Kè, Trà Vinh) thu hoạch dừa sáp. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Là đơn vị chế biến sâu trái dừa sáp, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) hiện có 7 dòng sản phẩm, với khoảng 200 loại sản phẩm chế biến sâu từ trái dừa sáp đã được đưa ra thị trường.

Vicosap được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục “Đơn vị chế biến sâu trái dừa sáp thành hệ thống nhiều dòng sản phẩm nhất, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.”

Đặc biệt, sản phẩm “dừa sáp sợi” của Vicosap đạt chuẩn OCOP cấp quốc gia (5 sao), 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 7 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Theo bà Lâm Ngọc Tú, Phó Giám đốc Vicosap, tỉnh Trà Vinh cần có thêm các chính sách, chủ trương thiết thực hơn trong thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, tạo liên kết để phát triển bền vững chuỗi sản phẩm dừa và dừa sáp; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dừa.

Tỉnh phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ gắn với nhà máy chế biến của các doanh nghiệp và thị trường mục tiêu.

Tỉnh cũng cần phát huy ý tưởng đổi mới sáng tạo; khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ chế biến sâu, tạo các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thị trường tiêu thụ tốt; xây dựng nhà máy chế biến, liên kết với các cơ sở, hợp tác xã thu gom, sơ chế trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời cần phát huy chỉ dẫn địa lý và liên kết chuỗi để nâng cao giá trị trái dừa sáp theo hướng khép kín và lâu dài…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục