Đua thuyền Hưng Yên: Có "thực" sẽ "vực" được Vàng

Đầu tư hơn 700 triệu đồng để mua thuyền, lo chế độ cho VĐV, Hưng Yên đang "mơ" Vàng tại giải đua thuyền Đại hội TDTT toàn quốc 2010.
Tại giải đua thuyền rowing, canoeing vô địch các câu lạc bộ toàn quốc năm 2010 vừa diễn ra tại câu lạc bộ đua thuyền Hồ Tây, Hà Nội, đội đua đến từ tỉnh Hưng Yên đã thi đấu hết mình và giành được tổng số 5 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng.

Đây là thành tích rất đáng ghi nhận của đua thuyền Hưng Yên, trong bối cảnh họ đang thực hiện cuộc "thay máu" lực lượng với sự xuất hiện của hàng loạt vận động viên trẻ, mới làm quen với các loại thuyền rowing, kayak và canoeing trong vòng hai năm trở lại đây.

Tuy nhiên, khi chứng kiến hai cô học trò Trần Thị Trang, Hoàng Thị Phượng mặc dù bung hết sức nhưng chỉ về đích thứ nhì với thời gian 8' 8'' 89 ở nội dung thuyền đôi mái chèo đơn nữ chung kết cự ly 2.000 mét,  huấn luyện viên trưởng đội đua thuyền Hưng Yên Lưu Văn Thừa đã phải bật thốt: "tiếc quá, giá như các em còn đủ sức để thực hiện cú bứt tốc tốt hơn."

Cái khó "bó" thành tích

Mặc dù chọn đua thuyền là môn thể thao trọng điểm, được ưu tiên phát triển nhưng Hưng Yên lại không có chỗ tập luyện đủ tiêu chuẩn. Do vậy, tỉnh đành phải chọn giải pháp gửi tất cả số vận động viên đến tập nhờ tại câu lạc bộ đua thuyền Hồ Tây, Hà Nội.

Chính vì nguyên nhân này mà việc thuê nhà trọ, lo chỗ ăn nghỉ và chế độ dinh dưỡng cho toàn đội với 28 tay chèo đang sung sức ở độ tuổi "bẻ gẫy sừng trâu" nơi chốn phồn hoa đô hội, giá cả đắt đỏ đang trở thành một bài toán khó cho ban huấn luyện.

"Hàng ngày, mỗi vận động viên được hưởng chế độ ăn 30.000 đồng theo quy định chung, cộng thêm với 15.000 đồng/người/ngày tiền hỗ trợ thêm từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, chúng tôi phải cân đong đo đếm sao cho thật hợp lý nhưng vẫn không bù đắp đủ số lượng calo mà các em phải bỏ ra khi thực hiện những bài tập tiêu hao rất nhiều sức lực. Nếu tập luyện ở tỉnh thì còn có thể xoay xỏa được, chứ ở Hà Nội là vô cùng khó," ông Thừa cho hay.

Để có thể giành được huy chương, huấn luyện viên Lưu Văn Thừa cho biết, mỗi buổi tập, các em phải "nuốt" trọn một quãng đường bơi thuyền với cự ly rất dài, ước tính từ 30-35 km. Đây là môn thể thao thi đấu ngoài trời và chỉ diễn ra ở dưới nước cho nên phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Những lúc trời mưa, sóng to và nhất là khi gặp những cơn gió thổi ngang thuyền thì đó là một trở ngại rất lớn cho vận động viên khi thực hiện bài đua trên mặt hồ Tây rộng lớn.

Những tay chèo có kinh nghiệm thì họ biết cách dồn lực vào mái chèo với tần suất vừa đủ để thuyền di chuyển đúng hướng, nhưng đối với các tuyển thủ Hưng Yên thì điều này là khó thực hiện bởi thời gian làm quen với môn thể thao này chưa lâu.

"Khi thi đấu, có những cự ly, các em đã vượt lên dẫn đầu đoàn đua đến 2/3 quãng đường, thế nhưng lại để thua vì không thể thực hiện cú nước rút tốt ở những mét nước cuối cùng," ông Thừa nói trong tiếc nuối.

Có "thực" sẽ "vực" được Vàng

Chỉ còn vài tháng nữa, giải đua thuyền rowing và canoeing trong khuôn khổ Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc năm 2010 sẽ khởi tranh tại Đà Nẵng. Huấn luyện viên trưởng đội đua thuyền Hưng Yên Lưu Văn Thừa không giấu tham vọng sẽ phấn đấu giành một huy chương Vàng với gương mặt nổi bật là kiện tướng rowing Nguyễn Thế Phong, thành viên đội tuyển quốc gia vô địch Đông Nam Á 2009.

Bên cạnh đó, tốp 4 tay chèo nam là Hoàng Văn Quang, Nguyễn Văn Điệp A, Nguyễn Văn Lực, Nguyễn Văn Điệp B cùng đôi vận động viên Trần Thị Trang, Hoàng Thị Phượng cũng đang tràn trề hy vọng ở giải đấu quan trọng nhất diễn ra vào cuối năm.

Chính vì vậy, tỉnh Hưng Yên đã mạnh tay chi hơn 700 triệu đồng để trang bị mới 6 chiếc thuyền đua hiện đại, trong đó có hai chiếc rowing 4, còn lại là loại K4, K2, K1, C2 cùng những trang thiết bị tiêu chuẩn để các em chuyên tâm luyện tập, củng cố kỹ năng của mình trên đường đua xanh.

Nhằm khuyến khích, động viên các tuyển thủ đạt thành tích xuất sắc, ông Thừa cho biết thêm, bên cạnh việc ưu tiên xét tuyển vào viên chức nhà nước đối với những kiện tướng thể thao quốc gia, giúp các em có công ăn việc làm ổn định sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của mình, Hưng Yên là một trong số ít tỉnh, thành phố đang áp dụng việc chi trả chế độ ưu đãi thường xuyên cho vận động viên.

Cụ thể, tuyển thủ cấp 1 quốc gia hưởng mức tương đương bậc 1 trong ngạch hướng dẫn viên thể thao, hệ số 1,57. Kiện tướng quốc gia hưởng thu nhập tương đương mức bậc 3 của ngạch với hệ số 1,81. Như vậy, với mức lương cơ bản 650.000 đồng/người/tháng hiện nay thì ngoài tiền ăn và các chế độ khác ra, các tay chèo Hưng Yên còn được nhận thêm khoản tiền 1 triệu đồng/người/tháng.

"Tuy là chưa nhiều so với những địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đó là sự cố gắng lớn của tỉnh, giúp vận động viên có thêm kinh phí để sử dụng trong sinh hoạt, thêm động lực để vươn tới những đỉnh cao mới trong tương lai" ông Thừa nói./.

Vũ Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục