Đức kêu gọi điều tra việc dùng doping có hệ thống

Chính trị gia Đức kêu gọi điều tra việc Tây Đức trước đây đã từng hỗ trợ dùng doping trong thể thao có hệ thống từ những năm 1970.
Ngành thể thao Đức đang đứng trước một vụ bê bối lớn sau tiết lộ của báo chí nước này, khiến nhiều chính trị gia bày tỏ lo ngại và kêu gọi tiến hành điều tra về một báo cáo cho rằng chính quyền Tây Đức trước đây đã từng hỗ trợ việc sử dụng doping trong thể thao một cách có hệ thống từ những năm 1970.

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi tờ báo Sueddeutsche Zeitung cuối tuần qua đăng tải một bản báo cáo năm 2012 nghiên cứu về "việc sử dụng doping trong thể thao Đức từ năm 1950 đến nay," do một nhóm chuyên gia trường Đại học Humboldt thực hiện.

Theo báo cáo này, doping đã được sử dụng trong nhiều môn thể thao như điền kinh và bóng đá, thậm chí việc sử dụng doping trở thành có hệ thống từ tháng 10/1970 khi thành lập Viện Khoa học thể thao (BISp) trực thuộc Bộ Nội vụ Đức. Báo cáo này khẳng định trong nhiều thập kỷ, Viện BISp đã tập hợp các chuyên gia hàng đầu về khoa học thể thao để phối hợp nghiên cứu thử nghiệm tăng cường chức năng của các hợp chất như steroid đồng hóa và chất tăng tạo hồng cầu trong máu (EPO).

Bên cạnh đó, báo cáo còn trích dẫn thư của một quan chức FIFA về nghi vấn doping liên quan đến bóng đá từ trước năm 1970. Theo đó, trong trận chung kết Giải Bóng đá thế giới năm 1966 giữa đội Tây Đức và Anh, chất ephedrine đã được tìm thấy ở ba cầu thủ (không được nêu tên) của đội bóng Tây Đức.

Sau khi báo cáo trên được công bố, các chính trị gia thuộc nhiều đảng phái chính trị Đức đã kêu gọi điều tra làm rõ. Ông Wolfgang Bosbach thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel khẳng định điều này là không thể chấp nhận được. Ông Joachim Guenther, đảng Dân chủ Tự do trong liên minh cầm quyền, kêu gọi Ủy ban thể thao của Hạ viện tiến hành cuộc họp đặc biệt để điều tra. Trong khi đó, Dân chủ Xã hội đối lập cũng nêu yêu cầu làm rõ vụ việc.

Phản ứng về vụ việc trên, cựu Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans Dietrich Gencher khẳng định điều này là không thể. Ông Walther Troeger, cựu Tổng thư ký Ủy ban Olympic quốc gia trong thời gian 1961-1992, cũng lên tiếng phủ nhận báo cáo trên. Trong khi đó, một người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức tuyên bố quan điểm của Bộ là làm rõ việc sử dụng doping trong thể thao tại cả hai miền Tây và Đông Đức, và nghiên cứu này cần được đăng tải công khai./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục