Đức và Pháp - hai nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) - đang bất đồng về cải cách các quy tắc tài chính của khối.
Trong khi Berlin mong muốn thúc đẩy các tiêu chuẩn thống nhất với các nước thành viên, thì Paris lại ủng hộ sự linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các quốc gia mắc nợ cao.
Theo quy định hiện hành của Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng châu Âu, các quốc gia thành viên được yêu cầu giữ mức thâm hụt ngân sách dưới 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và mức nợ công dưới 60% so với GDP - ngưỡng mà nhiều nước thành viên đã vượt quá sau nhiều năm chi tiêu mạnh tay để bù đắp lại các cuộc khủng hoảng chồng chéo liên tiếp.
Nếu nợ công cao hơn mức trên 60%, quốc gia đó mỗi năm phải giảm 1/20 mức vượt trần. Tuy nhiên, hệ thống này đã bị tạm dừng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và dự định có hiệu lực trở lại vào đầu năm 2024, sau khi các quy định được cải cách để phù hợp với quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.
Việc đánh giá để sửa đổi hiệp ước đã gây bất đồng giữa các nước thành viên trong thời gian gần đây, đặc biệt tại cuộc họp giữa các bộ trưởng kinh tế và tài chính EU đang diễn ra ở Luxembourg.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết điểm bất đồng thực sự là liệu nên có các quy tắc tự động và thống nhất hay không.
Ông nhấn mạnh rằng Paris cùng nhiều nước khác không ủng hộ phương án này, bởi đó sẽ là bước đi sai lầm về kinh tế và chính trị.
Theo quan chức Pháp, EU trước đây đã cố gắng đưa ra các quy tắc được áp dụng tự động và thống nhất, song điều này đã dẫn đến suy thoái, kinh tế khó khăn trong khi sản xuất và tăng trưởng giảm sút ở châu Âu - những điều hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng ban đầu, là tăng trưởng nhiều hơn, thịnh vượng hơn và có thêm nhiều việc làm.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner lại có quan điểm trái ngược.
Ông kêu gọi một cách tiếp cận đồng nhất để đảm bảo mức kỷ luật tài khoá tương đương giữa các nước.
Chính trị gia đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP) Lindner nhấn mạnh Berlin ủng hộ các quy tắc tự động cần thiết, bởi EU cần có cách tiếp cận đa phương, sự đối xử bình đẳng, các chuẩn bằng số và một biện pháp bảo vệ chung.
Ông nói thêm rằng Ủy ban châu Âu không nên mất "quá nhiều thời gian" cho các cuộc đàm phán song phương với các nước thành viên về việc tuân thủ các quy tắc tài khóa. Theo Bộ trưởng Đức, nhiều nước khác cũng ủng hộ quan điểm này của Berlin.
[Eurostat: Kinh tế Eurozone rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật]
Trước cuộc họp ngày 16/6 ở Luxembourg, các bộ trưởng tài chính của Đức cùng 10 đối tác khác là Áo, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Latvia, Litva, Luxembourg và Slovenia đã đưa ra đề xuất về các quy tắc "áp dụng bình đẳng" cho tất cả các quốc gia thành viên và đảm bảo mức giảm thâm hụt và nợ công "thực tế, kịp thời và đầy đủ."
Đề xuất này nêu rõ EU "không thể cho phép mức nợ tăng vô hạn từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác - điều sẽ gây quá tải lâu dài cho tài chính công, đặc biệt gây tốn kém trong thời kỳ lãi suất tăng cao."
Theo những nội dung cải cách hiện đang được thảo luận, các mục tiêu 3% và 60% lâu nay sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng cách thức đạt được những mục tiêu này sẽ thay đổi đáng kể.
Mỗi quốc gia thành viên sẽ được yêu cầu lập kế hoạch tài khóa trung hạn của mình để cắt giảm mức thâm hụt và nợ công với tốc độ bền vững và đáng tin cậy.
Các kế hoạch này sẽ được đàm phán giữa các chính phủ và Ủy ban châu Âu, sau đó được Hội đồng châu Âu thông qua.
Các điều chỉnh tài chính cần thiết để hướng tới các mục tiêu 3% và 60% sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 4 năm, có thể kéo dài đến 7 năm để đổi lấy những cải cách hơn nữa./.