"Dứt khoát không để xảy ra khủng hoảng nợ công"

Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, nhiệm vụ quan trọng của Bộ là dứt khoát không để tín hiệu xấu hoặc khủng hoảng về nợ công xảy ra.
Ngày 4/8, bên lề Quốc hội khóa XIII, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã trả lời phỏng vấn của TTXVN về những ưu tiên của Bộ trưởng trong nhiệm kỳ mới, cũng như giải đáp những bức xúc của đông đảo người dân về giá xăng, dầu và giá điện - hai mặt hàng thiết yếu, đang gây áp lực lớn đến đời sống người dân.

- Xin Bộ trưởng cho biết mục tiêu của ngành tài chính trong nhiệm kỳ tới là gì?


Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Tôi đánh giá đây là nhiệm kỳ rất khó khăn, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều bất ổn với mức lạm phát cao. Ngoài ra, việc giá năng lượng, giá lương thực có xu hướng tăng cao, khủng hoảng nợ công ở châu Âu và đặc biệt là Nhật Bản đang vất vả khắc phục thiệt hại do thảm họa kép gây ra, kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu sụt giảm.

Trong bối cảnh như vậy, chắc chắn việc thực hiện chính sách tài chính công của chúng ta trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, theo tôi, ngành Tài chính cũng có nhiều thuận lợi căn bản. Đó là chúng ta đã có Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI với quan điểm phát triển rất rõ, cũng như những đường hướng rất căn cơ trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm và trọng điểm là ba khâu đột phá chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ra mới đây.

Việc ngành tài chính, ngân hàng cùng với nhân dân cả nước đã vượt qua những thử thách và khó khăn rất cam go trong thời gian vừa qua cũng đã góp phần tạo ra những kinh nghiệm tốt. Ngoài ra, còn có yếu tố quan trọng là năng lực quản lý, điều hành của các bộ đã có những bước trưởng thành hơn...

Mục tiêu của công tác tài chính trong thời kỳ tới là tổ chức, động viên một cách hợp lý tất cả các nguồn lực của xã hội cho phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, tăng trưởng và an sinh xã hội. Đặc biệt, phải huy động vốn cho các bước đột phá chiến lược vì chúng ta cần một lượng vốn cực kỳ lớn trong 5 và 10 năm tới.

Yêu cầu đặt ra cho ngành tài chính là phải phân bổ rất hợp lý nguồn lực này. Điều quan trọng hơn là phải sử dụng sao cho có hiệu quả nhất nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Chính sách tài chính quốc gia trong thời gian tới cũng phải kết hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu này.

- Những công việc được ưu tiên thực hiện trong nhiệm kỳ tới của Bộ trưởng sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ:
Trong nhiệm kỳ tới, Bộ Tài chính và cá nhân tôi sẽ ưu tiên tập trung đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước nói chung, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước nói riêng.

Một vấn đề cũng sẽ được ưu tiên trong chương trình nghị sự là nghiên cứu để kiểm soát chặt chẽ nợ công trên cơ sở nâng cao hiệu quả của chi tiêu công, giảm dần bội chi ngân sách để giảm áp lực vay nợ, quản lý an toàn nợ nước ngoài, nợ quốc gia và nợ chính phủ trong giới hạn cho phép. Dứt khoát không để tín hiệu xấu hoặc khủng hoảng về nợ công xảy ra đối với nước ta và đây là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới của Bộ.

Nhiệm vụ ưu tiên trước mắt của ngành tài chính là phối hợp với ngành Ngân hàng và các Bộ, ngành khác để tiếp tục quyết liệt thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhằm kiềm chế lạm phát theo mức rất khó khăn là 17%, đảm bảo được cân đối kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Đồng thời, ngành đang tập trung mọi nỗ lực chuẩn bị cho cân đối ngân sách trong năm 2012. Giai đoạn này, ngành xúc tiến xây dựng khung chính sách và bắt đầu thực hiện quy trình xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 theo những định hướng lớn. Đó là những vấn đề lớn từ nay đến cuối năm.

- Giá xăng và giá điện luôn là là gánh nặng cho người dân, nhất là những người nghèo, Bộ trưởng sẽ làm gì để giảm áp lực này cho người dân?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Về giá điện và giá xăng, Chính phủ đã có chủ trương kiên trì điều hành theo hướng cơ chế giá thị trường, có tính đến thời điểm, liều lượng phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát và phải trên cơ sở kiểm soát để minh bạch giá thành chi phí và hình thành nên giá điện và giá xăng.

Áp lực tăng giá điện trong thời gian tới đã được giảm bớt sau khi các cơ quan kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán Báo cáo tài chính 2010 của Tập đoàn Điện lực, đã chốt được mức độ lỗ của ngành điện nói chung và của mặt hàng điện nói riêng. Bộ đang yêu cầu tập đoàn báo cáo đánh giá lại dự kiến lỗ lũy kế và chênh lệch tỷ giá cho đến thời điểm 31/12/2011.

Với sự quyết liệt của cơ quan chức năng và ý thức trách nhiệm của tập đoàn, hiện nay đã có báo cáo sơ bộ cho thấy lỗ lũy kế của ngành điện đã giảm đáng kể so với dự báo đưa ra đầu năm. Mức lỗ năm 2011 chắc chắn sẽ ít hơn năm 2010 vì năm nay ta phát huy được lợi thế của thủy điện, cả tháng 4, 5, 6, 7 chúng ta không phải điều tiết về điện.

Tổ máy số 1, số 2 của thủy điện Sơn La và nhiều cơ sở điện lực khác cũng đã đưa vào vận hành trong năm vừa rồi, vì thế áp lực về điện đã giảm được rất nhiều cho dù ngành vẫn còn lỗ, vẫn còn áp lực về tăng giá.

Về giá xăng, một trong những ưu tiên của tôi trong cương vị Bộ trưởng Bộ tài chính là sẽ làm việc với cơ quan chức năng của bộ, phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước và cơ quan khác để làm rõ thực trạng về sản xuất kinh doanh, chi phí cũng như lợi nhuận, giá thành của kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua, và nhất là trong thời gian gần đây.

Hiện nay, Kiểm toán nhà nước đang kiểm toán Quỹ bình ổn giá xăng dầu và khi kiểm toán Quỹ này chắc chắn sẽ xem xét đến giá cơ sở và giá bán lẻ, làm minh bạch hiệu quả sản xuất kinh doanh của mặt hàng này. Việc kiểm toán Quỹ đã bắt đầu thực hiện từ ngày 24/7 và kéo dài trong 40 ngày, sau đó sẽ có thời gian từ 45 đến 60 ngày lấy ý kiến của các đơn vị lập báo cáo kiểm toán.

Chúng tôi kiên trì điều hành sát giá thị trường, tính đến liều lượng và thời điểm của mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng giá phải có phần đảm bảo trợ giúp cho người nghèo, người thu nhập thấp...

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục