EC "tuýt còi" 6 quốc gia có nguy cơ lạm chi quá quy định

Ủy ban Châu Âu (EC) đã cảnh báo Italy và 5 quốc gia khác đang đứng trước nguy cơ phá vỡ các quy định của Liên minh châu Âu (EU) về cắt giảm nợ công cũng như thâm hụt ngân sách trong năm 2017.
EC "tuýt còi" 6 quốc gia có nguy cơ lạm chi quá quy định ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ngày 16/11, Ủy ban Châu Âu (EC) đã cảnh báo Italy và 5 quốc gia khác đang đứng trước nguy cơ phá vỡ các quy định của Liên minh châu Âu (EU) về cắt giảm nợ công cũng như thâm hụt ngân sách trong năm 2017.

Phát biểu trước báo giới, Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis thông báo các dự thảo ngân sách 2017 tuân thủ đầy đủ nhất các quy định ngân sách của EU là của Ireland, Latvia, Cộng hòa Malta và Áo. Năm nước khác cũng đáp ứng tiêu chuẩn là Đức, Estonia, Luxembourg, Slovakia và Hà Lan. Tuy nhiên, dự thảo ngân sách của 6 quốc gia gồm Italy, Bỉ, Cộng hòa Síp, Lítva, Slovenia và Phần Lan đang có nguy cơ vi phạm kỷ luật tài chính của khối.

Theo quy định, các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung Eurozone buộc phải cắt giảm thâm hụt theo cơ cấu ít nhất 0,5% GDP/năm cho đến khi cân bằng được ngân sách hoặc thặng dư. Dự báo của EC hồi tuần trước cho hay, thâm hụt ngân sách của Italy đã liên tục tăng kể từ năm 2014, ở mức 1,6% GDP vào năm 2016 và dự kiến sẽ là 2,2% vào năm 2017 và 2,4% vào năm 2018 nếu như Rome không có điều chỉnh. Tuy nhiên, chính phủ Italy cũng giải thích tình trạng trên là do tác động của khủng hoảng di cư, phí tổn tái thiết một số khu vực sau động đất và tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự báo. Hiện EC cho biết sẽ lưu ý những vấn đề trên để đưa ra quyết định phù hợp.

Cũng tại cuộc họp báo, ông Dombrovskis khẳng định EC sẽ không trừng phạt và vẫn cấp ngân sách EU cho Tây Ban Nha và Bô Đào Nha vào năm sau dù hai nước này đều đã vi phạm kỷ luật ngân sách của khối vào năm ngoái. EC kết luận rằng không cần thiết phải trừng phạt hai nước này do đã thực hiện những biện pháp hiệu quả để khăc phục mất cân đối ngân sách. Động thái này tương tự như quyết định hồi mùa Hè vừa qua khi EU nhất trí không phạt Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Theo quy định, EC có quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt và ngừng cấp ngân sách của EU cho các nước thành viên có mức thâm hụt ngân sách trên 3% GDP và không đưa ra được những biện pháp để thu hẹp khoảng cách này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục