Ngày 17/12, Liên minh châu Âu (EU) đã phê chuẩn thương vụ đề xuất của tập đoàn công nghệ Google mua hãng sản xuất đồng hồ thông minh Fitbit với giá 2,1 tỷ USD, sau khi Google nhất trí các điều kiện, trong đó có việc không sử dụng dữ liệu về sức khỏe của người dùng tại châu Âu vào mục đích quảng cáo.
Trong một tuyên bố, Ủy viên châu Âu (EC) phụ trách vấn đề cạnh tranh Margrethe Vestager cho biết: "Chúng tôi phê chuẩn đề xuất mua Fitbit của Google vì các cam kết đảm bảo rằng thị trường thiết bị công nghệ đeo tay sẽ vẫn mở và cạnh tranh."
Bà Vestager cho biết thêm rằng các cam kết sẽ xác định cách thức Google sử dụng dữ liệu thu thập được vào mục đích quảng cáo, cách thức đảm bảo liên kết giữa các thiết bị đeo cạnh tranh và Android, cũng như cách thức người dùng tiếp tục chia sẻ dữ liệu về sức khỏe và tập luyện của mình.
Google đã nhất trí cam kết trong 10 năm đầu bảo vệ dữ liệu cá nhân và đảm bảo rằng thương vụ này không gây khó khăn cho các nhà sản xuất đồng hồ thông minh khác. Ủy viên châu Âu cho biết: "Google sẽ không dùng các dữ liệu sức khỏe và luyện tập thu thập được từ các thiết bị đeo cho việc quảng cáo trên Google Ads."
[Reuters: Bộ Tư pháp Mỹ điều tra thương vụ Google mua lại Fitbit]
Các điều kiện khác bao gồm cho phép các nhà sản xuất khác tiếp cận hệ thống khai thác Android của Google và mọi bản cập nhật trong tương lai mà không ảnh hưởng đến người dùng. Ủy viên châu Âu kết luận rằng thương vụ được đề xuất giữa Google và Fitbit sẽ không làm dấy lên lo ngại về cạnh tranh.
Tháng 11/2019, Google thông báo đạt một thỏa thuận mua Fitbit - hãng chuyên sản xuất các thiết bị đeo ghi lại hoạt động tập luyện và đồng hồ có thể kết nối với một ứng dụng giám sát sức khỏe. Hai bên hy vọng ký thỏa thuận vào cuối năm 2020, song cần phải được các nhà quản lý đồng ý.
"Đèn xanh" của Liên minh châu Âu được bật lên sau khi Ủy viên châu Âu tiến hành cuộc điều tra sâu rộng về thương vụ trên, liên quan đến lo ngại rằng việc này có thể cho phép Google tiếp cận với các dữ liệu sức khỏe của người dùng và có một lợi thế thị trường không công bằng.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Google và các công ty công nghệ lớn khác đang phải đối mặt với ngày càng nhiều cuộc điều tra của các nước trên thế giới liên quan đến những lo ngại về cạnh tranh và quyền riêng tư. Thậm chí một số bang ở Mỹ, do bang Texas đứng đầu, cũng kiện Google ngày 16/12 với cáo buộc về các thói quen phản cạnh tranh./.