EU đạt thỏa thuận lập cơ quan giám sát ngân hàng

Hội nghị bộ trưởng tài chính EU ngày 13/12 đã đạt được thỏa thuận lập ra một cơ quan gian sát ngân hàng duy nhất ở  Eurozone.
Theo AFP, một số quan chức cho biết các bộ trưởng tài chính của Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/12 đã đạt được thỏa thuận lập ra một cơ quan gian sát ngân hàng duy nhất có quyền đóng cửa các tổ chức cho vay trên toàn Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone).

Thỏa thuận "lịch sử" trên được một số người tham gia công bố trên mạng xã hội Twitter, trong đó có ủy viên phụ trách dịch vụ tài chính của EU Michel Barnier, sau 14 tiếng đàm phán kéo dài tới tận sớm 13/12, trước cuộc gặp thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu diễn ra cùng ngày.

Trước đó, hội nghị dường như sẽ kết thúc trong bế tắc khi tới cuối ngày 12/12 vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc thiết lập cơ quan giám sát chung đối với các ngân hàng trong EU.

Mặc dù Đức và Pháp - hai nền kinh tế lớn nhất EU, đã thu hẹp được một số bất đồng, song chưa thể đạt được một thỏa hiệp về vấn đề nói trên.

Bất đồng chủ yếu giữa Pháp và Đức là ở chỗ trong khi Paris muốn để Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện việc giám sát toàn bộ 6.000 ngân hàng thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), thì Berlin lại muốn ECB chỉ giám sát khoảng 20-25 ngân hàng lớn nhất trong khu vực.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici cho biết Pháp sẵn sàng chấp nhận một thỏa hiệp, theo đó cho phép ECB giám sát các ngân hàng có tài sản tối thiểu là 30 tỷ euro (39 tỷ USD), còn các ngân hàng nhỏ hơn thuộc quyền kiểm soát của nhà chức trách các nước thành viên EU.

Bên cạnh đó, Đức và Pháp hiện cũng chưa thống nhất quan điểm về một cơ chế nhằm tách bạch trách nhiệm giám sát của ECB với việc hoạch định chính sách tiền tệ cũng như kế hoạch làm sao để đẩy nhanh việc thành lập cơ quan giám sát ngân hàng.

Một vấn đề cũng gây tranh cãi tại hội nghị bộ trưởng tài chính lần này là hiện 10 nước EU không thuộc Eurozone được phép quyết định để ngân hàng nào nằm dưới thẩm quyền giám sát của cơ quan giám sát chung, trong khi một số nước khác như Thụy Điển, Anh, không muốn phục tùng cơ chế giám sát mới này, cảnh báo rằng họ muốn tìm một cách khác để bảo vệ tiếng nói của mình trong Cơ quan ngân hàng châu Âu (EBA), định chế đặt ra các qui định chung cho các ngân hàng trên toàn EU. Các nước này lo ngại rằng một cơ chế thống nhất của Eurozone có thể sẽ đặt họ ở thế yếu trong EBA.

Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 13 và 14/12 dự kiến tiếp tục thảo luận về cơ chế giám sát ngân hàng chung, đồng thời tìm tiếng nói chung nhằm thúc đẩy kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng.

Liên quan đến tình hình kinh tế các nước thành viên Eurozone, ngày 12/12, Thổ Nhĩ Kỳ công bố số liệu thống kê chính thức cho biết kinh tế nước này trong quý III/2012 đã tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh nước này dự kiến số liệu cho cả năm 2012 sẽ thấp hơn kỳ vọng.

Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Zafer Caglayan cho rằng các số liệu không mấy sáng sủa trong quý III là do nhu cầu nội địa suy giảm và bày tỏ hy vọng tình hình trong quý IV sẽ khả quan hơn.

Theo ông Calaian, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã lâm vào suy thoái nếu hoạt động xuất khẩu của quốc gia này không tăng bùng nổ, đặc biệt là việc bán vàng cho Iran.

Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu 60% lượng vàng đến các thị trường như Iran, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất và các nước khác.

Ngân hàng Finansbank ở Thổ Nhĩ Kỳ cho hay tốc độ tăng trưởng trong quý III của nước này chậm hơn so với con số dự đoán tăng 2,6% của thị trường và mức dự báo thận trọng tăng khoảng 2,2% của ngân hàng. Số liệu trên kéo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 9 tháng đầu năm của nước này xuống còn 2,6%, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo tăng 3,2%.

Các số liệu mới nhất cho thấy xu hướng giảm tốc của kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia từng đạt mức tăng trưởng mạnh 8,5% năm 2011 và 8,9% năm 2010. Đà tăng trưởng GDP của nước này đã bắt đầu chậm lại từ quý IV/2011 với mức tăng 5,2%, do hoạt động của các doanh nghiệp giảm sút.

Bộ trưởng Tài chính Mehmet Simsek nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể "hạ cánh mềm" trong năm nay bất chấp tình trạng bất ổn định trong nền kinh tế toàn cầu. Song các dữ liệu mới nhất chỉ ra rằng triển vọng tăng trưởng của nước này có thể thấp hơn mức tăng 3%, trong lúc Ngân hàng Finansbank vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở mức 2,9% năm 2012, song cảnh báo rằng triển vọng đạt mức tăng trưởng cao hơn là rất khó.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dự báo GDP của nước này sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2013 và 5% trong cả hai năm 2014 và 2015./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục