EU-IMF sẵn sàng chi 75 tỷ euro cứu trợ Bồ Đào Nha

EU và IMF sẵn sàng giúp Bồ Đào Nha thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công, với số tiền cứu trợ vào khoảng 75 tỷ euro, có thể lên đến 90 tỷ euro.
Ngày 7/4, nguồn tin Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẵn sàng giúp Bồ Đào Nha thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công.

Hai bên dự tính số tiền cứu trợ Bồ Đào Nha vào khoảng 75 tỷ euro, có thể lên đến 90 tỷ euro.

EC đang nỗ lực tìm cách thông qua gói cứu trợ dành cho Lisbon để có thể giải ngân khoản đầu tiên trước ngày Bồ Đào Nha tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 5/6 tới.

Phản ứng trước việc Bồ Đào Nha đề nghị EU bảo lãnh vỡ nợ, Thứ trưởng Ngoại giao Đức Werner Hoyer cho rằng quyết định này không gây bất ngờ, vì đã được giới phân tích dự đoán, và có thể giúp ngăn chặn hiệu ứng đôminô vỡ nợ công trong Khu vực đồng euro.

Theo ông Hoyer, nếu Lisbon không hành động ngay thì trong vòng vài tháng tới, tình hình Bồ Đào Nha nói riêng và Khu vực đồng euro nói chung sẽ rất nguy hiểm.

Ông hối thúc EC nhanh chóng soạn thảo kế hoạch cứu trợ Lisbon.

Chủ tịch Ủy ban tài chính của Quốc hội Đức Wonker Wissing nhận xét động thái trên của Bồ Đào Nha là không thể tránh khỏi và có tác dụng trấn an thị trường tài chính châu Âu đang chao đảo vì vấn đề nợ công. Ông cũng cho biết quỹ bảo lãnh vỡ nợ của Khu vực đồng euro đủ mạnh để "cứu" Bồ Đào Nha.

Thị trường chứng khoán Bồ Đào Nha ngay lập tức đã có phản ứng tích cực, với chỉ số chủ chốt tăng 1,50% trong các giao dịch đầu ngày. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại gói cứu trợ của EU và IMF sẽ không giải quyết được những khó khăn sâu xa của Bồ Đào Nha là kinh tế tăng trưởng chậm và thiếu khả năng cạnh tranh.

Cũng trong ngày 7/4, một quan chức theo sát cuộc họp trong tuần này giữa giới chức Hy Lạp và các thể chế tham gia kế hoạch cứu trợ nước này gồm EC, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiết lộ thâm hụt ngân sách nhà nước năm 2010 của Hy Lạp sau khi được rà soát lại có thể lên đến hơn 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, chứ không phải khoảng 8% như dự báo ban đầu.

Phát biểu với phóng viên hãng tin Reuters bên lề một hội nghị ở Italy, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp George Papaconstantinou xác nhận thông tin về tình trạng gia tăng lạm phát ở Hy Lạp, nhưng không cho biết chi tiết.

Cắt giảm thâm hụt ngân sách nhà nước là một trong những điều kiện tiên quyết để Athen nhận được cứu trợ vỡ nợ từ EU và IMF./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục