EU thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ

Trả lời báo chí sau Hội nghị Ngoại trưởng EU, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết các kết luận về Thổ Nhĩ Kỳ đã được thông qua.
Tàu thăm dò dầu khí Yavuz của Thổ Nhĩ Kỳ neo tại cảng Dilovasi, ngoại ô Istanbul. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tàu thăm dò dầu khí Yavuz của Thổ Nhĩ Kỳ neo tại cảng Dilovasi, ngoại ô Istanbul. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/7, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các biện pháp trừng phạt chính trị và tài chính nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara tiến hành các hoạt động khoan thăm dò ngoài khơi Cộng hòa Cyprus bất chấp nhiều cảnh báo.

Trả lời báo chí sau Hội nghị Ngoại trưởng EU, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết các kết luận về Thổ Nhĩ Kỳ đã được thông qua.

Thông tin cụ thể về các kết luận trên đã được công bố, trong đó biện pháp nghiêm trọng nhất là cắt giảm 145,8 triệu euro (164 triệu USD) trong các Quỹ châu Âu được phân bổ cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020.

Ngân hàng Đầu tư châu Âu đã được yêu cầu xem xét lại các điều kiện đặt ra để cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ankara. EU cũng dự kiến sẽ hạ cấp đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ, song không cắt đứt hoàn toàn.

[EU trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì thăm dò dầu khí ngoài khơi đảo Cyprus]

Một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu không loại trừ rằng các biện pháp trừng phạt trọng điểm hơn sẽ được thông qua vào bất cứ lúc nào.

Việc phát hiện trữ lượng khí đốt khổng lồ ở phía đông Địa Trung Hải đã làm dấy lên tranh chấp giữa Cộng hòa Cyprus - nước thành viên EU - và Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã gửi hai tàu để thực hiện khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi bờ biển Cyprus bất chấp cảnh báo từ EU.

Thổ Nhĩ Kỳ và Cyprus cùng tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển xung quanh Cyprus. Tháng 10 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa tàu Fatih tới vùng biển tranh chấp ngoài khơi tỉnh Antalya, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Đến tháng Năm vừa qua, tàu thăm dò Fatih của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế phía Tây của Cyprus và bắt đầu hoạt động khoan thăm dò.

Tàu khoan thứ hai Yavuz của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã được triển khai hồi tháng Sáu vừa qua để bắt đầu tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt ở khu vực phía Đông.

Phía Ankara đã khẳng định hoạt động thăm dò này dựa trên "quyền lợi hợp pháp," theo đó vị trí thăm dò nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

EU coi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là "sự leo thang không thể chấp nhận", đồng thời yêu cầu chính quyền Ankara phải dừng ngay các hoạt động thăm dò trái phép nếu không muốn bị trừng phạt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục