EU tiếp nhận du khách ngoại khối đã tiêm vaccine được WHO phê duyệt

Những hạn chế sẽ được dỡ bỏ đối với du khách tiêm mũi vaccine cuối cùng của các mũi vaccine cơ bản ít nhất 14 ngày và không quá 270 ngày trước khi nhập cảnh vào các nước EU.
EU tiếp nhận du khách ngoại khối đã tiêm vaccine được WHO phê duyệt ảnh 1Du khách tại Triển lãm hoa quốc tế ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 22/2, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí mở cửa biên giới cho các du khách đến từ ngoài khối đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt, đồng thời nới lỏng hạn chế đối với những du khách tiêm các vaccine của Ấn Độ và Trung Quốc.

Quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3.

Một khuyến nghị được chính phủ các nước EU thông qua nêu rõ: "Các nước thành viên nên dỡ bỏ các hạn chế tạm thời đối với hoạt động đi lại không thiết yếu tới EU với những du khách đã tiêm vaccine được EU hoặc WHO phê duyệt."

Những hạn chế sẽ được dỡ bỏ đối với du khách tiêm mũi vaccine cuối cùng của các mũi vaccine cơ bản ít nhất 14 ngày và không quá 270 ngày trước khi nhập cảnh vào các nước EU. Những du khách đã tiêm mũi vaccine tăng cường cũng sẽ được phép nhập cảnh vào EU.

Ngoài ra, các nước EU cũng nhất trí dỡ bỏ hạn chế tạm thời đối với hoạt động đi lại không thiết yếu đối với các du khách đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 180 ngày trước khi nhập cảnh vào EU.

Các nước EU có thể yêu cầu các du khách tiêm các vaccine được WHO phê duyệt, trình kết quả xét nghiệm PCR được thực hiện sớm nhất là 72 giờ trước khi khởi hành và có thể áp dụng thêm các biện pháp bổ sung như kiểm dịch hay cách ly.

[Pháp cho phép nhập cảnh với du khách nước ngoài đã tiêm vaccine]

Cho đến nay, EU đã cấp phép sử dụng vaccine của các hãng Pfizer/BionTech, Moderna, AstraZeneca (được sản xuất tại châu Âu ), Johnson&Johnson và Novavax.

Trong khi đó, ngoài vaccine của các hãng trên, WHO cũng đã phê duyệt các vaccine ngừa COVID-19 của hai hãng Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc và vaccine của hãng Bharat Biotech của Ấn Độ. WHO cũng phê duyệt vaccine của hãng AstraZeneca do Viện Serum sản xuất tại Ấn Độ.

Cho đến nay, hầu hết các nước EU không tiếp nhận du khách nhập cảnh vào khối này vì những lý do không cần thiết nếu họ tiêm những vaccine mà EU chưa phê duyệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục