FED bảo vệ chính sách duy trì lãi suất siêu thấp

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke vừa lên tiếng bảo vệ chính sách duy trì lãi suất siêu thấp với lý do rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn cần rất nhiều hỗ trợ sau giai đoạn khủng hoảng, trong bối cảnh các nhà làm luật của Đảng Cộng hòa đã chỉ trích rằng duy trì lãi suất quá thấp kéo dài sẽ châm ngòi cho các rủi ro lạm phát.

Trả lời trước phiên Điều trần của Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Ben Bernanke đã lặp lại quan điểm bảo vệ chính sách duy trì lãi suất ở mức gần 0% mà FED đang áp dụng hiện nay.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke vừa lên tiếng bảo vệ chính sách duy trì lãi suất siêu thấp với lý do rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn cần rất nhiều hỗ trợ sau giai đoạn khủng hoảng, trong bối cảnh các nhà làm luật của Đảng Cộng hòa đã chỉ trích rằng duy trì lãi suất quá thấp kéo dài sẽ châm ngòi cho các rủi ro lạm phát.

Trả lời trước phiên Điều trần của Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Ben Bernanke đã lặp lại quan điểm bảo vệ chính sách duy trì lãi suất ở mức gần 0% mà FED đang áp dụng hiện nay.

Theo ông Bernanke, cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu hiện nay vẫn đang đe dọa tới tiến trình phục hồi của kinh tế Mỹ và FED sẽ làm mọi điều có thể để ngăn chặn các tác động xấu từ châu Âu đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế Mỹ. Ông nói: "Lý do cơ bản để duy trì chính sách lãi suất thấp kéo dài là lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế dự kiến chậm lại và thực tế là đồng USD vẫn là thiên đường trú ẩn an toàn."

Sau khi hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục gần 0% cuối năm 2008, FED đã mua vào 2.300 tỷ USD trái phiếu, trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Nhiều nhà phân tích dự báo FED sẽ tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư trong những tháng sắp tới, đồng nghĩa với những đợt mua vào trái phiếu khác. Tuần trước, FED khẳng định sẽ duy trì mức lãi suất thấp ít nhất tới cuối năm 2014, nhằm đẩy mạnh hoạt động cho vay, kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Bên cạnh vấn đề lãi suất, Chủ tịch Ben Bernanke cũng cho rằng duy trì ngân sách ổn định và cân bằng nợ cần là "ưu tiên hàng đầu" của chính phủ Mỹ. Để đạt được mục tiêu này, chính sách tài khóa của Mỹ cần được thực hiện trên lộ trình ổn định, đảm bảo rằng tỷ lệ giữa nợ và thu ngân sách quốc gia ít nhất ở mức cân bằng và tiến tới giảm dần theo thời gian.

Theo ước tính, ngay cả sau khi cắt giảm ngân sách mạnh theo kế hoạch của Tổng thống Barack Obama (dựa trên tình hình thu thuế hiện nay và chính sách chi tiêu của Mỹ) thì khoảng cách giữa ngân sách và nợ quốc gia đối với quy mô nền kinh tế Mỹ vẫn tăng nhanh chóng.

Ông Bernanke cũng lưu ý rằng, do nhiều chính phủ châu Âu đang ngập chìm trong cơn bão nợ công, chi phí vay mượn của các nước này tăng vọt do các nhà đầu tư đánh mất niềm tin vào châu Âu. Điều này cũng đã tác động mạnh tới các khoản vay của Mỹ. Ngoài ra, khu vực tư nhân, sản xuất công nghiệp đã mạnh lên, song thị trường nhà đất Mỹ vẫn chịu nhiều sức ép, trong khi chi tiêu tiêu dùng của người dân vẫn yếu, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của nước này duy trì ở mức cao.

Thống kê cho thấy, trên 40% trong tổng số 13 triệu người Mỹ thất nghiệp hiện nay đã rơi vào tình trạng thất nghiệp kéo dài trên 6 tháng liên tiếp. Vì vậy, Chủ tịch Bernanke cho rằng, thị trường lao động Mỹ phải mất nhiều thời gian để trở lại giai đoạn ổn định trước khủng hoảng./.

Việt Khoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục