Các loại tiền điện tử vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống tài chính và đồng tiền số Libra của Facebook có nguy cơ là thách thức lớn nếu được sử dụng rộng rãi trong khi không có biện pháp đảm bảo đáng tin cậy.
Đây là cảnh báo của ủy viên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bà Lael Brainard đưa ra trong bài phát biểu ngày 18/12.
Bà Brainard cho rằng các đồng tiền điện tử vốn ẩn chứa nhiều rủi ro đối với hệ thống tài chính và những rủi ro này có nguy cơ gia tăng khi stablecoin được chấp nhận sử dụng rộng rãi.
Stablecoin (đồng tiền ổn định) là những đồng tiền số, như Libra, được các loại tiền tệ từ USD tới euro và các tài sản khác hậu thuẫn để chống lại sự biến động mạnh và thiếu ổn định về giá trên thị trường tiền điện tử.
[EU nhất trí không cấp phép lưu hành tiền điện tử Libra]
Theo bà Brainard, các vụ "hỏi thăm" sàn giao dịch tiền điện tử là một nguồn thu đáng kể của tội phạm mạng. Con số thiệt hại do các vụ lừa đảo và ăn cắp tiền điện tử tăng mạnh từ 1,7 tỷ USD năm 2018 lên khoảng 4,4 tỷ USD vào năm 2019.
Đề cập đến kế hoạch phát triển tiền số Libra của Facebook, bà Brainard cho rằng nếu được triển khai, mạng lưới thanh toán này có thể vươn ra toàn cầu khi hơn 1/3 dân số thế giới đang sử dụng Facebook.
Khác với các đồng nội tệ của các quốc gia được ngân hàng trung ương hỗ trợ và các khoản tiền gửi được chính phủ đảm bảo, tiền số Libra chưa rõ sẽ áp dụng biện pháp bảo đảm nào cho người dùng.
Bà Brainard nhấn mạnh một khi được triển khai, tiền số Libra có thể được sử dụng trên khắp thế giới và một nước không thể kiểm soát được, do đó các nước cần phải có những quy định quản lý và giám sát đồng tiền điện tử này ở cấp toàn cầu.
Quan chức Fed cảnh báo nếu không có những biện pháp đảm bảo cần thiết, các mạng lưới stablecoin ở cấp độ toàn cầu có thể gây rủi ro cho người dùng.
Theo bà Brainard, mọi mạng lưới thanh toán toàn cầu trước khi triển khai nên đáp ứng những tiêu chuẩn pháp lý nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng.
Bên cạnh đó, các nhà phát hành tiền điện tử vẫn cần phải giải quyết những thách thức, trong đó có nguy cơ lừa đảo và sử dụng vào các hoạt động như rửa tiền.
Tháng 6 vừa qua, Facebook đã công bố kế hoạch phát hành tiền số Libra vào năm 2020, với sự hậu thuẫn của một rổ tiền tệ giúp đồng tiền này có giá trị thực tế cao hơn so với Bitcoin hay các đồng tiền ảo khác.
Facebook tin tưởng Libra sẽ trở thành đồng tiền số toàn cầu, ổn định, lưu hành trên các điện thoại thông minh và có thể giúp hàng tỷ người không thể tiếp cận dịch vụ tài chính truyền thống tham gia vào hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp và giới chức quản lý tài chính tại nhiều quốc gia trên thế giới đã lập tức quan ngại về tác động tới hệ thống tài chính toàn cầu khi hơn 2 tỷ người dùng Facebook có thể sử dụng đồng tiền này./.