Tiền vệ Frank Lampard của Chelsea vừa lên tiếng khẳng định rằng việc áp dụng công nghệ xem bóng đã qua vạch vôi hay chưa trong bóng đá là “một việc không phải suy nghĩ.” Cá nhân tiền vệ này từng bị cướp không một bàn thắng hợp lệ vào lưới tuyển Đức tại World Cup 2010 do lỗi nhận định của các trọng tài. Chiến thắng của Chelsea trước Monterrey tại Club World Cup hôm 13/12 mà Lampard vào sân từ ghế dự bị chính là trận đấu đầu tiên công nghệ này được áp dụng với đội bóng Anh. Trước trận đấu, tiền vệ 34 tuổi này đã phát biểu: “Tôi đã hưởng ứng đề xuất này từ lâu rồi, bởi nó rõ ràng là một biện pháp đơn giản và nhanh gọn cũng như không tốn quá nhiều thời gian của trận đấu.” “Bất cứ thứ gì có thể giúp các trọng tài, những người phải dành hết thời gian dùng mắt thường bao quát tất cả... thì hãy thử hết đi.” “Nếu công nghệ không làm hỏng trận đấu và còn có thể đem lại sự hưng phấn như cách nó đem tới cho môn cricket thì tại sao lại nói không chứ?” Chính bàn thắng không được công nhận của Lampard hai năm trước tại Nam Phi đã khiến FIFA cân nhắc ý tưởng áp dụng công nghệ vào bóng đá. Tổ chức bóng đá lớn nhất thế giới này đang thử nghiệm hai hệ thống tại Club World Cup đang diễn ra tại Nhật Bản: công nghệ cảm ứng từ trường GoalRef với một con chip gắn vào quả bóng và phương án còn lại là dùng camera Mắt đại bang (tương tự trong tennis).
Bàn thắng hợp lệ của Lanpard tại World Cup 2010 bị từ chối.
Cả hai đều có thể báo cho trọng tài chỉ trong một giây nếu bàn thắng được ghi. GoalRef đã được áp dụng trong trận bán kết có sự tham gia của Chelsea, song giống như hầu hết các trận đấu thông thường, các bàn thắng được ghi hợp lệ và không gây tranh cãi như trường hợp của Lampard năm 2010. FIFA sẽ cân nhắc kỹ về kết quả của cả hai hệ thống giải năm nay trước khi áp dụng một công nghệ vào Confederations Cup tháng Sáu năm tới. Tổ chức nằng khẳng định công nghệ sẽ chỉ được áp dụng nhằm xác định trái bóng đã đi qua vạch vôi chưa mà thôi. Lampard đồng tình với điều này: “Cú sút không được công nhận của tôi vào lưới tuyển Đức đã giúp thúc đẩy tiến trình này. Nếu công nghệ có thể giúp hóa giải những tranh cãi mà mắt thường không nhận ra được thì áp dụng nó là việc không phải suy nghĩ.”/.
Quốc Thịnh (Vietnam+)