Giá càphê lập kỷ lục mới do thị trường lo ngại thiếu hụt nguồn cung

Trong bối cảnh thời tiết khô nóng kéo dài tại các nước sản xuất càphê lớn ở Đông Nam Á làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung, giá càphê toàn cầu tăng mạnh.

Chăm sóc cây càphê tại cao nguyên Toraja, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chăm sóc cây càphê tại cao nguyên Toraja, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá càphê toàn cầu đang tăng mạnh do thời tiết khô nóng kéo dài tại các nước sản xuất càphê lớn ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Theo phóng viên TTXVN tại London, giá càphê Robusta và Arabica đều tăng mạnh kể từ đầu năm. Giá càphê Robusta kỳ hạn trên sàn giao dịch London ngày 12/4 tăng lên 3.948 USD/tấn, mức cao kỷ lục kể từ khi hợp đồng càphê tương lai bắt đầu giao dịch vào năm 2008.

Giá càphê Arabica kỳ hạn tại New York cũng tăng lên 2,34 USD/pound (tương đương 0,453kg), mức cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Giám đốc điều hành công ty càphê Lavazza (Italy), Antonio Baravalle, cho biết giá nguyên liệu thô tăng mạnh đã tạo ra một kịch bản kinh tế vĩ mô “cực kỳ phức tạp” cho ngành càphê.

Ông cho biết mặc dù doanh thu tăng 13% lên 3 tỷ USD vào năm ngoái, lợi nhuận của Lavazza gần đây đã giảm do giá càphê tăng.

Theo ông Carlos Mera, phụ trách ngành hàng nông sản tại ngân hàng Rabobank (Hà Lan), thời tiết nắng nóng kéo dài tại Đông Nam Á ảnh hưởng lớn đến vụ cà phê, làm trầm trọng thêm tình trạng eo hẹp nguồn cung hiện nay, thúc đẩy các nhà chế biến càphê tăng gom hàng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.

Ông cho biết các nhà rang xay càphê, đặc biệt là ở châu Âu, đã tìm cách tăng dự trữ trong bối cảnh lo ngại về chuỗi cung ứng do các cuộc tấn công vào các tàu hàng ở Biển Đỏ từ tháng 11/2023, buộc các tàu di chuyển giữa châu Á và châu Âu phải chuyển tuyến qua Mũi Hảo Vọng thay vì qua Kênh đào Suez.

Bên cạnh đó, các nhà chế biến càphê cũng đang cố gắng tăng dự trữ trước khi luật mới của Liên minh châu Âu (EU) cấm càphê trồng trên đất rừng bị phá có hiệu lực vào tháng 12/2024. Sau thời hạn này, tất cả các nhà chế biến càphê để bán tại EU phải cung cấp dữ liệu định vị địa lý nhằm chứng minh nguồn gốc của càphê hạt nhập khẩu.

Theo ông Jonathan Haines, nhà phân tích cao cấp tại tập đoàn nghiên cứu và phân tích dữ liệu hàng hóa Gro-Intelligence, tình trạng thiếu nguồn cung càphê Robusta đã đẩy giá càphê Arabica tăng theo do thường được trộn cùng Robusta trong chế biến càphê.

Theo ông Ole Hansen, phụ trách chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo (Đan Mạch), thời tiết bất lợi với mưa lớn ở Brazil, nước sản xuất càphê cao cấp lớn nhất thế giới, cũng là nguyên nhân khiến giá cà phê Arabica tăng.

Ông Mera dẫn các số liệu mới nhất của Ủy ban giao dịch hàng hóa kỳ hạn cho biết các quỹ dự phòng và các nhà đầu cơ đã đặt cược vào giá càphê Arabica tăng, khiến giá bị đẩy lên cao.

Giá càphê tăng khi các hàng hóa nông sản khác tăng mạnh. Giá cacao kỳ hạn đã vượt mức kỷ lục 10.000 USD/tấn vào cuối tháng trước và cao hơn gần 4 lần so với 2 năm trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục