Giá dầu châu Á tăng hơn 1% sau hai phiên lao dốc

Giá dầu Brent Biển Bắc phiên này tăng 68 xu Mỹ, tương đương 1,2%, lên 58,91 USD/thùng vào lúc 13 giờ 50 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi đã giảm lần lượt 3% và 2,1% trong phiên 14-15/8.
Giá dầu châu Á tăng hơn 1% sau hai phiên lao dốc ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu ở Zawiya, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á tăng hơn 1% trong phiên 16/8 sau khi giảm hai phiên liên tiếp trước đó, nhờ số liệu bán lẻ khá tích cực của Mỹ đã xoa dịu những nỗi lo về khả năng suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Giá dầu Brent Biển Bắc phiên này tăng 68 xu Mỹ, tương đương 1,2%, lên 58,91 USD/thùng vào lúc 13 giờ 50 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi đã giảm lần lượt 3% và 2,1% trong phiên 14-15/8.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến 63 xu Mỹ (1,2%) lên 55,1 USD/thùng. Loại dầu này trong phiên 14 và 15/8 trước đó đã giảm lần lượt là 3,3% và 1,4%.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 0,7% trong tháng 7/2019, khi người tiêu dùng đẩy mạnh chi tiêu cho một loạt các mặt hàng dù cắt giảm việc mua sắm phương tiện cơ giới.

[Le Monde: Thị trường dầu mỏ đứng trước nguy cơ khủng hoảng]

Thông tin này được đưa ra chỉ một ngày sau khi đường cong lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đảo ngược lần đầu tiên kể từ tháng 6/2007, qua đó thúc đẩy hoạt động bán tháo trên thị trường chứng khoán và năng lượng.

Đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đảo ngược thường là một chỉ dấu đáng tin cậy báo hiệu một đợt suy thoái đang đến gần.

Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cao cấp của công ty tư vấn tài chính OANDA, cho biết sự khởi sắc của giá dầu có vẻ chỉ là một sự tự điều chỉnh của thị trường thay vì là cơ sở cho sự phục hồi sắp diễn ra. Nhìn chung, những số liệu kinh tế của Mỹ tiếp tục là một điểm sáng trong bức tranh “u ám” của kinh tế toàn cầu.

Đà tăng của giá dầu vẫn có thể bị hạn chế sau khi một loạt số liệu không mấy lạc quan của các nền kinh tế lớn được công bố trong tuần này. Đáng chú ý là sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng với tốc độ thấp nhất của 17 năm, tăng trưởng kinh tế Đức giảm trong quý 2 do hoạt động xuất khẩu “lao dốc.”

Song tính từ đầu năm tới nay, giá dầu Brent vẫn tăng 10% nhờ kế hoạch cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khác ngoài khối, bao gồm Nga (gọi chung là OPEC+). Hồi tháng Bảy, OPEC+ đã đồng ý tiếp tục kéo dài kế hoạch trên cho tới tháng 3/2020 để đẩy giá “vàng đen” đi lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục