Đồng USD tăng giá trở lại cùng khả năng Mỹ và Saudi Arabia sẽ gia tăng sản lượng khai thác nội địa là hai nguyên nhân chính đẩy giá dầu thô tại thị trường Mỹ và thế giới lao dốc hơn 3% trong ngày 19/5.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn số liệu từ Sàn giao dịch hàng hóa New York cho biết trong phiên giao dịch trước khi đóng cửa ngày 19/5, giá dầu thô WTI (West Intermediate Texas) của Mỹ giao tháng Sáu giảm 2,17 USD, tương đương với 3,7%, xuống còn 57,26 USD/thùng.
Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,25 USD, tương ứng với 3,4%, xuống còn 64,02 USD/thùng. Đây là phiên thứ năm liên tiếp và là thời gian mất giá kéo dài nhất của dầu thô WTI của Mỹ kể từ giữa tháng Ba, mặc dù giá loại dầu thô này hiện vẫn ở mức cao hơn 30% so với thời điểm tháng Ba.
Theo giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm mạnh là do Mỹ và và Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, có kế hoạch tăng sản lượng khai thác nội địa khiến nguồn cung dư thừa nhiều hơn. Bên cạnh đó, tỷ giá đồng USD tăng trở lại trong ngày 19/5, xấp xỉ 0,9% so với các đồng tiền chủ chốt khác cũng góp phần khiến giá "vàng đen" lao dốc.
Đồng bạc xanh tăng giá cũng khiến giá vàng trên thị trường thế giới "quay đầu" giảm khá mạnh sau nhiều ngày tăng liên tiếp.
Chốt phiên giao dịch trên Sàn giao dịch COMEX (Mỹ) ngày 19/5, giá vàng giao tháng Sáu giảm tới 20,9 USD, tương đương 1,7% xuống còn 1.206,7 USD/ounce. Đây là mức thấp nhất trong một tuần sau khi giá vàng tăng năm phiên liên tiếp trước đó.
Ngoài chịu áp lực từ việc đồng USD tăng giá, giá vàng thế giới cũng bị ảnh hưởng phần nào từ báo cáo mà Bộ Thương Mại Mỹ mới công bố, trong đó cho thấy số nhà đất xây mới tại nước này tăng 20,2% trong tháng Tư lên mức hàng năm là 1.135 triệu căn.
Cùng chung số phận với giá vàng, giá các kim loại quý khác cũng đồng loạt giảm trong phiên giao dịch cùng ngày. Cụ thể, giá bạc giao tháng Bảy giảm 3,73% xuống còn 17,071 USD/ounce trong khi giá bạch kim giao tháng Bảy cũng giảm 2,34% và đóng cửa ở mức 1.150,9 USD/ounce./.