Giá vàng thế giới đã có một tuần khá thăng hoa và kéo dài chuỗi tăng điểm sang tuần thứ sáu liên tiếp, đồng thời ghi dấu tháng tăng cao nhất kể từ giữa năm 2016 tới nay.
Trong phiên đầu tuần 24/6, thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp các lệnh trừng phạt mới lên Iran và nhắm vào Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei theo sau sự việc Tehran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ đã giúp giá vàng thế giới tăng tới hơn 1%.
Thậm chí, vàng đã có lúc giao dịch ở mức 1.416,84 USD/ounce, mức cao nhất kể từ cuối tháng 8/2013 trong cùng phiên.
Sang phiên ngày 25/6, giá vàng giao kỳ hạn tại sàn giao dịch điện tử COMEX của thị trường New York (Mỹ) tăng trong ngày 25/6 khi giá kim loại quý này được hỗ trợ từ việc thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm.
Khi đóng cửa, giá vàng giao tháng 8/2019 tăng 0,5 USD, tương đương 0,04%, lên 1.418,7 USD/ounce. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại Phố Wall đều chìm trong sắc đỏ, với chỉ số công nghệ Nasdaq giảm mất điểm mạnh nhất khi lùi tới 1,4%.
Nhưng giá vàng đứt mạch tăng trong phiên ngày 26/6 khi giảm tới 0,8% xuống 1.411,21 USD/ounce, sau khi đã giảm hơn 1% hồi đầu phiên, do thị trường đã bớt kỳ vọng về khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng tới.
[Vì sao vàng tăng giá nhưng thị trường vẫn trầm lắng?]
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào cùng ngày cho biết triển vọng kinh tế Mỹ đã chuyển hướng ảm đạm hơn kể từ đầu tháng 5/2019 với những bất ổn gia tăng liên quan tới thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến Fed phải xem xét lại chính sách lãi suất.
Song Chủ tịch chi nhánh Fed ở St. Louis, James Bullard, lại không cho rằng kinh tế Mỹ hiện đang trong tình hình khó khăn đủ để Fed cắt giảm lãi suất đi 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp vào cuối tháng Bảy tới.
Đà giảm của giá vàng thế giới tiếp tục kéo sang phiên ngày 27/6, giữa bối cảnh các nhà đầu tư đang tìm kiếm thêm tín hiệu từ các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Giá vàng giao ngay phiên này giảm 0,1% xuống còn 1.407,71 USD/ounce, sau khi có lúc rơi xuống dưới 1.400 USD/ounce vào đầu phiên.
Các hoạt động bán ra kiếm lời của giới đầu tư sau đợt tăng giá mạnh vừa qua cũng đã phần nào kéo vàng đi xuống. Thêm vào đó, sự đi lên của đồng USD và một số chỉ số chứng khoán Mỹ cũng tác động bất lợi tới giá kim loại quý này.
Sang đến phiên cuối tuần 28/6, giá vàng thế giới hầu như “án binh bất động” khi các nhà đầu tư chờ đợi những thông tin về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Thị trường vẫn hy vọng cuộc gặp này sẽ giúp giải quyết những tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Phiên này, giá vàng giao ngay đi ngang ở mức 1.409,33 USD/ounce vào lúc 0 giờ 35 phút (ngày 29/6 theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên, giá vàng vẫn tăng gần 1% tính chung trên cả tuần.
Với mức tăng 8% chỉ tính riêng trong tháng Sáu, giá vàng đã có một tháng khá “rực rỡ” nhờ những kỳ vọng của thị trường về khả năng Fed sẽ hòa hoãn hơn đối với chính sách tiền tệ của họ. Còn khi tính chung trên cả quý 2/2019, giá vàng đã tăng tới 9,1% - mức tăng cao nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2016.
Ngược lại với giá vàng, đồng USD lại phải ghi nhận tháng tăng yếu nhất kể từ đầu năm 2018 tới nay. Việc thị trường đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất của Fed đã đẩy chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - giảm 1,7% trong tháng Sáu./.