Giải điền kinh trẻ châu Á 14: Có thể "gặt hái" hơn

Dù đạt được thành tích vượt xa dự kiến, hai huy chương bạc, ba huy chương đồng, xếp hạng 14/32 và vượt xa chỉ tiêu giành một huy chương đồng đã đề ra, nhưng nhìn trên bình diện sâu xa và tổng quan điền kinh Việt Nam tại giải năm nay chưa có được sự chuẩn bị tốt nhất.

Việc cấp quản lý không nắm rõ thông tin về đối thủ, không cập nhật thông tin về lứa tuổi tham gia... đã khiến các vận động viên của chúng ta mất đi cơ hội được cọ xát tích lũy kinh nghiệm cũng như không có chiến thuật, đối sách tốt để giành thêm thứ hạng cao.
Khép lại giải điền kinh trẻ châu Á lần thứ 14 diễn ra tại Hà Nội từ 1-5/7, Đoàn Việt Nam giành hai huy chương bạc, ba huy chương đồng, xếp hạng 14/32 và vượt xa chỉ tiêu giành một huy chương đồng đã đề ra.

Đây là thành tích bất ngờ so với mong đợi, nhất là với một đội ngũ các vận động viên của Việt Nam hầu hết đều là những gương mặt trẻ.

Bạc quý hơn.... vàng

Chiếc huy chương bạc mà Trần Huệ Hoa mang về cho đoàn chủ nhà ở nội dung nhảy cao nữ (thành tích 1m76) được xem còn quý hơn cả vàng. Ngay cả giới chuyên môn cũng ít ngờ rằng, Hoa có thể làm được điều tuyệt vời là giành huy chương bạc đầu tiên cho Việt Nam tại giải trước những đối thủ được đánh giá cao như Fung Wai Yee (Hongkong), Man Xiao (Trung Quốc) và Alexandra (Kazakhstan).

Có tâm lý tốt ngay từ lần nhảy đầu tiên 1m60, Hoa dễ dàng vượt qua mức xà khởi điểm để rồi lần lượt nâng xà qua các mức cao hơn và chỉ chịu dừng lại ở 1m76. Rơi lại sau Wu Meng Chia (Đài Loan – giành huy chương vàng với thành tích 1m78) không nằm ở chỗ Trần Huệ Hoa kém về trình độ mà một phần vì vận động viên của Việt Nam gặp áp lực tâm lý sau khi đối thủ trực tiếp bất ngờ đổi chiến thuật (vượt qua mức xà 1m74, Wu bỏ qua 1m76 mà nâng hẳn lên 1m78 rồi dễ dàng vượt qua).

Áp lực tâm lý cùng cái cổ chân phải chấn thương chưa bình phục khiến Hoa đành ngậm ngùi ở vị trí thứ hai. Tuy nhiên, tấm huy chương bạc của Trần Huệ Hoa có thể xem là điểm sáng thành tích đáng khen ngợi cho các vận động viên trẻ chủ nhà bởi ở một giải đấu cấp châu lục việc giành huy chương không đơn giản chút nào.

Biết mình biết người, ban huấn luyện đội tuyển cũng chỉ đặt chỉ tiêu… hy vọng có 1 huy chương đồng mà không dám nghĩ tới màu bạc huy chương. Cùng thành tích của Huệ Hoa, chiếc huy chương đồng của Bùi Thị Thu Thảo trong nội dung 7 môn phối hợp nữ cũng rất quý giá.

Mỗi vận động viên tham gia nội dung phối hợp, bao giờ sức lực và tinh thần thi đấu luôn phải mạnh mẽ nhất. Khởi đầu không suôn sẻ ở lượt thi 100m rào, tuy nhiên, Thảo vẫn bình tĩnh bền bỉ để bám đuổi nhóm dẫn đầu để kết thúc chung cuộc ở vị trí thứ 3 (4.848 điểm), bỏ xa 2 VĐV về thứ 4 và thứ 5 là Lưu Thị Hiệp (Việt Nam, 3.940 điểm), Shokri Saeed (Jordan, 3.863 điểm).

“Dàn trải sức lực cho 7 môn để kiếm tìm một huy chương không hề dễ dàng trong khi những vận động viên khác chỉ cần dồn sức cho 1 môn nhất định. Chúng tôi đánh giá rất cao thành tích của Thảo,” chia sẻ của Trưởng bộ môn điền kinh Việt Nam Dương Đức Thủy tại giải.

Vẫn có thể tốt hơn

Trên đấu trường châu lục, mỗi chiếc huy chương giành được của vận động viên là biết bao sự đầu tư, kỳ vọng trong chiến lược phát triển tài năng thể thao trẻ của từng quốc gia. Nhưng quả thật nhìn sâu xa hơn thì điền kinh Việt Nam tại giải năm nay vẫn chưa có sự chuẩn bị thật tốt nhất.

Thiếu thông tin về đối thủ chính là điều dễ thấy. Lẽ ra, chúng ta đã có thể giành nhiều hơn thành tích 2 huy chương bạc, 3 huy chương đồng bởi đơn cử như trong nội dung ném búa nữ chỉ có 2 VĐV dự tranh (Việt Nam không tham dự) nên việc phân chia huy chương vàng, huy chương bạc giữa 2 cá nhân không khó khăn chút nào.

Chỉ cần những nhà quản lý của Liên đoàn điền kinh Việt Nam tìm hiểu thông tin sâu sát một chút thôi, hẳn là chúng đã có chiến thuật hợp lý để giành thêm huy chương.

Trong điều lệ giải đấu chỉ chấp nhận những VĐV thuộc lứa sinh năm 1991-1992, nhưng bước vào tranh tài Ủy ban Olympic châu Á lại có sự "du di" nhất định giới hạn kéo dài tới năm 1994 giúp các đoàn có cơ hội cho vận động viên trẻ được phát lộ tài năng sớm hơn.

Các quốc gia như Trung Quốc, Iran, Iraq, Qatar, Thái Lan, Kazakhstan… đã vận hành thật trơn tru khi các vận động viên 16 tuổi của họ mang về thật nhiều huy chương. Trong khi đó, chủ nhà Việt Nam vì cập nhật thông tin chậm nên chỉ kịp đưa vận động viên lứa 18-19 tuổi tham dự do trót đăng ký sớm!

Thế mới thấy, sự thiếu thông tin từ cấp quản lý, suy cho cùng người chịu thiệt là vận động viên vì họ mất cơ hội được cọ xát tích lũy kinh nghiệm.


Xếp hạng tại giải điền kinh trẻ châu Á lần thứ 14-2010: 1/Trung Quốc (11HCV, 10HCB, 5HCĐ); 2/Kazakhstan (5HCV, 2HCB, 1HCĐ); 3/Qatar (5HCV, 1HCĐ)… 14/Việt Nam (2HCB, 3HCĐ).

Tại giải có 2 kỷ lục trẻ châu Á mới được xác lập ở nội dung nhảy cao nam của Barshim Mutaz Essa (Qatar, KL mới 2m31) và nhảy ba bước nam Cao Shuo (Trung Quốc, KL mới 16m84).
Việt Khang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục