Sáng 15/11, tại thành phố Vinh, Trung tâm Khuyến nông quốc gia - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An tổ chức diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp với chủ đề Giải pháp phát triển sản xuất cây có múi hiệu quả vùng Bắc Trung Bộ.
Diễn đàn có sự tham gia của các nhà khoa học, các doanh nghiệp và gần 200 đại biểu đến từ sáu tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
Những năm gần đây, diện tích và sản lượng cây có múi (cam, quýt, bưởi, chanh) của cả nước tăng khá nhanh. Từ năm 2013 đến nay, diện tích cây cam tăng đáng kể, từ 53.800ha lên đến 90.700ha. Từ năm 2008-2018, diện tích bưởi tăng từ 43.500ha lên đến 74.200ha và quýt tăng từ 7.400ha lên đến gần 22.000ha. Năm 2018, tổng diện tích cam, bưởi, quýt cả nước có 206.000ha, xu hướng hiện nay diện tích vẫn tiếp tục tăng.
Trong số đó, sáu tỉnh Bắc Trung Bộ diện tích cây có múi khoảng 27.900ha, chiếm 11,5% diện tích cây ăn quả có múi cả nước. Tuy diện tích cây có múi không lớn nhưng lại là cây đặc sản của vùng có giá trị kinh tế cao, mang tính sản xuất hàng hóa lớn. Nhiều sản phẩm nổi tiếng như bưởi Phúc Trạch, cam Bù (Hà Tĩnh), cam Vinh (Nghệ An), bưởi Thanh Trà (Huế), bưởi đỏ Luận Văn (Thanh Hóa)…
Để khai thác tiềm năng, lợi thế và phát triển sản phẩm cây ăn quả có múi bền vững, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển cây có múi, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh... Nhờ đó góp phần làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm cây ăn quả có múi của vùng.
Hiện nay, rất nhiều nông dân vùng Bắc Trung Bộ đã ứng dụng mô hình trồng cây ăn quả có múi theo hướng VietGAP như vùng trồng cam Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn (Nghệ An); Vũ Quang (Hà Tĩnh)… Nông dân hạn chế sử dụng phân hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học; áp dụng quy trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) trên cây có múi, dùng bẫy bả, hạn chế sử dụng thưốc bảo vệ thực vật.
Tuy nhiên, hiện nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ gặp một số khó khăn, thách thức như các vùng sản xuất hàng hóa chưa rõ nét, các hợp tác xã kiểu mới thành lập chưa nhiều, chất lượng giống cây, biến đổi khí hậu… những điều này đã ảnh hưởng lớn hiệu quả kinh tế của cây có múi.
Tại diễn đàn nhiều vấn đề như quy hoạch vùng diện tích cây có múi, vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tăng giá trị cho sản phẩm cây có múi; liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm; giải pháp phòng trừ các loại sâu bệnh cho cây có múi… được đưa ra trao đổi sôi nổi. Những băn khoăn, thắc mắc của nông dân đã được các nhà khoa học, chuyên gia giải đáp.
[Tuần lễ giới thiệu cây ăn quả có múi, nông sản Hòa Bình tại Hà Nội]
Bà Nguyễn Thị Vinh, người trồng cam ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) cho biết hiện nay thời tiết diễn biến rất phức tạp, nhiều loại sâu bệnh như ruồi đục quả, rệp sáp… tấn công nên gây ảnh hưởng đến năng suất cam.
Nông dân mong muốn các nhà khoa học, các nhà vườn có những biện pháp khắc chế sâu bệnh hiệu quả, ít sử dụng chất hóa học nhưng năng suất và sản lượng cam bị ảnh hưởng rất nhiều vì sâu bệnh.
Hay ông Chu Văn Viết, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) hỏi giải pháp cho đầu ra quả cam ổn định.
Ông Trương Minh Châu, chuyên gia trồng trọt của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An, cho rằng người trồng cam cần tập trung vào chất lượng sản phẩm, sản xuất cam an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Nông dân cần thành lập, tham gia vào hợp tác xã, nhóm hợp tác để cùng nhau sản xuất theo các tiêu chí nhất định. Có như thế, người tiêu dùng mới yên tâm sử dụng cam của nông dân và tăng giá trị cho quả cam.
Định hướng về việc quy hoạch vùng trồng cây có múi Bắc Trung Bộ, ông Hoàng Văn Hồng, Trưởng phòng Khuyến nông trồng trọt và lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết hiện nay việc phát triển sản xuất cây ăn quả nói chung và cây có múi nói riêng là xu thế mà nông dân đang lựa chọn vì nó mang lại kinh tế cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có chỉ đạo các địa phương Bắc Trung Bộ về phát triển cây có múi phải phù hợp với diện tích quy hoạch của từng tỉnh, từng vùng đặc sản thuận lợi để tránh sự phát triển nóng, ồ ạt.
Các địa phương phải tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ trước khi trồng, sử dụng giống cây vào sản xuất. Vì trồng cây có múi phải năm năm sau mới có thu hoạch. Khi đó, nếu nhu cầu tiêu thụ của thị trường không hết sẽ vướng vào "được mùa mất giá."
Tại diễn đàn, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đưa ra để phát triển cây có múi ở vùng Bắc Trung Bộ theo hướng bền vững như xây dựng và vận hành chuỗi liên kết sản xuất ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; rà soát quy hoạch, tránh phát triển ồ ạt những vùng ít thuận lợi; hỗ trợ nông dân chuyển giao kỹ thuật, chính sách tín dụng, phát triển thương hiệu, mở rộng mô hình VietGAP…
Tại diễn đàn, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đánh giá hiện nay cây có múi đang phát triển nóng, cơ cấu sản xuất vụ chưa đồng đều, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật chưa đồng bộ, nhất là tại các vùng cam nên nhiều nơi bị suy thoái, hiệu quả chưa cao. Vì thế, địa phương cần phát triển các vùng cây có múi gắn với thủy lợi để đảm bảo tưới tiêu; phát triển những giống tốt; xây dựng mô hình chuỗi liên kết nông dân, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là nông dân sản xuất được sản phẩm chất lượng, an toàn để mang lại hiệu quả kinh tế cao./.