Tháng 3/2020 “mở đầu” với tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở gần mức thấp kỷ lục trong 50 năm và kết thúc với hàng loạt doanh nghiệp kêu gọi sự hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Mùa báo cáo lợi nhuận hàng quý ở Mỹ, sẽ bắt đầu diễn ra trong tuần này (và kéo dài cho đến giữa tháng 5/2020) với các báo cáo lợi nhuận của những ngân hàng lớn ở nước này - sẽ cung cấp một đánh giá đầy đủ đầu tiên về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với giới doanh nghiệp Mỹ.
Ngày 14/4 sẽ là ngày quan trọng đầu tiên của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2020 của giới doanh nghiệp Mỹ khi các ngân hàng lớn của Mỹ - đóng vai trò "xương sống" đối với nền kinh tế trong nước cũng như những chương trình kich thích tăng trưởng kinh tế then chốt của nước này - công bố báo cáo lợi nhuận quý đầu tiên của năm 2020.
[Mỹ: Dịch COVID-19 cuốn trôi 17 triệu việc làm chỉ trong ba tuần]
Mặc dù những báo cáo trên rõ ràng sẽ cung cấp các kết quả kinh doanh ảm đạm của giới doanh nghiệp Mỹ song hiện khó có thể ước tính chính xác mức độ thiệt hại trong hoạt động trong quý 1/2020 của các doanh nghiệp này vì kinh tế Mỹ đã khá “sôi động” trong hai tháng đầu năm 2020 và chỉ bất ngờ đình trệ trong tháng 3/2020 do nước này áp dụng lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát.
Giới phân tích dự đoán các doanh nghiệp có cổ phiếu hợp thành chỉ số tổng hợp S&P 500 của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) sẽ thông báo lợi nhuận quý 1/2020 giảm 6-15% và lợi nhuận quý 2/2020 dự kiến còn giảm tới 18%.
Trong khi đó, nhiều công ty Mỹ đã rút lại những dự báo về kết quả kinh doanh khi hiện vẫn chưa rõ nền kinh tế Mỹ sẽ ở trong trạng thái đình trệ trong bao lâu khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến đáng quan ngại.
Nền kinh tế Mỹ đã đối mặt với một loạt khó khăn trong suốt tháng 3/2020. Số lao động Mỹ bất ngờ rơi vào cảnh thất nghiệp trong tháng 3/2020 là hơn 10 triệu người, các nhà máy sản xuất ôtô phải đóng cửa và hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ phải ngừng hoạt động.
Trong khi các sự kiện thể thao lớn phải hủy hay hoãn vô thời hạn thì hàng nghìn chuyến bay thương mại đã bị cắt giảm trong khi lượng hành khách đi lại bằng đường không giảm hơn 75%.
Trong tháng 3/2020, mức vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp có cổ phiếu hợp thành chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 3.000 tỷ USD.
American Airlines, Delta Airlines, United Airlines và các hãng hàng không khác của Mỹ đã tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Mỹ, trong khi “đại gia” sản xuất máy bay Boeing khuyến khich người lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Trước tình hình trên, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói kích thích kinh tế 2.200 tỷ USD trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra một loạt chương trình mới nhằm tăng thanh khoản của thị trường và bơm tiền vào nền kinh tế thực.
Theo chiến lược gia Francois Trahan của UBS, hiện rất khó có thể dự đoán được thời điểm mà các doanh nghiệp Mỹ có thể “làm ăn có lãi” trở lại.
Trong khi đó, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nhận định, trong khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ rõ ràng đang sẵn sàng sử dụng tất cả công cụ chính sách để hỗ trợ nền kinh tế trong nước thì thời gian chính là câu trả lời duy nhất về mức độ hiệu quả của những hành động trên trong nỗ lực hạn chế số doanh nghiệp vỡ nợ, ngừng hoạt động và sa thải nhân công./.