Hà Giang: Lãnh đạo huyện Đồng Văn lên tiếng về lùm xùm nuôi ong

Lãnh đạo huyện Đồng Văn (Hà Giang) khẳng định không ngăn cản chủ nuôi ong từ địa phương khác đưa ong vào khai thác mật từ hoa bạc hà trên địa bàn huyện.
Hà Giang: Lãnh đạo huyện Đồng Văn lên tiếng về lùm xùm nuôi ong ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Huyện Đồng Văn (Hà Giang) không ngăn cản chủ nuôi ong từ địa phương khác đưa ong vào khai thác mật từ hoa bạc hà trên địa bàn huyện. Trên cơ sở tình hình thực tế, huyện sẽ xem xét bố trí địa điểm đặt ong cho các chủ nuôi từ nơi khác đến.

Ông Dinh Chí Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn khẳng định như vậy sau sự việc gây tranh cãi giữa chủ nuôi ong ngoại tỉnh và người dân địa phương về địa bàn đặt ong khai thác mật.

Trước đó, sáng 23/10, ông Lê Tiến Tuân, thành viên Hợp tác xã nuôi ong Phong Thổ tại xã An Khang, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã chuyển 320 đàn ong ngoại vào đặt tại thôn Thài Phìn Tủng (177 đàn) và thôn Nhèo Lủng (143 đàn) của xã Thài Phìn Tủng.

Mặc dù chưa được sự đồng ý của chủ nhà, ông Tuân đã đặt 177 đàn ong tại khu đất nương của gia đình ông Hầu Sính Thề.

Ngay trong ngày 23/10, ông Thề đã làm đơn gửi Ủy ban Nhân dân xã Thài Phìn Tủng và vượt cấp lên Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn đề nghị trục xuất 177 đàn ong của ông Tuân ra khỏi khu đất nương của gia đình.

Sau khi tiếp nhận đơn, ngày 24/10, chính quyền xã có buổi làm việc với ông Lê Tiến Tuân và yêu cầu ông Tuân phải di chuyển toàn bộ đàn ong ra khỏi địa bàn trước 20 giờ cùng ngày.

Tranh cãi xảy ra khi sáng 26/10, sau khi thôn họp biểu quyết nhất trí, gia đình ông Thề và toàn thể người dân trong thôn đã tổ chức chuyển các đàn ong của ông Tuân ra lề đường Quốc lộ 4C (cách vị trí đặt ong khoảng 700 m). Ngay lúc đó, một nhóm đối tượng thanh niên đã cố ý đạp đổ và hất một số thùng ong ra ngang đường gây ách tắc giao thông trong vòng 40 phút.

Tại khu vực các đàn ong được tập kết trên Quốc lộ 4C, ông Lê Tiến Tuân tỏ ra rất bức xúc trước việc ong của mình bị chuyển ra ngoài đường.

Ông Tuân cho biết trước khi đặt ong vào địa bàn xã Thài Phìn Tủng, ông đã không thông báo và xin ý kiến của chính quyền xã mà chỉ làm “hợp đồng bằng miệng” với gia đình ông Hầu Sính Thề để đặt ong và hứa sẽ trả khoản phí khoảng 1,5 triệu đồng sau khi hết vụ ong. Ông Tuân viện dẫn một thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và cho rằng việc chính quyền xã đưa ra các văn bản của huyện và xã quy định về bố trí các đàn ong lấy mật là không hợp lý.

Việc các chủ ong lạ đến đặt ong để khai thác mật tại xã Thài Phìn Tủng đã khiến nhiều hộ nuôi ong tại đây bức xúc và lo lắng chất lượng mật ong bạc hà của hộ mình sẽ bị giảm sút.

Cách nơi ông Lê Tiến Tuân đặt 143 đàn ong tại thôn Nhèo Lủng khoảng 300 mét, ông Vàng Mí Vàng, người có nhiều năm nuôi ong mật tại xã Thài Phìn Tủng lo lắng hiện đang mùa ong, nhưng năm nay hoa bạc hà tại xã phát triển không tốt như mọi năm do trời ít mưa và sương mù. Trong khi đó, số lượng đàn ong được xã bố trí tại đây lại đông.

Đáng ngại hơn, khi có chủ nuôi ong từ nơi khác đem ong ngoại đến đặt tại địa bàn xã, giống ong ngoại có thân hình to khỏe, khi không đủ hoa bạc hà để lấy mật rất dễ quay sang hút mật từ các đàn ong nội như gia đình ông Vàng đang nuôi, thậm chí cắn chết ong nội.

Mùa ong năm nay, ông Vàng đã vay vốn ngân hàng để mở rộng số đàn ong nội lên 230 đàn, thông thường cho khoảng 1.200 lít mật/mùa. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, ông Vàng e rằng chỉ thu về được khoảng 800-1.000 lít, do đó doanh thu từ nuôi ong giảm đáng kể.

Ngày 19/9, Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn ra văn bản số 808/UBND-PNN về việc bố trí đàn ong nội khai thác mật tại các xã, thị trấn trong huyện, trong đó nêu rõ các tổ chức, cá nhân chỉ được đưa ong vào địa bàn huyện để khai thác mật khi được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban Nhân dân huyện.

Lý giải về việc này, ông Dinh Chí Thành cho rằng cây bạc hà là cây đặc hữu tại Cao nguyên đá Đồng Văn. Riêng huyện Đồng Văn có khoảng 1.500 ha cây bạc hà nằm rải rác trên địa bàn, nhưng năm nay chỉ khoảng 300 ha có thể sử dụng để khai thác mật; do đó rất hạn chế để phục vụ nhu cầu lấy mật của gần 7.700 đàn ong nội ở huyện như hiện nay.

Ngoài nuôi bò, nhiều hộ chỉ biết trông chờ vào con ong. Do vậy, huyện phải ưu tiên bố trí điểm đặt ong khai thác mật cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương trước, sau đó mới xem xét bố trí vị trí đặt ong của các chủ nuôi từ địa phương khác.

Ông Thành phân tích việc đưa ra quy định như trên vừa để người dân yên tâm sản xuất, bám làng bám bản, ổn định đời sống; vừa góp phần bảo vệ thương hiệu mật ong bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Thực tế cho thấy nhiều chủ nuôi ong khi đem ong lên đặt tại địa bàn thì đem theo cả mật và đường đi kèm. Chẳng hạn như trường hợp chủ nuôi ong Lê Tiến Tuân, đã vận chuyển gần 500 lít mật không rõ nguồn gốc và 400 kg đường kính từ Tuyên Quang vào lán trại khu vực đặt ong ở xã Thài Phìn Tủng. Việc nuôi ong theo phương pháp phi truyền thống như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu mật ong bạc hà.

Ông Dinh Chí Thành cho biết từ khi thông báo về việc bố trí đàn ong để khai thác mật từ hoa bạc hà, huyện chưa nhận được bất kỳ đơn đề nghị hay nguyện vọng nào về đặt ong của chủ nuôi ong từ nơi khác đến. Đối với trường hợp ông Lê Tiến Tuân, do không liên hệ và đăng ký đặt ong khai thác mật tại địa phương và không được huyện cấp phép, chính quyền huyện đã yêu cầu ông Tuân phải di chuyển toàn bộ đàn ong của mình ra khỏi địa bàn Đồng Văn. Qua nhiều lần làm việc với đại diện chính quyền địa phương, phía ông Tuân đã cam kết di chuyển toàn bộ đàn ong ra khỏi địa bàn trong ngày 29/10.

Huyện Đồng Văn khuyến cáo các chủ nuôi ong từ địa phương khác nếu có nguyện vọng đem ong đặt khai thác mật tại huyện, phải lên kế hoạch và liên hệ sớm với chính quyền, người dân địa phương nơi đặt ong, thực hiện đăng kí tạm trú, tạm vắng. Ủy ban Nhân dân huyện sẽ sớm xem xét nguyện vọng và ra quyết định trên cơ sở xem xét các điểm đặt ong tại địa bàn.

Ông Dinh Chí Thành cho rằng theo Thông tư 25/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, con ong thuộc danh mục động vật trên cạn được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, nếu không tiến hành kiểm dịch, rất khó cho công tác quản lý nhà nước ví dụ như kiểm soát nguồn gốc ong, chủng loại ong và dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh nhiều chủ nuôi ong ở địa phương khác có nhu cầu đem ong đến đặt tại địa bàn huyện.

Để đảm bảo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân vùng cao, cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ 4 huyện vùng cao ở Hà Giang (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) phát triển đàn ong nội để đảm bảo chất lượng mật ong bạc hà đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục