Hà Nội bảo tồn, phát huy những nét đẹp trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn thành phố có hơn 2.000 địa điểm, di tích liên quan tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó có 4 phủ, 210 đền, 892 điện, 33 miếu, số còn lại là điện tư nhân.
Hà Nội bảo tồn, phát huy những nét đẹp trong tín ngưỡng thờ Mẫu ảnh 1Giá Quan lớn đệ Nhị Thượng Ngàn, vị quan cai quản vùng rừng núi. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tín ngưỡng thờ Mẫu gắn bó từ lâu trong đời sống tinh thần người Việt, là nét văn hóa độc đáo đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Từ khi được ghi danh, các tổ chức, chủ thể văn hóa đạo Mẫu đã tích cực lan tỏa giá trị Tín ngưỡng thờ Mẫu rộng rãi hơn. Những màn diễn xướng hầu đồng góp phần đưa di sản gần hơn với cuộc sống, giúp cộng đồng hiểu hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu.

Sức sống bền vững

Tín ngưỡng thờ Mẫu có ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng Hà Nội là một trong những địa phương đậm đặc nhất các di tích, cơ sở thờ tự liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu.

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn thành phố có hơn 2.000 địa điểm, di tích thờ Mẫu, trong đó có 4 phủ, 210 đền, 892 điện, 33 miếu và số còn lại là điện tư nhân. Đáng nói, số lượng thuộc sở hữu tư nhân tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa-Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết, hơn 5 năm qua, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của Nhân loại. Kể từ đó đến nay, di sản này đã khẳng định sức sống bền vững, có sức lan tỏa mạnh thông qua nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của cộng đồng.

[Nâng cao hiệu quả quản lý thực hành di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu]

Trong không khí những ngày đầu năm mới, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với nghi lễ hầu đồng là hình thức diễn xướng tâm linh thường diễn ra ở các điện, đền, phủ. Mới đây, chương trình Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu với nghi lễ hầu đồng do Nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa thực hiện, đã diễn ra tại đền Lưu Phái (xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Là một trong những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hơn 30 năm qua, Nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa, thủ nhang đền Lưu Phái cho biết tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần.

Văn hóa truyền thống của Việt Nam thường có lễ Tết thượng nguyên đầu năm để cầu mong một năm mới nhiều sức khỏe, đất nước bình an, thịnh vượng, thế giới hòa bình. Trong dịp này, nghệ nhân Nguyễn Tiến Nghĩa đã trình diễn một số giá đồng tiêu biểu.

Bảo vệ di sản trước những biến tướng

Tuy nhiên, thực tế thời gian gần đây, sau một thời gian dài bị gián đoạn và đứt gẫy nhiều nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu, nhiều nghi thức bị biến dạng và lợi dụng, tạo nên những nhận thức méo mó về tín ngưỡng này trong giới thanh đồng và một số người hiện nay. Thậm chí, còn nảy sinh những biến tướng khi một số thanh đồng, cung văn đang tận dụng tín ngưỡng để thực hiện mục đích tư lợi cá nhân, gây phản cảm trong dư luận.

Hà Nội bảo tồn, phát huy những nét đẹp trong tín ngưỡng thờ Mẫu ảnh 2Giá Cô Bơ Thủy cung, tiên nữ con vua Thủy Tề, giáng sinh giúp vua Lê đánh giặc. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Những góc khuất được chỉ ra rằng, xu hướng trục lợi theo kiểu “buôn thần bán thánh” đang ngự trị ở một số đền, phủ làm phai nhạt nhiều bản chất nhân văn của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Ví như, lời truyền phán trong khi thực hành nghi lễ, bản chất là nét đẹp văn hóa, nội dung lời truyền tế nhị hoa mỹ cầu mong quốc thái dân an nhưng nay một số thanh đồng truyền phán với nội dung dọa nạt, mang tính trần tục quá nhiều làm ảnh hưởng tới tâm lý của những người xung quanh. Hay vũ đạo hầu thánh vốn là vũ đạo chốn cung đình vừa trang nghiêm, vừa dân dã nhưng nay một số người nặng về biểu diễn trở thành thất lễ, mất đi sự trang nghiêm.

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long-Hà Nội Lưu Minh Trị bày tỏ chúng ta cần chỉ ra vấn đề hay và chưa hay, yếu tố nặng cổ truyền và yếu tố được điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với xã hội, với đời sống đương đại Việt Nam.

Di sản Văn hóa là một phạm trù lịch sử cần được bảo tồn và phát triển, cũng như vậy, Tín ngưỡng thờ Mẫu luôn được bảo tồn và phát triển theo quỹ đạo vốn cố của nó, đồng thời nâng lên một tầm cao mới.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa-Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho rằng Tín ngưỡng thờ Mẫu được vinh danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của Nhân loại là niềm vinh dự, tự hào, khẳng định giá trị, đóng góp của văn hóa Việt Nam đối với nền văn hóa chung của nhân loại.

Cùng với đó là trách nhiệm cần bảo tồn, phải phát huy di sản tốt hơn. “Tất cả các bên liên quan cần thực hiện thật tốt chương trình hành động quốc gia, nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản, cần để Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu được thực hiện, trao truyền đúng với ý nghĩa bản sắc tốt đẹp vốn có, không bị làm sai lệch, biến tướng, làm tầm thường hóa, thương mại hóa” - bà Hường chia sẻ.

Nhiều chuyên gia văn hóa khác cho rằng, để phát huy giá trị văn hóa của di sản, bên cạnh việc xử lý nghiêm những biểu hiện lệch lạc, lợi dụng tín ngưỡng này để trục lợi thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mọi người dân hiểu sâu sắc hơn những giá trị tích cực của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục