Cả nghìn người dân "khát nước sạch", đơn vị cung ứng bó tay

Hà Nội: Cả nghìn người dân "khát nước sạch", đơn vị cung ứng bó tay

Do áp lực nước không đủ để bơm đến cuối nguồn, gần một tháng nay, cả nghìn người dân sống tại Khu tập thể Cao đẳng xây dựng số 1, phường Mỗ Lao, Hà Đông đã phải chịu cảnh khát nước sạch.
Hà Nội: Cả nghìn người dân "khát nước sạch", đơn vị cung ứng bó tay ảnh 1Từ gần một tháng nay, người dân Khu tập thể Cao đẳng xây dựng số 1 phải "thức đêm ngủ ngày" chờ nước sạch (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Khoảng hơn 20 ngày nay, hàng trăm hộ dân tại phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội đã buộc phải sống trong cảnh khát nước sạch. Ngao ngán thở dài, anh Vũ Văn Huy (số nhà 49, khu tập thể Cao đẳng xây dựng số 1) cho hay: "Từ ngày mất nước, toàn bộ cuộc sống của người dân đã bị đảo lộn. Chúng tôi buộc phải tập thói quen: Ngày ngủ, đêm thức để canh nước về…”

20 ngày khát giữa lòng Thủ đô

Bà Đào Thị Sửu (số nhà 51, khu tập thể Cao đẳng xây dựng số 1), Tổ trưởng tổ dân phố 12, phường Mỗ Lao cho biết: Trong vòng một năm trở lại đây, tình hình cung cấp nước sinh hoạt cho khu tập thể vô cùng bất ổn.

“Bình quân, mỗi tháng các hộ dân lại phải chịu cảnh mất nước một lần, mỗi lần từ 5 ngày đến 1 tuần,” bà Sửu ngao ngán. 

“Không ở đâu ngay giữa Hà Nội, hơn 1.000 người dân phải chịu đựng 20 ngày liền khan nước đến như vậy, không một thông báo, không một lời giải thích rõ ràng. Đây là cơn ác mộng dài nhất, khó chịu nhất,” vị Tổ trưởng tổ dân phố số 12 không giấu nổi sự cay đắng.

Nói bằng giọng vừa bức xúc, vừa mỉa mai, bà Sửu cho hay: "Dễ thường chả đâu 'yêu nước' như cái khu này.”

Theo bà Sửu, đã không dưới 10 lần, bà có gọi đến Hợp tác xã Thống Nhất, quận Nam Từ Liêm, đơn vị cung cấp nước cho khu tập thể, thì đều nhận được câu trả lời bất lực của lãnh đạo hợp tác xã: Cố gắng hết sức rồi nhưng cũng không thể làm gì hơn cho bà con. Theo bà Sửu, Hợp tác xã Thống nhất cũng phải mua qua công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch VIWACO, nên tất cả phụ thuộc vào lượng nước VIWACO bán được cho hợp tác xã...

Theo tìm hiểu của phóng viên, bắt đầu từ ngày 9/9 tới nay, do lượng nước từ VIWACO cấp cho Hợp tác xã Thống Nhất không đủ, nên việc bơm nước đến những hộ cuối nguồn như gia đình bà Sửu đã không thể thực hiện được.

Chị Nguyễn Thị Tình (số 55 Khu tập thể Cao đẳng xây dựng) cho hay: Để tiết kiệm lượng nước ít ỏi dự trữ được, chiều nào chị cũng phải đưa 2 bé gái của mình về nhà ngoại “sơ tán.” Theo chị Tình, cả khu tập thể có tới gần 300 cháu, trong đó quá nửa còn đang ở độ tuổi mầm non, do đó, nhu cầu nước sạch lại càng tăng. Chị cho biết thêm, hầu như các hộ dân đều phải làm như chị, sơ tán các cháu nhỏ về nhà người thân. Còn người lớn, để cho tiết kiệm, đành mang sẵn đồ, tắm nhờ cơ quan...

Hà Nội: Cả nghìn người dân "khát nước sạch", đơn vị cung ứng bó tay ảnh 2Chiều chiều, chị Tình, cùng nhiều phụ huynh khu tập thể phải đưa con đi "sơ tán" (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Tình trạng khan hiếm nước sạch khiến người dân trong khu tận dụng triệt để số nước ít ỏi mình dự trữ được, bằng nhiều cách khác nhau. Có người dùng nước rửa rau, tráng bát để dội nhà vệ sinh, có người gom bát đũa, quần áo mấy ngày lại để rửa, và thậm chí, sáng tạo, lạ kỳ hơn, họ còn sử dụng cả nước chảy từ đường ống điều hoà...

Sáng vui “hội ngủ”, đêm trẩy “hội bơm”

Hơn 20 ngày sống trong “địa ngục khát nước”, gần 1000 người dân sống tại Khu tập thể đã quen với một nếp sinh hoạt lạ kỳ: ngày ngủ, đêm thức. Tiếp chúng tôi, anh Vũ Văn Huy (số nhà 49, khu tập thể Cao đẳng xây dựng số 1) vẫn con đang ngái ngủ, vươn vai cho tỉnh táo, anh chia sẻ: “ Dạo này, thành thói quen, cứ đi làm ở công trường về là tôi tranh thủ ngủ luôn, tới đêm hẹn giờ dậy để trực bơm nước. Lắm hôm mệt quá, phải xin nghỉ luôn ở nhà để giữ sức...chiến đấu”

Lấy tay dụi mắt, anh Huy đưa cho chúng tôi xem tờ lịch trực bơm nước, trong đó có ghi chi tiết ngày tháng, thời gian, khối lượng bơm.

“Do nước quá yếu, hầu như không chảy, chúng tôi phải bơm nước nhờ từ các hộ ở đầu nguồn, nhà tôi nằm trong khu phía trong, nên phải dùng tới đường ống dài cả trăm mét mới dòng tới nơi,” cầm trên tay cuộn ống nước cao su, anh Huy giải thích.

Hà Nội: Cả nghìn người dân "khát nước sạch", đơn vị cung ứng bó tay ảnh 3Hành trang "trẩy hội bơm" của các hộ dân khu tập thể (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Ngày này qua ngày khác, từ 11 giờ đêm cho đến 5 giờ sáng, cả khu tập lại trở nên náo nhiệt bởi tiếng hò nhau và cả tiếng máy bơm nước. Người dân trong khu nói đùa nhau, chả đâu như cái chốn này, sáng đi “hội ngủ”, tối trẩy “hội bơm” ...

“Nếu như lính ra trận đủ súng ống, mũ áo, thì dân khu này, mỗi nhà đều trang bị đủ máy bơm và cả trăm mét đường ống, mỗi ngày ở đây như một mặt trận, chúng tôi chiến đấu với sự thiếu thốn nước sinh hoạt trầm trọng vô lý, vô thời hạn,” anh Huy nói với giọng nửa đùa nửa thật, nhưng đôi mắt không giấu nổi sự thất vọng, ngán ngẩm.

Khi mà việc thức đêm trực chờ bơm nước khiến cho những người dân mệt mỏi, công việc bị xáo trộn, thì chiếc giếng khoan từ lâu bị lãng quên trong mỗi nhà lại trở thành cứu cánh cho họ trong những ngày ác mộng này.

Là một trong số 20 hộ trong khu có giếng khoan, ông Lê Văn Tuyền (số nhà 53, khu tập thể Cao đẳng xây dựng) cho biết: Bể đã được gia đình xây từ cách đây 10 năm, từ ngày khu được cung cấp nước sạch, ông không còn dùng nước từ giếng khoan để sinh hoạt, tuy nhiên, thi thoảng vẫn bơm lên để phục vụ việc cọ rửa đơn thuần.

Theo ông Tuyền, giếng khoan của các hộ gia đình khá thô sơ, thường chỉ có 2 lớp lọc, nên nước khó đảm bảo vệ sinh, nước thi thoảng có mùi tanh, mùi ngai ngái khó chịu. Biết là vậy, nhưng gần một tháng trôi qua, đôi vợ chồng hưu trí này vẫn phải ngày ngày bơm nguồn nước không đảm bảo này lên để phục vụ sinh hoạt, từ nấu nướng đến tắm giặt.

Bất lực vì sự cố từ quá khứ?

Trao đổi với phóng viên chiều 1/10, phó giám đốc hợp tác xã Thống Nhất, ông Lê Thế Hùng phân trần: “Do đường ống cái của VIWACO vỡ tới 9 lần, nên lượng nước cấp cho hợp tác xã quá yếu và thiếu. Với nhiệm vụ cung ứng nước sạch cho khoảng 18.000 nhân khẩu của tổ dân phố Phùng Khoang và 9 khu tập thể trong địa bàn phường Trung Văn, chúng tôi chỉ hoàn thành được 50% và phải tổ chức cắt nước điều tiết luân phiên từng khu vực do áp lực yếu”

Ông Hùng thở dài, dẫn chúng tôi tới xem bể chứa nước của hợp tác xã, nước đã cạn gần đáy, phao khô cong. Công suất tiếp nhận và bơm nước hàng tháng nước sạch phải sử dụng từ 110.000m3 đến 120.000m3, tức là bình quân một ngày cần có khoảng 4.000m3 mới đủ cung ứng, nhưng thời điểm này, mỗi ngày hợp tác xã chỉ bơm được trên dưới 2000m3/ngày, thậm chí có những ngày chỉ được cấp 1.500m3 đến 1.800m3.

Hà Nội: Cả nghìn người dân "khát nước sạch", đơn vị cung ứng bó tay ảnh 4Bể chứa nước của hợp tác xã Thống Nhất cạn gần tới đáy trong nhiều ngày nay (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Ông Hùng cho biết: Hợp tác xã Thống Nhất đã 3 lần gửi công văn tới VIWACO đề nghị đơn vị này đưa ra phương án khắc phục, tuy nhiên phía VIWACO cũng không thể làm gì hơn. 

Một cán bộ làm việc tại trạm bơm nước của Hợp tác xã Thống Nhất cho biết thêm: Mặc dù liên tục "trực chiến" tại trạm để sẵn sàng tiếp nước cho bà con ngay khi có thể nhưng cũng phải bất lực vì lượng nước phía VIWACO cung ứng không đủ.

"Nếu không có biện pháp khả dĩ từ phía VIWACO hay Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, câu chuyện mất nước có thể còn kéo dài không chỉ 20 ngày như hiện nay," vị cán bộ này ngao ngán thở dài.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch VIWACO cũng cho biết: Phía đơn vị này đã nắm được sự việc xảy ra tại Mỗ Lao.

“Phía VIWCO đã cố gắng cung ứng đủ nước cho khu vực trên, tuy nhiên áp lực yếu do các sự cố trước đây xảy ra với hệ thống đường ống nên việc bơm đến các hộ cuối nguồn rất khó khăn. Hiện nay, VIWACO cũng chưa thể đưa ra được biện pháp khắc phục ngay,” ông Việt khẳng định./.

Cận cảnh Khu tập thể "khát" ngay giữa Thủ đô
Hà Nội: Cả nghìn người dân "khát nước sạch", đơn vị cung ứng bó tay ảnh 5Bể ngầm dự trữ nước của các hộ dân đều trong tình trạng cạn khô
Hà Nội: Cả nghìn người dân "khát nước sạch", đơn vị cung ứng bó tay ảnh 6Để tiết kiệm lượng nước ít ỏi, các hộ dân đành gom bát đũa lại rửa sau
Hà Nội: Cả nghìn người dân "khát nước sạch", đơn vị cung ứng bó tay ảnh 7Ngày về của những giếng khoan...
Hà Nội: Cả nghìn người dân "khát nước sạch", đơn vị cung ứng bó tay ảnh 8Thẫn thờ chờ nước lên
Hà Nội: Cả nghìn người dân "khát nước sạch", đơn vị cung ứng bó tay ảnh 9"Mẹ ơi bao giờ nước về?"
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục