Xác định việc phát triển văn hóa là một trong những vấn đề cốt yếu trong xây dựng và phát triển Thủ đô, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, thực hiện hiệu quả mục tiêu này.
Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đã tạo chuyển biến rõ nét trong văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức và người dân.
Hình thành chuẩn mực văn hóa trong cộng đồng
Qua quá trình triển khai Chương trình 06-CTr/TU tại quận Cầu Giấy, các chỉ tiêu trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đều hoàn thành vượt mức.
Năm 2022, tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa đạt 92,59%; tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 93,86%; có 2 đơn vị được công nhận lần đầu "Đơn vị đạt chuẩn văn hóa."
Nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh ở quận Cầu Giấy ghi nhận sự phát triển đa dạng mô hình văn hóa sáng tạo, phù hợp, tác động tích cực tới đời sống văn hóa nhân dân như mô hình giáo dục truyền thống "Làng khoa bảng, đất tứ danh hương," "Câu lạc bộ văn hóa gia đình," "Cầu thang văn hóa..."
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến cho biết các nhiệm vụ của Chương trình 06-CTr/TU đã được quận triển khai thực hiện một cách toàn diện, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của quận, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng cao.
Tại Chương Mỹ, trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, huyện đã tập trung triển khai phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, gắn với việc thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử.
Hàng năm, huyện chỉ đạo đăng ký thực hiện chỉ tiêu xây dựng các danh hiệu văn hóa đảm bảo đúng quy trình, thời gian; triển khai thực hiện có hiệu quả nếp sống văn minh việc cưới, việc tang, lễ hội.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến, xác định văn hóa và con người không chỉ là mục tiêu, động lực mà còn là nguồn lực mới quan trọng, trực tiếp quyết định sự phát triển bền vững, huyện luôn quan tâm đến phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố xác định việc triển khai thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng là việc làm thường xuyên và lâu dài nhằm hình thành, duy trì những chuẩn mực văn hóa.
Qua quá trình thực hiện, bộ Quy tắc ứng xử góp phần hình thành chuẩn mực đạo đức, phù hợp với giá trị văn hóa chung, đảm bảo tính thực tiễn, giữ gìn những nét thanh lịch của người Hà Nội.
[Giữ gìn nét đẹp trong gia đình - nhân lên phẩm cách người Tràng An]
Nhiều phường, xã, thị trấn đã vận động các tổ chức, gia đình trên địa bàn cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với việc thi đua xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Các tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, học tập thường xuyên tự kiểm tra, giám sát cá nhân tại tổ chức mình trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử. Bộ Quy tắc ứng xử đã tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức, dần hình thành văn hóa ứng xử văn minh trong cộng đồng.
Tăng tính kỷ cương, trách nhiệm cho cán bộ, công chức
Qua thời gian triển khai thực hiện bộ Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, các cơ quan, đơn vị đã gắn nội dung Quy tắc ứng xử trong sinh hoạt cơ quan, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn thành khẩu hiệu hành động.
Việc gắn thực hiện Quy tắc ứng xử với cải cách hành chính, với đánh giá kết quả hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức đã giúp cán bộ, công chức nâng cao ý thức thực hiện văn hóa ứng xử, giúp thay đổi hành vi ứng xử, thay đổi tư duy, thái độ, tăng cường kỷ luật công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Các đơn vị đã chủ động, nghiêm túc triển khai Quy tắc ứng xử; xây dựng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, lồng ghép thực hiện Quy tắc ứng xử với các phong trào thi đua, với việc thực hiện nhiệm vụ như mô hình "Một cửa thân thiện, gần dân" tại quận Long Biên; mô hình "Phòng làm việc ngăn nắp, xanh tươi" tại huyện Gia Lâm; mô hình "Môi trường thân thiện" của Sở Giáo dục và Đào tạo…
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho biết phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân ngày càng được nâng cao.
Tại huyện Gia Lâm, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đăng ký và được xét duyệt đạt chuẩn văn hóa là trên 70%.
Trong quý 3/2023, thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức Đoàn kiểm tra việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn.
Qua đó, tiếp tục đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các Quy tắc ứng xử, góp phần xây dựng nề nếp trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối, tác phong làm việc và xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, thanh lịch trong nhân dân.
Việc kiểm tra thực hiện Quy tắc ứng xử cũng giúp phát hiện những nhân tố tích cực để nhân rộng, biểu dương, lan tỏa, khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương, đơn vị./.