Liên quan tới sự cố sụt, lún, nứt nghi do khoan giếng tại xóm 2, thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai (Hà Nội), ngày 25/11, ông Phạm Quang Tuấn Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quốc Oai cho biết chính quyền địa phương đã kịp thời di dời 6 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Cùng với đó, huyện yêu cầu xã khoanh vùng, thực hiện ứng trực 24/24 giờ quanh khu vực sự cố để cảnh báo người dân không qua lại; hàng ngày chụp ảnh, ghi nhận diễn biến, báo cáo, mời cơ quan chức năng chuyên ngành về đánh giá nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục hiện tượng trên.
TP.HCM: Sớm khắc phục tình trạng nhà dân bị sụt lún do robot đào cống
Theo nhận định ban đầu của chính quyền huyện Quốc Oai, nguyên nhân có thể do khu vực giếng khoan là nơi có tầng đất yếu, có hang động Karst ngầm. Bởi trước đó, trên địa bàn huyện cũng đã 2 lần ghi nhận hiện tượng sụt lún tương tự khi khoan giếng và nguyên nhân là do có hang Karst ngầm.
Theo ông Nguyễn Đắc Lực, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai, bước đầu huyện xác định trưa 23/11, trên địa bàn thôn Yên Nội, xã Đồng Quang đã xảy ra sự cố sụt lún, nứt nhà các hộ liền kề nghi do khoan giếng.
Ngày 18/11, gia đình ông Nguyễn Văn Minh thôn Yên Nội (Đồng Quang) có thuê khoan giếng để lấy nước chăn nuôi.
Quá trình thực hiện công việc, nhóm thợ có sử dụng một máy khoan điện, đường kính mũi khoan 90mm, khoan sâu xuống đất khoảng 40m.
Đến sáng 22/11, đội thợ tiếp tục khoan thêm sâu xuống 5m sau đó, rút mũi khoan lên để đặt ống nhựa nhưng đặt được khoảng 24m thì bị mắc kẹt.
Sau khi rút ống nhựa lên để đặt lại, đội thợ thấy có hiện tượng rạn nứt ngang tường rào nhà dân bên cạnh, giáp với giếng khoan. Khi phát hiện bất thường, gia chủ cùng đội thợ đã đổ khoảng 0,3m3 cát vàng xuống giếng, đồng thời thu máy móc, thiết bị và dừng công việc.
Ông Nguyễn Đắc Lực cũng cho biết, sau khi sự cố xảy ra, các ngành chức năng của huyện, của Sở Tài nguyên Môi trường thành phố đã đến hiện trường, kiểm tra, ghi nhận hiện trạng; tiến hành các công việc theo thẩm quyền để khắc phục sự cố.
Ghi nhận thực tế, khu vực bị lún, nứt, sụt nằm trong khu đất giữa làng người dân đã ở ổn định nhiều năm. Quanh đó, có ngôi nhà hai tầng bị nghiêng nhẹ; công trình bêtông ximăng; sân gạch bị lún, nứt chạy dài hàng mét.
Cùng với đó, những nhà có giếng khoan ở cách đó vài trăm mét cũng ghi nhận hiện tượng đẩy nước từ dưới lên./.