Nằm trong vùng Trung Trường Sơn hùng vĩ, Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) được xem như nơi trú ngụ của vô số loài động, thực vật quý hiếm, góp phần tô điểm cho bức tranh đa dạng sinh học của Việt Nam.
Nơi đây ghi dấu ấn với sự hiện diện của Sao la, Mang lớn, Mang Trường Sơn, Thỏ vằn, Cầy vằn - những "kỳ quan" thiên nhiên mà con người cần gìn giữ.
Với sự đa dạng sinh học đặc trưng, Vườn Quốc gia Vũ Quang được coi là một trong những trung tâm đa dạng sinh học hàng đầu của Việt Nam.
Tại đây, không chỉ có sự hiện diện của nhiều loài động vật đặc hữu mà còn ghi nhận được nhiều loài mới đầu tiên được phát hiện trong khu rừng Vũ Quang. Đó là phát hiện Sao la hay còn gọi là “Kỳ lân Châu Á” năm 1992, hay phát hiện loài “Mang Vũ Quang” hay còn gọi là Mang lớn năm 1993...
Vườn Quốc gia Vũ Quang nằm trên địa bàn của 3 huyện miền núi Vũ Quang, Hương Sơn và Hương Khê, có 62km tiếp giáp với nước bạn Lào. Vườn có tổng diện tích là 57.029,84ha, trong đó rừng đặc dụng 52.733,13ha, rừng phòng hộ 3.688,85ha và rừng sản xuất 607,86ha. Vườn Quốc gia Vũ Quang còn bao trùm hồ Ngàn Trươi rộng lớn.
Vườn là nơi đa dạng hệ sinh thái, đã ghi nhận 1.829 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 813 chi với 202 họ. Trong số này, có tới 131 loài thực vật quý, hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Tiêu biểu như pơ mu; bảy lá một hoa; sồi 3 cạnh; lim xanh; du sam núi đất; kim giao; gù hương; sến mật; kiền kiền...
Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, đa dạng hệ thực vật tại Vườn Quốc gia Vũ Quang không thua kém bất cứ khu vực nào trên cùng lãnh thổ, các dữ liệu về đa dạng vẫn chưa đánh giá đầy đủ, còn tiếp tục được bổ sung.
Ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dự án Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, cho biết Vườn Quốc gia Vũ Quang có rất nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành công hơn nữa trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là trong việc khôi phục quần thể động vật hoang dã. Đây chính là tương lai của công tác bảo tồn ở Vườn Quốc gia Vũ Quang cũng như Việt Nam.
Vườn là ví dụ điển hình và hình mẫu cho các khu bảo tồn khác ở Việt Nam về những việc cần phải làm để nhân giống, tái thả và hướng tới tái hoang dã quần thể động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam.
“Ngôi nhà Sao la” còn có hơn 500 loài động vật, là một trong những nơi cư trú cuối cùng của một số loài có ý nghĩa bảo tồn toàn cầu như: Sao la, Mang lớn, Mang Trường Sơn; Thỏ vằn, Cầy vằn, Tê tê, Chà vá chân nâu, Vượn đen má trắng, Gà lôi trắng…
Hằng năm, Vườn Quốc gia Vũ Quang tiếp nhận, chăm sóc và tái thả hàng trăm loại động vật vào rừng thành công.
Công tác tái thả động vật hoang dã tại Vườn không chỉ dừng lại ở việc giải cứu, phục hồi số lượng cá thể mà còn bao gồm việc theo dõi, bảo vệ chúng sau khi được thả về môi trường tự nhiên.
Công việc này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, vườn quốc gia khác trên cả nước và đã đạt được những kết quả đáng kể.
Đồng thời, công tác tuần tra rừng và việc lắp đặt hệ thống giám sát thông minh đã được thực hiện một cách hiệu quả, đóng góp vào việc ngăn chặn các hành vi phá rừng và bảo vệ hệ sinh thái một cách toàn diện.
Ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang, cho biết hằng năm, các cán bộ của đơn vị luôn nỗ lực trong việc bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời khẳng định vai trò của Vườn Quốc gia Vũ Quang như một ngôi nhà và một nơi trở về an toàn cho các loài động vật hoang dã.
Với các thành tựu và nỗ lực không ngừng, Vườn Quốc gia Vũ Quang tiếp tục phấn đấu để trở thành điểm đến tin cậy cho việc bảo tồn và tái thả các loài động vật hoang dã, góp phần vào sự phong phú, bền vững của hệ sinh thái tự nhiên./.
Việt Nam quyết liệt hành động giải quyết vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học
Để bảo vệ di sản thiên nhiên nổi bật về đa dạng sinh học, Việt Nam sẽ quyết liệt triển khai các nội dung của Khung Đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên.”