HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua nhiều nghị quyết quan trọng

HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua 43 nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ vốn, cơ chế, chính sách, chủ trương đầu tư dự án, về nhóm nghị quyết thường niên.
HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua nhiều nghị quyết quan trọng ảnh 1Các đại biểu quyết nghị thông qua 43 nghị quyết tại kỳ họp. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa)

Ngày 11/12, kỳ họp thứ 11, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII thông qua nhiều nghị quyết quan trọng và bế mạc kỳ họp.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Đỗ Trọng Hưng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh đánh giá cao sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ và trách nhiệm cao; kỳ họp thứ 11- kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XVIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh tại kỳ họp này, căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã dành thời gian thỏa đáng để tiến hành chất vấn đối với các Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng về các vấn đề đang được cử tri và nhân dân quan tâm thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra nghiêm túc, thực chất và trách nhiệm cao. Nội dung chất vấn phù hợp với tình hình thực tế, được dư luận, cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm, đồng tình.

Hội đồng Nhân dân tỉnh yêu cầu ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm các kiến nghị của cử tri trong tỉnh và các kiến nghị nêu trong báo cáo kết quả giám sát; yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị được chất vấn tại kỳ họp thực hiện đầy đủ các cam kết, báo cáo hội đồng nhân dân tỉnh và cử tri trong tỉnh vào kỳ họp tiếp theo.

Trên cơ sở xem xét, thảo luận các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết do ủy ban nhân dân tỉnh trình kỳ họp, hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua 43 nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, về kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ vốn, về cơ chế, chính sách, về chủ trương đầu tư các dự án, về nhóm nghị quyết thường niên và các nội dung quan trọng khác.

Đây là những văn bản rất quan trọng, có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân. Hội đồng Nhân dân tỉnh yêu cầu ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết nghiêm túc ngay từ khâu tuyên truyền, quán triệt đến xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, bố trí nguồn lực.

[Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XIX]

Thường trực hội đồng nhân dân, các ban, tổ đại biểu và đại biểu hội đồng nhân dân tăng cường giám sát; kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập để kiến nghị, yêu cầu ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan có các giải pháp đảm bảo các nghị quyết được thực thi có hiệu quả cao nhất.

HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua nhiều nghị quyết quan trọng ảnh 2Ông Đỗ Trọng Hưng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc kỳ họp. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa)

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng khẳng định với tinh thần “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả”; để tiếp tục phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn, hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất cao với mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cụ thể và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 theo đề nghị của ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời, nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách mới ban hành, để nhanh chóng phát huy hiệu quả; đồng thời, rà soát, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách mới, đột phá, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Hội đồng Nhân dân tỉnh giao ủy ban nhân dân tỉnh đấu mối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, trọng tâm là chính sách ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh từ tăng thu hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, nhằm bổ sung nguồn lực cho phát triển.

Khẩn trương hoàn chỉnh Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 theo phương án phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ hai, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Trước mắt, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối liên vùng đang triển khai; nghiên cứu để sớm triển khai đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối các nút giao cao tốc với các đô thị, các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh để đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua nhiều nghị quyết quan trọng ảnh 3Toàn cảnh kỳ họp trong ngày làm việc thứ 3. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa)

Thứ ba, khẩn trương có giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp. Có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; tạo môi trường, điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định. Tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, nhất là ở các đô thị. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ngay từ đầu năm.

Các cấp, các ngành, các địa phương cần xác định nâng cao hiệu quả đầu tư công là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng không chỉ bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước cho phát triển kinh tế-xã hội, mà quan trọng hơn nữa là lấy đầu tư công để dẫn dắt, kích hoạt thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách, tạo ra nguồn lực tổng hợp, thúc đẩy đầu tư xã hội, vì vậy cần tăng cường công tác phối hợp để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư; thực hiện nghiêm quy định về nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí vốn; tăng cường quản lý, giám sát nâng cao hiệu quả đầu tư, kiên quyết điều chỉnh vốn các dự án chậm tiến độ, giải ngân thấp.

Thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước; chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, quản lý hiệu quả, tiết kiệm chi ngân sách. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và cải thiện thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Thứ tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn. Tăng cường quản lý dược phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, khám chữa bệnh; có phương án chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, kiên quyết không để “dịch chồng dịch.” Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhất là tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; bảo đảm việc làm cho công nhân, người lao động. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và khẩn trương hoàn thành việc hỗ trợ đất ở, kinh phí xây dựng nhà ở đối với các hộ dân đang sinh sống trên sông theo đúng tiến độ. Tích cực chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho nhân dân đón Tết, mừng xuân mới Quý Mão lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình.

Thứ năm, tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Rà soát, giải quyết thấu đáo, dứt điểm các kiến nghị của cử tri, nhất là các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán của các cơ quan chức năng, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của hội đồng ,hân dân tỉnh.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, vi phạm, thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; khắc phục các “điểm nghẽn”, vướng mắc, khâu chậm trễ, kéo dài trong điều hành, tổ chức thực hiện để tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, nói đi đôi với làm, quyết liệt trong hành động, làm đến cùng, làm dứt điểm và đo đếm được kết quả, hiệu quả. Phân công rõ người, rõ việc, rõ yêu cầu khối lượng, chất lượng và tiến độ hoàn thành gắn với chú trọng công tác phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các cơ quan trong hệ thống chính trị, kịp thời sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục