HĐND tỉnh Tuyên Quang đóng góp sửa đổi Hiến pháp

Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức kỳ họp chuyên đề, thảo luận đóng góp 102 ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ngày 7/3, Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức kỳ họp chuyên đề, thảo luận đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại kỳ họp, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã đóng góp 102 ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các đại biểu cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có nhiều điểm mới, phù hợp với điều kiện thực tế và sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, đồng thời tham gia ý kiến về các chương, điều cụ thể. Đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Sơn Dương Hoàng Thị Nụ, góp ý: Chương II về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Khoản 1, Điều 27, chỉ cần nêu: “Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt” là đủ, bỏ các cụm từ kế tiếp.

Về vấn đề bình đẳng giữa các dân tộc, đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Hàm Yên Phạm Thị Minh Xuân cho rằng: Để bảo đảm nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng”, Khoản 4, Điều 5, bỏ từ “thiểu số”, nội dung khoản này sau khi sửa như sau “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc phát huy nội lực, hoà nhập vào sự phát triển chung của đất nước.”

Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Tuyên Quang Nguyễn Thị Hoàng Yến, cho rằng: Khoản 2, Điều 39, nội dung “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi người mẹ và trẻ em” nên quy định “Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo đảm cơ hội bình đẳng và hỗ trợ các điều kiện theo đặc thù giới tính để phụ nữ thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân và thiên chức người mẹ; các thành viên trong gia đình phải chia sẻ công việc và bảo đảm phụ nữ làm mẹ được an toàn.

Gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để trẻ em, nhất là trẻ em gái phát triển toàn diện, bảo đảm thực hiện vai trò người mẹ trong tương lai”. Về Khoản 1, Điều 40 nội dung: “Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục”, nên bổ sung là “Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội ưu tiên bảo vệ, chăm sóc và giáo dục.”

Tính đến ngày 7/3, 100% các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, các huyện, thành phố Tuyên Quang đã hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Kết quả tổng hợp sơ bộ đã có hàng nghìn lượt ý kiến đóng góp.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và đông đảo các tầng lớp nhân dân đều nhận thức rõ việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân./.

Vũ Quang Đán (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục