Hệ lụy từ chính sách thuế quan và thắt chặt nhập cư của Mỹ

Về lâu về dài, những hệ lụy về kinh tế do những chính sách thắt chặt nhập cư của Mỹ hiện nay có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn cả những hàng rào thuế quan nhập khẩu.
Hệ lụy từ chính sách thuế quan và thắt chặt nhập cư của Mỹ ảnh 1Người di cư tại Ciudad Hidalgo, bang Chiapas, Mexico, trong hành trình tới Mỹ ngày 19/10/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phân tích của Tạp chí Chính trị Thế giới (World Politics Review), bằng việc đảo ngược các cam kết dài lâu của Washington về mở cửa thị trường và thắt chặt kiểm soát nhập cư, Tổng thống Donald Trump có lẽ đã khiến nền kinh tế Mỹ và uy tín của nước này trên trường quốc tế bị tổn hại.

Thuế quan của Mỹ, nhất là những loại thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc hiện nay cao hơn rất nhiều so với mấy thập kỷ vừa qua. Thái độ của người Mỹ chào đón người tị nạn đã giảm xuống mức rất thấp và gần đây Chính quyền của ông Trump đã nhắm tới việc trục xuất các sinh viên nước ngoài và những người lao động nước ngoài ngắn hạn.

Mặc dù việc tăng thuế quan và một số sắc lệnh của ông Trump đối với người nhập cư có thể đảo ngược nếu ứng cử viên đại diện cho Đảng Dân chủ Joe Biden đắc cử vào tháng 11 tới, những dư chấn từ những quyết định của ông Trump sẽ còn để lại hậu quả rất lâu cho dù nhiệm kỳ của ông kết thúc.

Ông Trump đã mong đợi rằng việc tăng thuế và liên tục đe dọa áp thêm nhiều loại thuế nữa sẽ buộc các công ty phải trở về sản xuất tại nước Mỹ và gây áp lực để Trung Quốc cải tổ cấu trúc nền kinh tế vốn do thành phần kinh tế nhà nước dẫn dắt và làm chủ đạo.

Thế nhưng, cả hai kịch bản này đều không xảy ra. Thuế quan đánh vào thép và nhôm lại làm tăng chi phí đối với các nhà sản xuất, khiến họ mất khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu tương ứng và nước Mỹ ngày càng mất đi triển vọng trở thành một địa điểm hấp dẫn để sản xuất hàng hóa.

[Tổng thống Mỹ tìm cách thu hẹp quy mô chương trình bảo hộ nhập cư DACA]

Hiện đã có nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu phải cải tổ để thích nghi với những bất trắc do đại dịch COVID-19 mang lại và phù hợp hơn với tình hình thuế quan gia tăng, nhưng hầu hết các công ty sở hữu chuỗi cung ứng chỉ chuyển dây chuyền sản xuất của họ tới các nơi khác trong châu Á.

Hiện nay, khả năng Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát nền kinh tế của họ thậm chí còn ít hơn trước trong bối cảnh Washington ngày càng hiếu chiến, đặc biệt kể từ khi ông Trump đưa chiến lược đối đầu với Trung Quốc là một phần lớn trong chiến dịch tái tranh cử của mình.

Cũng giống như việc tăng thuế đối với hàng nhập khẩu, Nhà Trắng thường xuyên đưa ra thông điệp rằng giảm bớt người nhập cư là điều cần thiết để giữ việc làm cho người Mỹ. Thế nhưng, theo một số nghiên cứu, chính người nhập cư mang lại cho nước Mỹ kỹ năng, sự hiểu biết và và tinh thần làm việc. Họ bổ trợ chứ không cạnh tranh với người lao động Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử lần đầu tiên hồi năm 2016, ông Trump đã tập trung vào vấn đề răn đe và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp. Một trong những việc đầu tiên ông tiến hành sau khi nhậm chức hồi tháng Một năm 2017 là ra sắc lệnh hành pháp cấm người du lịch đến từ bảy nước Hồi giáo lớn nhằm thực hiện thêm một cam kết lúc tranh cử của mình và ngừng nhận tất cả những người tị nạn tới từ Syria.

Lúc đó, các tòa án đã đảo ngược sắc lệnh này nhưng Tòa án Tối cao sau đó nhất trí giữ nguyên hiệu lực của phiên bản sửa đổi vào năm 2018.

Tổng thống Trump cũng là người muốn chấm dứt chương trình "Tạm hoãn Thi hành Lệnh Trục xuất những người đến Mỹ từ Bé/thơ ấu" (DACA) mà cựu Tổng thống Barack Obama đã ký sắc lệnh hành pháp cho phép áp dụng đối với một số người nhập cư không có giấy tờ do được bố mẹ đưa đến Mỹ sinh sống từ nhiều năm trước, được đi học và làm việc mà không phải lo ngại bị trục xuất.

Mặc dù còn nhiều câu hỏi xung quanh tính pháp lý của sắc lệnh hành pháp mà ông Obama đã ký nhưng chương trình DACA nói chung đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi bởi đó là câu trả lời nhân đạo đối với một vấn đề rất khó khăn.

Còn ông Trump, khi ông kêu gọi nghị viện thông qua luật nhằm mở đường cho một giải pháp lâu dài và bền vững trong vấn đề này, chính ông lại đột ngột chấm dứt chương trình DACA ngay cả khi luật chưa hề được thông qua.

Đến nay, những người thuộc diện chương trình DACA may mắn thoát được bị trục xuất bởi Tòa án Tối cao gần đây đã phản đối sắc lệnh của ông Trump với lý do sắc lệnh đã không được tiến hành theo thủ tục phù hợp.

Nhà Trắng cũng lợi dụng chính đại dịch COVID-19 để kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập cư hợp pháp. Vào thời điểm đại dịch mới xảy ra, Chính quyền của ông Trump đã ban hành lệnh khẩn ngừng các phiên điều trần giải quyết vấn đề tị nạn vô thời hạn, đồng thời trục xuất tất cả những người nhập cư trái phép vào Mỹ và không cho họ cơ hội được đăng ký xin tị nạn.

Lý do được đưa ra là để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng thực ra đóng cửa biên giới là việc ông Trump đã đe dọa tiến hành từ lâu.

Quyết định này cũng được coi là chỉ mang tính biểu tượng bởi Chính quyền của ông Trump trước đó đã cắt hầu hết các con đường nhập cư, tị nạn vào Mỹ thông qua nhiều chính sách như thắt chặt tiêu chí được nhập cư và khiến thủ tục đăng ký phức tạp khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Thống kê cho thấy số người được vào Mỹ tị nạn đã giảm từ 85.000 người vào năm 2016 xuống chỉ còn 22.000 người vào năm 2018.

Hồi tháng Tư, ông Trump nói rằng ông sẽ tạm ngừng cho phép nhập cư để chống dịch, việc này đã vấp phải sự phản đối gay gắt và ngay lập tức từ chính giới doanh nghiệp và những người nông dân.

Nhà Trắng sau đó đã phải thu hẹp sắc lệnh hành pháp bằng cách thôi cấp visa cho các gia đình nhập cư đã và đang sống ở Mỹ và cấp thẻ xanh để họ có thể làm việc một cách hợp pháp.

Sắc lệnh ban hành hồi tháng Tư có miễn visa cho lao động ngắn hạn nhưng lệnh này chỉ áp dụng trong thời gian rất ngắn. Chỉ hai tháng sau, Chính quyền Mỹ lại tuyên bố ngừng cấp visa mới cho lao động ngắn hạn ở hầu hết các ngành nghề, trừ ngành nông nghiệp và ngành y bởi liên quan tới nhân lực cần có để đối phó với đại dịch COVID-19.

Phòng Thương mại Mỹ, Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia và hai hiệp hội doanh nghiệp đã kiện lại sắc lệnh này, song tính tới nay sắc lệnh vẫn có hiệu lực.

Không lâu sau khi ngừng cấp visa cho người lao động ngắn hạn, Chính quyền Mỹ tuyên bố sinh viên nước ngoài chỉ học trực tuyến vào mùa Thu sắp tới sẽ không được cấp visa vào Mỹ và phải trở về nước.

Tuy nhiên sau khi vấp phải quá nhiều chỉ trích và kiện cáo từ các trường danh tiếng, bởi sinh viên quốc tế đóng góp không hề nhỏ cho các trường học của Mỹ, Nhà Trắng đành rút lại quyết định của mình.

Nhìn chung, thời gian qua, phe Dân chủ trong Nghị viện đã thành công khi nỗ lực ngăn chặn Tổng thống Trump xây bức tường biên giới phía Nam đắt đỏ dù cuối cùng ông Trump đã chuyển sang dùng ngân sách của Lầu Năm Góc để tiến hành.

Tòa án liên bang cũng đã trì hoãn hoặc chuyển hướng được những chính sách của ông Trump nhằm ngăn chặn người di cư và người tị nạn vào Mỹ. Thế nhưng, Nhà Trắng vẫn thành công trong việc làm giảm đáng kể các cơ hội dành cho người nhập cư và phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng nước Mỹ không chào đón người nhập cư.

Về lâu về dài, những hệ lụy về kinh tế do những chính sách thắt chặt nhập cư của Mỹ hiện nay có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn cả những hàng rào thuế quan nhập khẩu.

Ngăn cản những cá nhân ưu tú nhất tới Mỹ học tập và làm việc là việc làm phản tác dụng. Hơn nữa, hình ảnh một nước Mỹ "quay lưng" với người nhập cư sẽ lưu lại mãi. Sinh viên và chuyên gia sẽ có xu hướng tránh nước Mỹ và tìm kiếm cơ hội phát triển ở các nước khác trong nhiều năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục