Hình thành hệ sinh thái sáng tạo, bản sắc mới của thủ đô Hà Nội

Thực tế cho thấy không gian sáng tạo tại Hà Nội thường là nơi tụ họp, chia sẻ và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh, thu hút cộng đồng.
Sáng tạo theo mô hình không gian làm việc chung tại Toong, 8 Tràng Thi, Hà Nội. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Không chỉ lan truyền cảm hứng, tạo bản sắc và sức hấp dẫn cho đô thị, các không gian sáng tạo tại Hà Nội còn góp phần tạo nên hệ sinh thái sáng tạo, tạo sự phát triển bền vững cho đô thị trên nền tảng các giá trị truyền thống.

Đó cũng là ý nghĩa mà ít lĩnh vực văn hóa nào thay thế được các không gian sáng tạo.

Thúc đẩy quan hệ cộng sinh

Thực tế cho thấy không gian sáng tạo tại Hà Nội thường là nơi tụ họp, chia sẻ và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh, thu hút cộng đồng.

Nằm trên tầng 3-4 của một tòa nhà cổ, Toong, số 8 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, là nơi khởi đầu cho chuỗi không gian làm việc chung và khởi nghiệp của Toong.

Không chỉ cung cấp nơi làm việc cho các cá nhân, cộng đồng khởi nghiệp, Toong còn hợp tác, hỗ trợ các nghệ sĩ đa ngành, nhóm và tổ chức văn hóa về cơ sở vật chất để thực hiện các dự án hay chương trình, sự kiện nghệ thuật.

Chị Nguyễn Thu Giang, phụ trách Toong, cho biết  Toong không đơn thuần là nơi làm việc mà còn là nơi kết nối cộng đồng thông qua nhiều hoạt động, từ cách thiết kế không gian trưng bày ấm cúng, gần gũi, đến việc tổ chức các hoạt động với sự tham gia của cả chủ đầu tư và các đơn vị, cá nhân hay việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động khác.

Các đơn vị, cá nhân thuê chỗ làm việc ở đây cũng được coi là thành viên cộng đồng của Toong. Nhờ có họ, Toong mới tồn tại và phát triển, ngược lại nhờ có Toong mà họ có thêm nhiều điều kiện để phát triển. Bởi vậy, không khó hiểu khi bắt đầu thành lập năm 2015, đến nay, Toong đã phát triển chuỗi không gian làm việc chung và khởi nghiệp rộng khắp cả nước, thậm chí mở rộng sang cả một số nước lân cận.

Nhiều không gian sáng tạo thường xuyên tổ chức các hoạt động thu hút cộng đồng như gặp gỡ, kết nối, chia sẻ thông tin... Nhờ phương thức này, các cá nhân, nhóm sáng tạo có thêm kỹ năng để phát triển, còn bản thân các không gian sáng tạo cũng hoạt động bền vững hơn.

Complex 01 cũng là điển hình về mối quan hệ cộng sinh giữa chủ đầu tư với các start-up nhỏ hay giữa các statup với nhau. Địa điểm này là nơi kết nối các ý tưởng kinh doanh về học tập, đào tạo, vui chơi, giải trí đa mục tiêu nhằm tạo ra văn hóa cho giới trẻ lành mạnh, văn minh hơn.

“Mục tiêu phát triển của Complex 01 nhằm tạo ra sự kết nối, tạo môi trường cho các startup nhỏ cho các bạn trẻ kinh doanh nhỏ lẻ có môi trường chung để cộng sinh, phát triển ngành nghề của các bạn một cách tốt nhất có thể. Qua đó, để thay đổi tư duy về kinh doanh văn hóa sáng tạo và cũng để các hoạt động bền vững hơn, tạo ra giá trị cho xã hội nhiều hơn," kiến trúc sư Nguyễn Bùi Vũ, chủ đầu tư Complex 01 nhấn mạnh.

Để thực hiện mục tiêu đó, việc đầu tiên Complex 01 xây dựng cộng đồng để kết nối các bạn trẻ, các tổ chức với nhau. Tiếp đó, Complex 01 hỗ trợ các bạn trẻ, các tổ chức giao lưu, kết nối và hỗ trợ về kiến thức để chính các starup tương hỗ nhau trong quá trình học tập, kinh doanh.

Một góc tại không gian sáng tạo Complex 01, phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Hơn nữa, các starup nhỏ ở đây cùng chung đối tượng khách hàng, các nhóm khách hàng, như thế có thể bán chéo, mua chéo và mở rộng đối tượng khách hàng.

Cũng theo kiến trúc sư Nguyễn Bùi Vũ, khi các tổ chức, cá nhân tại đây cộng hưởng với nhau, tạo ra giá trị cho cộng đồng và tạo ra giá trị cho giới trẻ thì nó sẽ phát triển bền vững. Hiện tại, Hà Nội đang thiếu các không gian như vậy và Complex 01 muốn góp giá trị cho xã hội, trao giá trị cho cộng đồng. Chính những ý nghĩa đó mà Complex 01 luôn được giới trẻ đón nhận.

Hình thành tư duy sáng tạo mới

Mô hình không gian sáng tạo xuất hiện trên thế giới từ lâu nhưng tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, mô hình này mới xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy vậy, từ khi hiện diện, không gian sáng tạo như thổi một luồng gió mới vào đời sống văn hóa tinh thần của Thủ đô.

Theo Giám đốc nghệ thuật Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn, khi hạ tầng văn hóa cũ không đáp ứng được hoạt động sáng tạo thì giới nghệ sỹ, kiến trúc sư đã năng động xây dựng các không gian riêng biệt để thực hiện các ý tưởng sáng tạo của mình.

Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí, quy mô hoạt động cũng như khả năng hiện thực các dự án, sự kiện liên quan đến sáng tạo, buộc các chủ không gian sáng tạo kết nối, hỗ trợ nhau và dần hình thành nên một mạng lưới, một cộng đồng các nghệ sỹ của không gian sáng tạo. Cộng đồng đó bao gồm nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, thiết kế, kiến trúc… bổ trợ qua lại, kết nối làm việc, chia sẻ thông tin. Nó hình thành một cách tự nhiên từ tư duy, trí tuệ của những người làm sáng tạo mới, tăng sự bền vững cho các không gian sáng tạo.

Bản thân không gian sáng tạo gồm nhiều mô hình hoạt động, cách thức tổ chức và lĩnh vực khác nhau, tạo nên tính đa dạng của loại hình này. Mỗi không gian là một xuất phát điểm, một câu chuyện, một ý tưởng và một cách thức làm việc khác nhau, nhưng cùng kết nối nhau, hỗ trợ nhau vì mục đích duy nhất, thúc đẩy sự sáng tạo phát triển.

Ngay tại địa điểm Heritage Space hoạt động cũng quy tụ hai không gian khác, gồm không gian Bà Bầu là nơi cho các nhóm nghệ sỹ đến lưu trú, gặp gỡ, nói chuyện, nghiên cứu hoạt động nghệ thuật, phát triển nghệ thuật; một không gian khác là nơi làm việc chung của các nhóm nghệ sỹ sân khấu.

Còn Heritage Space là không gian phát triển dự án dài hạn với việc hỗ trợ các nghệ sỹ trẻ tài năng chưa có cơ hội phát triển được làm việc với các nghệ sỹ có tên tuổi trưởng thành trong môi trường nghệ thuật quốc tế để nâng cao năng lực của họ.

Bên cạnh đó, Heritage Space cũng thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu của nghệ thuật đương đại cho các tác phẩm sắp đặt trình diễn tại Việt Nam.

[Xây dựng diện mạo, môi trường văn hóa mới cho thủ đô Hà Nội]

Dù ba không gian hoạt động ở các mảng khác nhau nhưng cùng chung lĩnh vực nghệ thuật nên thường xuyên có sự tương hỗ trong việc chia sẻ thông tin, trang thiết bị và cùng giảm được chi phí thuê mặt bằng, đặc biệt cùng tìm được tiếng nói chung trong hoạt động nghệ thuật.

Trong cuộc sống, yếu tố tương sinh giữ vai trò quyết định. Tương sinh bền vững phải đến từ con người, đến từ trí tuệ. Rất nhiều không gian sáng tạo đều vận hành theo ý nghĩa tương sinh và cũng từ đó tạo ra ý thức cho các cá nhân.

Ví như, không gian sáng tạo 282 Design luôn chia sẻ các kỹ năng sáng tạo thông qua các lớp học để từ đó lớp trẻ không chỉ có thực hành tốt mà còn hình thành nên ý thức tốt và luôn hướng đến những điều tích cực.

Hằng tháng, các bạn trẻ tại 282 Design thường tận dụng mẩu gỗ, thanh sắt để chế tác ra sản phẩm nào đó; sau đó đơn vị tổ chức cuộc thi nhỏ, trao thưởng cho các sản phẩm tốt, vừa khuyến khích bảo vệ môi trường, vừa khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của giới trẻ.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Huy, chủ không gian sáng tạo 282 Design, chia sẻ nếu bám theo lý thuyết tương sinh thì đơn vị đó, thậm chí cả xã hội sẽ phát triển bền vững.

Tuy nhiên, đây là một mô hình mới, chưa có một chính sách, chương trình nào hỗ trợ, ưu đãi riêng cho các không gian sáng tạo. Vì vậy, mô hình này còn gặp nhiều khó khăn.

Các không gian sáng tạo Hà Nội đang cần có “bà đỡ” và thành phố cũng đang có nhiều giải pháp để hỗ trợ phát triển các không gian sáng tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục