Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Theo thống kê, Quảng Đông liên tiếp nhiều năm liền là tỉnh có kim ngạch kinh tế thương mại lớn nhất trong tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 20%.
Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ảnh 1Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cùng lãnh đạo phía Trung Quốc cắt băng khai mạc tại Khu gian hàng Quốc gia Việt Nam tại CISMEF 2023. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Sáng 27/6, tại Trung tâm triển lãm Pazhou, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã diễn ra Lễ khai mạc Hội chợ quốc tế doanh nghiệp vừa và nhỏ (CISMEF 2023). Về phía Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải dẫn đầu.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, việc Trung Quốc chiến thắng đại dịch và hủy bỏ hầu hết các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời khôi phục trở lại các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại theo hình thức truyền thống, trong đó có Hội chợ Quốc tế doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc lần này đã giúp cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng có cơ hội gặp gỡ, giao thương trực tiếp, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh mới nhằm khắc phục khó khăn và từng bước khôi phục hoạt động.

[Tín hiệu hồi phục tích cực, kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng hơn 4%]

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Chính phủ, Bộ Công Thương Việt Nam từ trước tới nay luôn đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp và đầu tư với Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 20 năm qua. Việt Nam cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Trong tổng thể quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc, Quảng Đông với vai trò là tỉnh có quy mô kinh tế, ngoại thương hàng đầu Trung Quốc luôn chiếm một trong những vị trí quan trọng nhất. Quy mô thương mại giữa Việt Nam và Quảng Đông hiện chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cơ cấu sản xuất và hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên có tính bổ sung rất lớn, vì vậy tiềm năng hợp tác, mở rộng hơn nữa quy mô thương mại, đầu tư giữa hai bên là rất lớn.

Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ảnh 2Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đi thăm gian hàng doanh nghiệp Việt Nam tại CISMEF 2023. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông nhấn mạnh, việc tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ CISMEF 2023 với quy mô lớn thuộc Chương trình Quốc gia về xúc tiến thương mại được xem là một trong những nỗ lực của Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc khôi phục sản xuất, mở rộng hệ thống phân phối và tăng cường hiệu quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ngay sau khi Chính phủ Trung Quốc mở cửa lại sau đại dịch COVID-19.

Từ đó, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin về thị trường, cập nhật các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu, tìm kiếm các cơ hội xúc tiến thương mại và hướng dẫn doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất theo tín hiệu thị trường, chuẩn hóa quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm và chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch khi khai thác thị trường Trung Quốc.

Trong khuôn khổ chương trình công tác tại Quảng Châu, Trung Quốc, ngày 26/6/2023, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã có buổi hội đàm với ông Tôn Chí Dương, Phó Chủ tịch Chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Tại buổi làm việc, ông Tôn Chí Dương cho biết phía Quảng Đông rất trân trọng và cảm ơn Việt Nam đã tích cực tham gia Hội chợ tại tỉnh Quảng Đông trong nhiều năm qua.

Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ảnh 3Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và bà Từ Hiểu Lan, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đi thăm Khu gian hàng Quốc gia Việt Nam tại hội chợ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo thống kê phía Trung Quốc, hiện nay, tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất lớn, mong muốn phối hợp với phía Việt Nam để tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong thời gian tới.

Cùng ngày, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đã hội đàm với bà Từ Hiểu Lan, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc. Trong buổi làm việc, hai bên cùng nhận định cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò rất quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các doanh nghiệp, giải quyết được nhiều việc làm, đóng góp nhiều cho ngân sách.

Vì vậy, những hoạt động như Hội chợ lần này có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy cộng đồng này phát triển hơn nữa, khắc phục những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xu thế suy thoái kinh tế toàn cầu. Hai bên cũng đã giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên, đồng thời nhất trí rằng chức năng, nhiệm vụ của hai Bộ có nhiều điểm tương đồng, mong muốn sẽ triển khai nhiều hoạt động trao đổi và hợp tác hơn trong thời gian tới.

Hội chợ CISMEF 2023 có quy mô khoảng 80.000m2 với sự tham gia của 1.000 doanh nghiệp Trung Quốc và quốc tế đến từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ: Đức, Hy Lạp, Canada, Brazil, Argentina, Ecuador, New Zealand, Malaysia, Thái Lan, Sri Lanka, Pakistan, Nepal, Iran, Ai Cập, Chile, Uruguay, Các tiêu vương quốc Arab thống nhất, Macao...

Với vai trò là Quốc gia đồng tổ chức, khu gian hàng Việt Nam có quy mô 3.000m2, bao gồm Gian hàng Quốc gia Việt Nam và Khu gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm có quy mô 120 gian hàng, thuộc các lĩnh vực nông thủy sản, thực phẩm chế biến, thời trang, hàng gia dụng, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ...

Ngoài ra, còn có Khu trưng bày quảng bá hình ảnh và các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam, sân khấu biểu diễn văn hóa nghệ thuật để thu hút sự quan tâm của khách tham quan.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục