Trước thắc mắc về việc giảm thuế thu nhập cá nhân cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Bộ Tài chính cho biết, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nếu bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thì không phải nộp thuế.
Các khoản trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm... cũng không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)…, số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.
Do đó, theo Bộ Tài chính, đối với các cá nhân là người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nếu bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thì không phải nộp thuế.
Các khoản trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm... cũng không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.
Ngày 2/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.
Theo đó, việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân sẽ góp phần giảm bớt nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công.
[Công bố 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất năm 2020]
Theo quy định tại Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế đã được nâng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn các mức nêu trên (17 triệu đồng/tháng, 22 triệu đồng/tháng) thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân.
Bộ Tài chính lấy ví dụ, với trường hợp cá nhân có 1 người phụ thuộc, nếu một người có thu nhập tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng, nếu trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì người này không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Nếu thu nhập 18 triệu đồng cũng chỉ nộp thuế 35 nghìn đồng/tháng. Trường hợp có các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ trước khi tính thuế nữa thì số thuế phải nộp còn thấp hơn (hoặc không phải nộp).
Còn với trường hợp cá nhân có 2 người phụ thuộc, nếu một người có thu nhập tiền lương, tiền công 22 triệu đồng/tháng, nếu trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… thì người này không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Nếu thu nhập từ 23 triệu đồng/tháng thì sau khi nộp bảo hiểm bắt buộc và giảm trừ gia cảnh, chỉ nộp thuế thu nhập cá nhân là 39 nghìn 500 đồng/tháng (số tiền thuế rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,17% tổng thu nhập của cá nhân).
Nếu thu nhập 30 triệu đồng/tháng thì mức thuế nộp bậc 1 (5 triệu đồng x 5%) là 250 nghìn đồng, bậc 2 [(7,07 - 5) x 10%] làm tròn là 210 nghìn đồng. Tổng tiền thuế phải nộp là 460 nghìn đồng/tháng. Trường hợp có các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ trước khi tính thuế nữa thì số thuế phải nộp còn thấp hơn.
Thu nhập sau khi nộp thuế là thu nhập được chi tiêu: 30 triệu đồng - nộp thuế thu nhập cá nhân (460 nghìn đồng) = 29 triệu 540 nghìn đồng (chứ không phải chỉ được chi tiêu 11 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc).
Theo Bộ Tài chính, với những đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong thời gian qua, ngân sách nhà nước đã dành nhiều hỗ trợ như các khoản trợ cấp; nhiều chính sách miễn giảm thuế với cá nhân kinh doanh, buôn bán...
Với nghĩa vụ thuế, khi thu nhập giảm đi và chưa đến ngưỡng chịu thuế thì đương nhiên không phải nộp vào ngân sách nhà nước.