Hóa đơn điện tử là công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy Kinh tế Số

Lũy kế đến ngày 30/11, Cơ quan Thuế đã tiếp nhận và xử lý là khoảng 5,9 tỷ hóa đơn điện tử, trong đó 1,7 tỷ hóa đơn có mã và hơn 4,2 tỷ hóa đơn không mã.

Kinh tế số Việt Nam đang đạt tốc độ tăng trưởng 19% trong giai đoạn 2022-2023, dự báo tổng giá trị hàng hóa sẽ tăng từ 30 tỷ USD năm 2023 lên 45 tỷ USD vào năm 2025. (Ảnh: Vietnam+)
Kinh tế số Việt Nam đang đạt tốc độ tăng trưởng 19% trong giai đoạn 2022-2023, dự báo tổng giá trị hàng hóa sẽ tăng từ 30 tỷ USD năm 2023 lên 45 tỷ USD vào năm 2025. (Ảnh: Vietnam+)

Hiện nay, hóa đơn điện tử ngày càng phổ biến. Theo dự báo của Market Data, tốc độ tăng trưởng của thị trường hóa đơn điện tử toàn cầu đạt mức 16,2% trong giai đoạn 2022-2027 và dự kiến sẽ đạt giá trị 15,5 tỷ USD vào năm 2027.

Thúc đẩy Kinh tế Số

Báo cáo mới nhất của Google, Temasek và Bain & Company cho biết Kinh tế Số Việt Nam đang đạt tốc độ tăng trưởng 19% trong giai đoạn 2022-2023, dự báo tổng giá trị hàng hóa sẽ tăng từ 30 tỷ USD năm 2023 lên 45 tỷ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh Chuyển đổi Số Quốc gia và Thương mại Điện tử toàn cầu hiện nay, các số liệu cũng cho thấy tiềm năng vô cùng to lớn của nền Kinh tế Số cũng như cơ hội phát triển và những yêu cầu mới về chất lượng của các dịch vụ Số hóa phục vụ nền Kinh tế Số trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, hóa đơn điện tử hiện đang được đánh giá là một trong những công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy nền Kinh tế Số. Với ưu điểm mọi lúc, mọi nơi, được đảm bảo tính pháp lý đầy đủ như với các loại hóa đơn giấy truyền thống, việc triển khi hóa đơn điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp như tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí vận chuyển, bảo quản hóa đơn, giảm thiểu các thủ tục hành chính, an toàn, bảo mật thông tin... Không những vậy, với hóa đơn điện tử, việc quản lý và minh bạch công tác thuế cũng trở nên dễ dàng hơn, phù hợp với định hướng chuyển đổi số quốc gia từ nay đến năm 2030.

Thời gian qua, tại Việt Nam, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hóa đơn điện tử phát triển. Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, đến ngày 30/11, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là khoảng 5,9 tỷ hóa đơn, trong đó 1,7 tỷ hóa đơn có mã và hơn 4,2 tỷ hóa đơn không mã.

Chia sẻ tại Hội thảo Nâng cao nhận thức về hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp mới đây, ông Charlies Thurby-Pelham, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho rằng hóa đơn điện tử có ảnh hưởng tích cực đến quá trình Chuyển đổi Số, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng giao thương với các đối tác nước ngoài.

Hiện nay, hóa đơn điện tử đã được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới, không chỉ trong khu vực công mà còn ở khu vực tư nhân. Việt Nam cũng cần nghiên cứu và triển khai tiêu chuẩn hóa đơn điện tử, tạo cơ sở ứng dụng hóa đơn điện tử một cách hiệu quả hơn.

Doanh nghiệp cần sẵn sàng cho việc sử dụng hóa đơn điện tử

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tạo nên những bước phát triển đột phá đối với quá trình Số hóa, đem đến những thành tựu nhanh chóng chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt là sự xuất hiện của Công nghệ Tự động hóa, Trí tuệ Nhân tạo (AI) và Máy học. Đây cũng là những công nghệ tiên tiến hàng đầu đang được tích hợp vào nền tảng hóa đơn điện tử để hợp lý hóa và tối ưu hóa toàn bộ quy trình lập hóa đơn.

Những công nghệ này cho phép việc ứng dụng hóa đơn điện tử trở nên hiệu quả và chính xác hơn. Điều này là cơ hội nhưng cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với các tổ chức, doanh nghiệp trong việc sẵn sàng để áp dụng hóa đơn điện tử toàn diện trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao dịch của mình.

Để áp dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp sẽ cần trang bị kiến thức về loại hình này cũng như tìm hiểu về các quy định liên quan đến việc lập, lưu trữ và sử dụng. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp sẽ cần có hạ tầng công nghệ thông tin để lưu trữ, sử dụng chứng từ điện tử và phải có chữ ký Số. Doanh nghiệp cần tìm hiểu và xác dịnh phần mềm hóa đơn điện tử (doanh nghiệp có thể xây dựng hoặc sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử do tổ chức trung gian cung cấp).

Sau khi đã có hạ tầng phục vụ hóa đơn điện tử, doanh nghiệp cần chọn mẫu hóa đơn, thông báo rộng rãi cho khách hàng về mẫu hóa đơn, cách thức gửi, nhận hóa đơn điện tử. Sau khi gửi thông báo phát hành hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế trước khi lập hóa đơn, doanh nghiệp có thể bắt đầu lập và sử dụng hóa đơn điện tử trên hệ thống, phần mềm đã chọn.

Nhu cầu của nền Kinh tế Số thúc đẩy sự phát triển của hóa đơn điện tử dẫn tới sự “bùng nổ” của các dịch vụ cũng như nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước. Hiện, cả nước đã có khoảng 100 tổ chức cung cấp giái pháp hóa đơn điện tử đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định tại khoản 1, điều 10, thông tư số 78/2021/TT-BTC. Điều này sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng công nghệ mới và tối ưu cho hoạt động của mình, đáp ứng xu thế của thời đại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục