Học giả, nhà nghiên cứu Đức đánh giá cao vai trò của Việt Nam và ASEAN

Tiến sỹ Gehard Will, chuyên gia về Đông Nam Á, cho rằng tuy chỉ mới là thành viên của ASEAN từ giữa những năm 1990 nhưng Việt Nam đã nỗ lực đóng góp để tăng cường sức mạnh cộng đồng này.
Học giả, nhà nghiên cứu Đức đánh giá cao vai trò của Việt Nam và ASEAN ảnh 1Tiến sỹ Gehard Will - chuyên gia về Đông Nam Á tại Đức. (Ảnh: Phạm Văn Thắng/Vietnam+)

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), phóng viên TTXVN tại Berlin đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Gehard Will, chuyên gia về Đông Nam Á, và tiến sỹ Thomas Engelbert thuộc Viện Á-Phi, Đại học Hamburg, Đức, về vai trò của ASEAN, cũng như vai trò và đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN.

Đánh giá về vai trò của ASEAN trong 50 năm qua, cả tiến sỹ Gehard Will và tiến sỹ Thomas Engelbert đều cho rằng ASEAN đã đạt được nhiều thành công trên phương diện chính trị, kinh tế và an ninh.

Tiến sỹ Will nhận xét ASEAN là một khu vực phát triển kinh tế chung với những triển vọng cũng như đã thành công về mặt chính trị.

Tuy nhiên, tiến sỹ Will cho rằng ASEAN vẫn chưa thực sự thành công trong việc thiết lập một chính sách an ninh ổn định và hiệu quả để khắc phục và giải quyết triệt để các mâu thuẫn.

[Hình ảnh Thủ tướng chủ trì lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN]

Trong khi đó, tiến sỹ Engelbert cho rằng đại đa số học giả, các nhà phê bình và các nhà chính trị đều đánh giá rất cao vai trò của ASEAN - một tổ chức khu vực gồm 10 nước có trình độ phát triển khác nhau nhưng lại tập hợp thành một khối, cùng phát triển về chính trị, kinh tế, an ninh.

Ông Engelbert nhấn mạnh một yếu tố rất quan trọng đó là, so với khu vực Nam Á và châu Phi, trong khối ASEAN không tồn tại các xung đột quân sự.

Về vai trò và đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN, tiến sỹ Will cho rằng Việt Nam đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng ASEAN. Tuy chỉ mới là thành viên của ASEAN từ giữa những năm 1990 nhưng Việt Nam đã nỗ lực đóng góp để tăng cường sức mạnh cộng đồng này.

Dưới góc quan sát của mình, tiến sỹ Engelbert cho rằng Việt Nam tham gia rất tích cực vào ASEAN, thể hiện qua 2 giai đoạn.

Ở giai đoạn thứ nhất, Việt Nam thoát khỏi thế bị cô lập và hòa nhập vào khu vực Đông Nam Á cũng như khu vực Đông Á nói chung, cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, các nước đầu tư vào Việt Nam như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong giai đoạn thứ 2, Việt Nam thực hiện một chính sách tích cực hơn, tham gia sâu rộng vào hoạt động của ASEAN.

Dư luận đánh giá cao việc Việt Nam đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế cũng như đa dạng hóa nền kinh tế trong những năm gầy đây.

Bàn về tương lai của ASEAN, tiến sỹ Gehard Will cho biết vào năm 2002, ASEAN đã thực hiện nghiêm túc những cải cách có tính tham vọng, từ đây, mô hình 3 trụ cột được phát triển gồm trụ cột về an ninh chính trị, trụ cột về kinh tế và trụ cột văn hóa xã hội. Khó khăn ở đây thực chất chỉ nằm ở khu vực kinh tế, các tiến bộ về kinh tế sẽ quyết định sự phát triển của cộng đồng.

Theo tiến sỹ Gehard Will, cải cách của ASEAN về bản chất không phải là tìm ra một điều gì mới mẻ mà thực ra là tiếp tục thực hiện từng bước những gì đã được thông qua trước đó. Thực tế, ASEAN chỉ cần phát huy những thế mạnh vốn có là một cộng đồng có sự thống nhất về chính trị và chính sách an ninh. Đây là điều mà ASEAN vẫn phải tiếp tục giải quyết.

Học giả, nhà nghiên cứu Đức đánh giá cao vai trò của Việt Nam và ASEAN ảnh 2Tiến sỹ Thomas Engelbert, Viện Á - Phi thuộc Đại học Hamburg, Đức. (Ảnh: Phạm Văn Thắng/Vietnam+)

Trong khi đó, tiến sỹ Thomas Engelbert lại có sự so sánh giữa ASEAN và Cộng đồng châu Âu, khi 10 nước có chế độ chính trị và trình độ phát triển khác nhau, quan hệ đối ngoại khác nhau thì phối hợp với nhau khác hơn, phức tạp hơn so với cộng đồng châu Âu, cho nên quá trình phát triển sẽ lâu hơn.

Tuy nhiên, theo tiến sỹ Thomas Engelbert, "áp lực từ bên ngoài cũng như bên trong sẽ khiến ASEAN phát triển một chiến lược chung"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục