Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 không đạt được tuyên bố chung

Hội nghị nhấn mạnh cần phải có các chính sách tiền tệ, tài khóa, tài chính và cấu trúc hợp lý để thúc đẩy phát triển và duy trì ổn định kinh tế và tài chính trên toàn cầu.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 không đạt được tuyên bố chung ảnh 1Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 nhóm họp tại Bengaluru, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Ngày 25/2, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các Nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bengaluru, bang Karnataka của Ấn Độ đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy phối hợp chính sách quốc tế và đưa nền kinh tế toàn cầu theo hướng phát triển mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện.

Tuy nhiên, hội nghị đã không thể thống nhất về nội dung tuyên bố chung vì còn bất đồng về các từ ngữ sử dụng trong tuyên bố.

Nước Chủ tịch G20 là Ấn Độ đã công bố bản tổng kết hội nghị do nước chủ tịch soạn thảo về các nội dung làm việc sau 2 ngày hội nghị diễn ra.

Nội dung tổng kết có đoạn nhấn mạnh cần phải có các chính sách tiền tệ, tài khóa, tài chính và cấu trúc hợp lý để thúc đẩy phát triển và duy trì ổn định kinh tế và tài chính trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng nhất trí cần nhanh chóng giải quyết các vấn đề nợ công ở các nước thu nhập trung bình và thấp đồng thời khẳng định các chủ nợ công và tư cần tăng cường phối hợp đa phương.

Bản tổng kết hội nghị cũng có nội dung đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu đã có sự cải thiện nhẹ so với thời điểm diễn ra hội nghị trước vào tháng 10/2022.

Dù vậy, tăng trưởng toàn cầu vẫn thấp, các rủi ro suy giảm triển vọng vẫn tồn tại, trong đó có thể kể đến lạm phát tăng, đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt và các điều kiện tài chính ngặt nghèo hơn có thể dẫn tới tình hình nợ công tiếp tục xấu đi ở nhiều thị trưởng mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Các đại biểu tham dự hội nghị cam kết tiếp tục thúc đẩy phối hợp chính sách vĩ mô và hỗ trợ thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc; đạt mục tiêu ổn định giá cả, đảm bảo lạm phát ở mức cho phép.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 không đạt được tuyên bố chung ảnh 2Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva dự một phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva cho biết còn một số bất đồng trong G20 liên quan đến tái cấu trúc nợ cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Phát biểu ngày 25/2 bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20, bà Georgieva cho biết dù vẫn còn một số bất đồng, song tại phiên họp đầu tiên, các bên tham gia đã cam kết giải quyết bất đồng vì lợi ích của tất cả các nước.

Phát biểu trực tuyến tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn cho rằng các tổ chức tài chính quốc tế và các chủ nợ thương mại nên tuân theo nguyên tắc "hành động chung, chia sẻ gánh nặng công bằng" trong nỗ lực tái cấu trúc nợ.

Bên cạnh vấn đề tái cơ cấu nợ, quản lý tiền điện tử là một lĩnh vực được Ấn Độ ưu tiên đề xuất. Về điểm này, Tổng giám đốc IMF đồng tình và cho rằng việc cấm tiền điện tử tư nhân có thể là một lựa chọn.

Theo bà Georgieva, cần phân biệt giữa tiền điện tử của nhà nước vốn ổn định, với các tài sản điện tử mà tư nhân phát hành.

Bà nhấn mạnh: “Rất cần quản lý… nếu không sẽ là quá muộn.” Bà kêu gọi thảo luận khả năng cấm các tài sản này vì “chúng có thể đặt ra nguy cơ ổn định tài chính.”

[G20 bất đồng về tái cấu trúc nợ cho các nền kinh tế gặp khó khăn]

Hãng tin Reuters dẫn lời một số quan chức tham dự cuộc họp cho biết các nước G20 vẫn chưa đạt được sự nhất trí về quan điểm liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trong thông điệp video khai mạc hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra đa nêu bật những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay.

Ông nêu ví dụ về đại dịch COVID-19 và những hậu quả của đại dịch đối với kinh tế toàn cầu, như căng thẳng địa chính trị gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, giá cả tăng cao, an ninh lương thực và năng lượng bất ổn, nợ công thiếu bền vững ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, đồng thời làm xói mòn niềm tin đối với các tổ chức tài chính quốc tế.

Theo Thủ tướng Modi, hiện nay việc củng cố sự ổn định, niềm tin và tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào những người giám sát các nền kinh tế và hệ thống tiền tệ hàng đầu thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục