Hội thảo "Di sản Hồ Chí Minh, Hợp tác Pháp-Việt”

Gần 200 đại biểu là người Pháp và Việt Nam đã dự hội thảo “Di sản Hồ Chí Minh, Hợp tác Pháp-Việt,” tổ chức ngày 19/9, tại Pháp.
Gần 200 học giả, nhà văn hóa Pháp,Việt Nam; bạn bè Pháp thân thiết với Việt Nam, cùng đông đảo đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đã dự hội thảo “Di sản Hồ Chí Minh, Hợp tác Pháp-Việt,” nhân kỷ niệm 100 năm Bác Hồ đến Pháp và 65 năm Bác Hồ thăm Pháp với tư cách là khách mời của Chính phủ Pháp.

Phát biểu tại hội thảo ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân cho rằng đây là hoạt động “thiết thực và rất có ý nghĩa” để kỷ niệm 100 năm Bác Hồ đến Pháp và 65 năm Bác Hồ thăm Pháp với tư cách là khách mời của Chính phủ Pháp.

Theo ông, vì tất cả những người tham dự sự kiện này đều có điểm chung là yêu mến và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là những người đang thực hiện nghĩa vụ là làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp.

Hội thảo này càng đặc biệt ý nghĩa hơn khi 2 nước Việt-Pháp đang hướng tới kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2013). Ông nhấn mạnh, “số phận đã gắn hai dân tộc,” nên mặc dù có những thăng trầm của lịch sử, nhưng từ nhiều thập kỷ nay, tình hữu nghị và sự hợp tác đã trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp.

Mối quan hệ được Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng trên tinh thần “bình đẳng, thật thà và thân thiện” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người thăm Pháp năm 1946 và Người đã dày công vun đắp và hiện nay đang phát triển tốt đẹp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước. Việt Nam trong chính sách đối ngoại của mình luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với chính quyền và nhân dân Pháp.

Ông Thuận Hữu nhắc đến lịch sử phát triển lâu dài của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, mà quá trình phát triển đó có dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn quan tâm, chăm lo, vun đắp tình cảm, tình đoàn kết của đồng bào ở nước ngoài nói chung và cộng đồng người Việt Nam ở Pháp nói riêng.

Tổng biên tập Báo Nhân Dân cũng đánh giá cao những đóng góp của bà con Việt kiều, nhất là các phong trào cộng đồng hướng về tổ quốc, chung tay xây dựng đất nước; bày tỏ sự tin tưởng vào bà con Việt kiều luôn đoàn kết, tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; đồng thời tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối, làm bền chặt mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Pháp-Việt.

Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng nêu bật những ảnh hưởng và sự thừa kế tư tưởng Hồ Chí Minh với ngành ngoại giao Việt Nam. Ông nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ trương xây dựng mối quan hệ hợp tác bình đẳng với Pháp trên cơ sở tôn trọng và cùng có lợi.

Theo ông để làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác hai nước, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam và Pháp cần nổ lực hơn nữa cùng nhau vượt qua những thách thức và tranh thủ những cơ hội để nâng quan hệ hai nước lên quan hệ đối tác chiến lược.

Ngoài ra, các bài tham luận của các bạn bè Pháp đã không chỉ làm sống lại những kỷ niệm tốt đẹp trước đây khi họ được gặp Bác và những ảnh hưởng tư tưởng của Người đối với mối quan hệ và hợp tác hai nước, mà trên những cương vị nghề nghiệp của mình họ còn cho các đại biểu thấy được sự phát triển sống động và hiệu quả của mối quan hệ hợp tác hai nước thông qua việc thực hiện những dự án ở Việt Nam hoặc giúp Việt Nam thực hiện dự án rất hiệu quả trên các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục, hoạt động nhân đạo…

Mỗi lĩnh vực của hợp tác được coi như một viên gạch cho cho việc xây dựng nên ngôi nhà chung của mối quan hệ Việt-Pháp./.

Lê Hà-Trung Dũng/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục