Hội thảo khoa học quốc tế nghiên cứu về Hồ Chủ tịch tại Hàn Quốc

Ngày 11/9, Hội nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc đã tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hàn Quốc và Việt Nam” tại đại học Chosun, Gwangju, Hàn Quốc.
Hội thảo khoa học quốc tế nghiên cứu về Hồ Chủ tịch tại Hàn Quốc ảnh 1Các học giả trình bày tham luận tại hội thảo. (Ảnh: Phạm Duy/Vietnam+)

Nhân kỷ niệm 70 năm quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự hỗ trợ của Hội Giao lưu văn hóa Hàn-Việt, ngày 11/9, Hội nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hàn Quốc và Việt Nam” tại Trường đại học Chosun, thành phố Gwangju, Hàn Quốc.

Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Hữu Chí và Phu nhân, các thành viên Hội nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc, đại diện Hội giao lưu văn hóa Hàn-Việt, các học giả và nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của hai nước Việt-Hàn, đại diện lưu học sinh Việt Nam và cộng đồng người Việt tại khu vực Cheonnam-Gwangju, cùng đông đảo lưu học sinh và sinh viên quốc tế tại trường Đại học Chosun.

Phát biểu khai mạc hội thảo, giáo sư Ahn Kyong Hwan, Chủ tịch Hội nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc, nêu rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, là nhà văn hóa kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, là người được nhân dân thế giới quý trọng và tôn vinh, vì vậy việc nghiên cứu những tư tưởng, đạo đức và nhân cách Hồ Chí Minh, qua đó rút ra những bài học cho hiện tại luôn là việc làm có tính thực tiễn.”

Ông cũng cho biết, cùng với hội thảo lần này, trong năm nay, giới nghiên cứu về Việt Nam tại Hàn Quốc đã tổ chức nhiều hội thảo và sự kiện về lịch sử, ngoại giao, văn học… để kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 70 năm ngày quốc khánh của Việt Nam, 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du.

Trong khi đó, ông Hwang Geum Chu, Chủ tịch Hội Giao lưu văn hóa Hàn-Việt, bày tỏ vinh dự là đơn vị tài trợ cho hội thảo khoa học về Chủ tịch Hồ Chí Minh và triển lãm ảnh về Biển Đông tại Hàn Quốc lần này, qua đó giúp người dân Hàn Quốc hiểu biết hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã giành được nhiều tình cảm tôn kính của giới học thuật Hàn Quốc, đồng thời góp phần tăng cường sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa giới nghiên cứu và nhân dân hai nước, vun đắp cho tình hữu nghị Việt-Hàn ngày càng bền chặt.

Hội thảo khoa học quốc tế nghiên cứu về Hồ Chủ tịch tại Hàn Quốc ảnh 2Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Hữu Chí phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Phạm Duy/Vietnam+)

Hội thảo gồm 2 phiên thảo luận dưới hình thức nêu tham luận đề dẫn cho từng chủ đề và tiến hành đối thoại, phản biện giữa các học giả hai nước và với các độc giả tham dự hội thảo. Các chủ đề chính bao gồm: “Tinh thần thực tiễn trong tư tưởng Hồ Chí Minh,” “Vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước,” “Những giá trị vượt thời gian của tập thơ Nhật ký trong tù”…

Các tham luận và phản biện đã cho thấy sự tương đồng đặc biệt của giới học giả hai nước trong việc nhìn nhận và đánh giá về công lao, tầm ảnh hưởng về mặt tư tưởng, đạo đức và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo ​phó giáo sư-tiến sỹ Phùng Ngọc Kiếm, hiện đang giảng dạy tại Đại học Ngoại ngữ quốc gia Busan, Hàn Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người một lòng vì dân vì nước; sự nghiệp của Người là để cho dân tộc được độc lập tự do, để nhân dân được ấm no hạnh phúc; Người đã từ Chủ nghĩa dân tộc tìm đến Chủ nghĩa xã hội và tinh thần thực tiễn của Hồ Chí Minh chính là “làm những gì có thể, làm cách nào có thể” để mang lại tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân; “con người dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là con người của thế giới, con người của thời đại”…

Trong khi đó, giáo sư Ahn Kyong Hwan, người đã dịch tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Hàn, một lần nữa thể hiện niềm cảm phục to lớn của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cho rằng “Nhật ký trong tù" không chỉ là một trong những văn kiện lịch sử mà còn phản ánh triết lý, nhân cách, chủ nghĩa yêu nước, tư tưởng nhân ái và đạo đức sáng ngời của Người.

Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Phạm Hữu Chí chia sẻ với tư cách là Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, ông cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào khi được nghe những đánh giá, chia sẻ khách quan của các nhà nghiên cứu Hàn Quốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam.

Và để ghi nhận những đóng góp to lớn của các học giả, nhà nghiên cứu Hàn Quốc trong việc giúp lãnh đạo và người dân Hàn Quốc hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước, con người Việt Nam, Đại sứ Phạm Hữu Chí đã trích dẫn phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Ui- hwa ca ngợi phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi lễ kỷ niệm 70 năm quốc khánh nước ​Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam diễn ra tại thủ đô Seoul ngày 1/9.​

Đại sứ cho rằng hai nước Việt-Hàn cần tuân thủ phương châm này, lấy cái bất biến là tinh hữu nghị, sự tin tưởng lẫn nhau để đối phó với mọi thách thức trong khu vực và trên thế giới để cùng hướng tới tương lai thịnh vượng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục