Trải theo chiều dài lịch sử chiến đấu vẻ vang của dân tộc, rất nhiều chiến sĩ-phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam đã vinh dự được song hành cùng các đoàn quân và ghi lại những hình ảnh, những bài viết mang đẫm hơi thở của những cuộc hành quân thần tốc, những chiến thắng oanh liệt... và cả những hy sinh, mất mát, những tình cảm nồng hậu của người dân trên mọi miền đất nước dành cho chiến sĩ quân giải phóng.
Vietnam+ xin đăng lược trích bài viết của Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Trần Mai Hưởng in trong cuốn "Thông tấn xã Việt Nam với Đại thắng mùa xuân” kể về những chiến công hiển hách đó trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc.
Giữa tháng 3-1975, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, không khí ở Hà Nội rất sôi nổi. Mọi người đều biết một chiến dịch lớn đã bắt đầu. Tại cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, các mũi công tác tăng cường cho chiến trường gấp rút được chuẩn bị.
Một buổi chiều, tôi nghe nói, cùng với đoàn của Tổng Giám đốc Đào Tùng đi Nam Bộ, sắp có một đoàn lớn đi mặt trận Trị Thiên, nơi năm 1972-1973 tôi đã từng công tác và có nhiều gắn bó. Tôi tìm gặp lãnh đạo cơ quan khi đó là Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng để xin trình bày nguyện vọng đi theo chiến dịch và thật may mắn nhận được sự chấp thuận. Thế là chúng tôi lên đường...
Huế đỏ cờ bay
Chiều 26-3-1975, trên đường vào Huế, đến Mỹ Chánh thì xe com-măng-ca chở anh em không đi tiếp được. Cầu đã bị địch phá hỏng. Cả tổ quyết định đi bộ. Trời tối dần. Vùng địch mới rút. Không giao liên, không lực lượng đi cùng. Chỉ vài anh em trong đoàn có súng ngắn. Tất cả nhắm hướng thành phố mà rảo bước. Cần có mặt ở Huế sớm nhất trong khoảnh khắc lịch sử này!
Chúng tôi hành quân suốt đêm. Sau này nhìn lại bản đồ, quãng đường đó dài khoảng 36km. Rạng sáng thì chúng tôi đến Huế. Sát ngoại ô, một chiếc xe lam chở khách ngang qua. Người lái hồ hởi mời anh em lên xe. Và thế là, trên chiếc xe đó, chúng tôi tiến vào Huế giải phóng. Khi nhìn thấy cầu Tràng Tiền, sông Hương, núi Ngự, đỉnh Phu Văn Lâu… chan hòa trong nắng sớm, những gương mặt hồ hởi của người dân cố đô đón chào đoàn quân giải phóng, tôi thấy như trong một giấc mơ vậy!
Chúng tôi chia nhau tỏa về các hướng. Mọi người hẹn nhau: Buổi trưa quay lại Ngọ Môn để thu thập tin bài, ảnh sau đó cử người đem về Đông Hà. Bài ghi nhanh đầu tiên ấy được bắt đầu với tựa đề “Sáng xuân Huế đỏ cờ bay…”. Bài viết được hoàn thành chỉ trong hơn một giờ đồng hồ với ba trang giấy mỏng trong tâm trạng xúc động. Những ý nghĩ về hiện tại và quá khứ hào hùng của mảnh đất cố đô cứ nối nhau kéo đến. Tôi chỉ kịp đọc qua một lượt trước khi trao cho anh em trong tổ chuyển về Đông Hà. Khi ngẩng lên, tôi mới nhận ra một số thanh niên nam nữ đang tò mò đứng xung quanh xem chúng tôi làm việc. Có lẽ, nhiều người trong số họ lần đầu tiên nhìn thấy các nhà báo giải phóng!
Bài viết, ảnh chụp của tổ mũi nhọn được gửi về kịp thời. Đây là những thông tin trực tiếp đầu tiên có được về Huế giải phóng. Các báo đều sử dụng hình ảnh của anh em trong tổ trên trang nhất. Bài ghi nhanh “Huế đỏ cờ bay” của tôi được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc ngay buổi tối phát về; báo Nhân dân và một số tờ báo khác ở Hà Nội đăng lại ngay hôm sau. Một sự khởi đầu tốt đẹp cho tất cả mọi người!
Vào Đà Nẵng giải phóng
Chúng tôi ở Huế đến sáng 29-3, đang lo viết thêm bài vở, chụp ảnh để gửi tiếp về Tổng xã, thì nghe tin địch đang rút chạy khỏi Đà Nẵng. Chúng tôi bèn quyết định đi tiếp vào Đà Nẵng bằng hai chiếc xe Honda mượn của Ủy ban quân quản Huế. Rất may là hôm trước, chúng tôi được mấy anh em tự vệ dạy lái xe Honda!
Bằng mọi giá phải vào được Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai ở miền Nam trong ngày giải phóng. Rất may là mọi chuyện đều ổn. Chúng tôi đến nơi vào cuối chiều và ngay lập tức bắt tay vào công việc. Tôi đi cùng anh Lâm Hồng Long đến những địa điểm chủ yếu như quân cảng, cầu Trịnh Minh Thế, sân bay, trung tâm chỉ huy của tướng Ngô Quang Trưởng… Trên đường đi, tôi mới biết một điều rất thú vị: Gần hai mươi năm trước, anh Long tham gia hoạt động cách mạng và bị địch bắt giam ở nhà lao Con Gà tại chính thành phố này. Và người phụ nữ đã cùng anh đính ước, từ Phan Thiết quê nhà, vẫn ra tận ngoài này thăm nuôi anh… Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ sẽ phải đưa chi tiết độc đáo này vào trong bài tường thuật của mình.
Ngày hôm sau, chúng tôi hội quân ở Ủy ban Quân quản Đà Nẵng với nhóm của các anh Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành đi thẳng từ Hà Nội vào. Các anh đi bằng xe com-măng-ca của Tổng xã do anh Quỳ lái. Tôi bàn với các anh để tôi quay về Đông Hà ngay. Tôi cần về viết và gửi bài, vì điện đài vẫn ở đó đồng thời mang theo phim chụp của cả tổ để chuyển tiếp ra Hà Nội.
Gần trưa, tôi mang ba lô, trong có phim ảnh, tư liệu, đưa xe Honda lên xe Commăngca, cùng anh Quỳ lên đường về Đông Hà. Điều tôi dự đoán không sai. Đến Lăng Cô, xe ô tô không tài nào đi được. Lý do rất đơn giản: Từng đoàn xe tăng, thiết giáp, xe tải chở quân, xe cầu phà của công binh… từ hướng bắc kéo vào ùn ùn. Dòng xe gần như vô tận.
Các binh đoàn chủ lực được lệnh hành quân thần tốc vào trong và trên cây cầu một chiều, không thể có chỗ cho một chiếc xe ngược ra. Không thể chờ, tôi đành chia tay anh Quỳ, hạ xe Honda xuống, buộc ba lô phía sau, lách qua cầu rồi phóng hết tốc lực về Đông Hà. Có những đoạn đường tắc, cầu hẹp, tôi nhờ anh chị em du kích khênh xe lên đưa xuống đò rồi chở qua sông. Vài phút lúc này cũng quý!
Cuối giờ chiều mới về đến Đông Hà. Phim ảnh được xe ôtô chuyển ngay ra Hà Nội. Tôi ăn vội bát mì, nghỉ ngơi ít phút rồi ngồi xuống viết bài. Những suy nghĩ, tư liệu, hình ảnh đến một cách rất tự nhiên. Tôi viết một mạch bài “Đà Nẵng ngày đầu giải phóng” dài khoảng 5 trang viết tay. Khi tôi viết xong thì trời đã tối. Anh em kỹ thuật lên máy của xe thông tin, phát luôn về Hà Nội. Tôi đi nghỉ, yên trí là bài đã được gửi về.
Nhưng không may, thời tiết lúc đó xấu quá nên Hà Nội không nhận được bài và yêu cầu phát lại. Lại phải phát bằng máy 15 oát! Điều đó cũng có nghĩa là phải quay tay để điện báo viên phát bằng tín hiệu moóc cả một bài tường thuật dài! Cùng với mấy anh em còn lại ở hậu cứ, tôi lấy hết sức mình tham gia quay máy để phát bài về.
Đến 2 giờ sáng, Hà Nội mới nhận xong. Tôi lên giường ngủ thiếp đi đến khoảng 5 giờ sáng, một anh trong đoàn vào lay tôi dậy. Đài Tiếng nói Việt Nam đang đọc bài viết của tôi. Sau này, tôi được biết, đêm đó ở Hà Nội, bài viết đó điện về, được trang nào, các anh ở Hà Nội cho biên tập, đánh máy ngay trang đó. Sau đó, chuyển sang Đài Tiếng nói Việt Nam để thu âm luôn! Đó thực sự là một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo của tôi.
Từ Đông Hà, tôi quay lại Huế ít ngày, tập trung viết cho xong những bài khi vào Đà Nẵng còn đang làm dở như: “Về trong tình hòa hợp”, “Những người tự vệ thành Huế”, “Về thăm khu phố An Cựu”…
Khoảng một tuần sau, tôi cùng anh em trong tổ mũi nhọn - các anh Lâm Hồng Long, Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành, lái xe Ngô Trọng Bình và cậu Thái (điện báo) - rời Huế đi tiếp vào trong theo lệnh của Phó Tổng biên tập Đỗ Phượng. Tôi không thể ngờ được rằng, ít ngày sau, mình có cơ hội đến tận cửa ngõ Sài Gòn!
Tiến về Sài Gòn
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn như thấy trước mắt mình hình ảnh những chiếc xe tăng của Lữ đoàn 203 rời khỏi cánh rừng cao su ngoại vi Biên Hòa để hình thành mũi đột kích thọc sâu tiến vào trung tâm Sài Gòn. Lúc đó là ngày 29-4-1975. Trong nắng chiều, những lá cờ nửa đỏ nửa xanh tung bay trên những tháp pháo bết bụi đỏ. Những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn 66 vừa làm lễ nhận cờ quyết thắng, hành quân cùng với xe tăng, vừa đi vừa reo vang hai bên đường…
Tại Sở chỉ huy tiền phương của Quân đoàn 2, Tướng Nguyễn Hữu An, Tư lệnh trưởng, lặng lẽ lấy khăn ra lau cặp kính trắng, ngón tay anh khẽ run run, cặp mắt đỏ ngầu vì mất ngủ không giấu được nỗi xúc động. Chính ủy Sư đoàn 304 Trần Bình, người đã đón tổ phóng viên chiến trường của TTXVN hành quân cùng với Bộ Tư lệnh tiền phương của mặt trận phía đông, cũng bồn chồn không kém. Tôi hiểu được tâm trạng của những người cầm quân khi biết rằng thời khắc lịch sử đang đến.
Vành đai phòng thủ cuối cùng đã bị đập tan. Chiến thắng cuối cùng đang được tính từng giờ.
Mấy ngày trước đó, những trận đánh ở cửa ngõ phía đông diễn ra rất quyết liệt. Chúng tôi đã ở cùng với Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân đoàn 2 ngay sát căn cứ Nước Trong, một trong những điểm kháng cự cuối cùng của quân Sài Gòn.
Ngay trong tầm đạn bắn thẳng của đối phương suốt mấy ngày đêm liền, những tướng lĩnh dày dạn trận mạc vừa lo những trận đánh trước mắt, vừa lo giải quyết những yêu cầu chiến dịch: phối hợp giữa các cánh quân từ nhiều hướng, tìm cách đánh sao cho ít gây thiệt hại nhất cho con người và để thành phố không bị tàn phá, kiềm chếâ hỏa lực của đối phương, khống chế các sân bay, chiếm giữ các cầu trên đường hành tiến…
Chúng tôi hành quân theo đội hình của mũi đột kích thọc sâu, gồm lữ đoàn xe tăng 203 và trung đoàn bộ binh 66. Chiếc xe commăngca Liên Xô cũ kỹ của tổ phóng viên lọt thỏm giữa những chiếc tăng T54, xe thiết giáp, xe tải quân sự GMC to lớn. Cả đoàn quân tiến về phía xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn. Các đơn vị đặc công đã chiếm toàn bộ cầu trên xa lộ. Những ổ kháng cự cuối cùng vẫn đang còn. Tiếng súng rộn lên ở phía trước báo hiệu các trận đánh vẫn đang tiếp diễn-những trận đánh cuối cùng của chiến tranh.
Xe chúng tôi dừng lại ở một ngã ba. Bên một chiếc xe tăng tháp pháo còn ghi rõ hai chữ “Thần tốc”, những người lính trẻ đang chia nhau những mẩu lương khô. Phía xa hơn, một xe tải của bộ binh chở đầy những hòm đạn đang tìm cách vượt lên. Đám lính tăng reo hò: Cho chúng em xin một kiểu ảnh gửi về quê các nhà báo ơi! Khi bấm máy chụp cho những người lính, trong tôi nhói lên một ý nghĩ: Ai trong số họ sẽ là những người hy sinh trong những khoảnh khắc cuối cùng này?
Đêm ấy, chúng tôi ngủ trong cánh rừng cao su ở ngoại ô Biên Hòa. Qua tán lá cây, tôi nhìn lên bầu trời đêm lấp lánh những ngôi sao, trằn trọc. Mặt đất ầm vang tiếng rền của đủ loại vũ khí. Lệnh hành quân có thể đến bất cứ lúc nào. Ngày mai chúng tôi sẽ vào Sài Gòn. Nỗi lo lắng về công việc đè nặng. Và cả ý nghĩ rằng mình có thể hy sinh…
Trên tất cả, mỗi chúng tôi đều biết rằng mình đang trải qua những thời khắc không thể nào quên. Biết bao thế hệ người Việt Nam đã hy sinh vì nền độc lập của đất nước. Trên một mảnh đất mà “những đạo quân bước song song cùng lịch sử” nay rất nhiều người đã không có mặt để chứng kiến giờ phút này.
Đêm nay, trên khắp đất nước Việt Nam, hàng triệu mái nhà có lẽ vẫn đang sáng đèn, hàng triệu gia đình cũng không ngủ được. Tôi nhớ đến những ngày cùng với cánh quân phía đông vào giải phóng Huế, Đà Nẵng và những thành phố dọc miền Trung Phan Rang, Phan Thiết, Quy Nhơn, Nha Trang… Tất cả diễn ra chỉ trong vòng một tháng. Lịch sử đang đi với tốc độ một ngày bằng nhiều thập kỷ.
Rạng sáng ngày 30-4-1975, một mũi đột kích tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Chúng tôi qua cầu xa lộ lớn trên sông Đồng Nai từ sớm. Mệnh lệnh truyền xuống: Vừa đánh vừa tiến vào trung tâm. Những ổ kháng cự nhỏ hai bên đường vẫn bắn ra. Nhiều đoạn trên xa lộ, chiếc xe nhỏ của chúng tôi phải áp vào sườn xe tăng, lúc bên phải, lúc bên trái để tránh đạn bắn thẳng. Mục tiêu là Dinh Độc Lập.
Từng đoàn xe nối đuôi nhau. Xe tăng dẫn đầu, rồi đến xe thiết giáp, xe chở bộ binh. Pháo 130 ly bắn yểm trợ dọc hai bên đường. Những đám khói đen đặc cuộn lên. Có đoạn xe tăng phải hạ nòng bắn thẳng vào tàu chiến của quân đội Sài Gòn đang rút chạy.
Từ trong thành phố, từng đoàn người dân bị dồn ép đang bung ra, đi ngược chiều về phía Biên Hòa bằng đủ mọi phương tiện. Dòng người cuồn cuộn trên xa lộ, dài cả chục cây số. Một cơn mưa lớn ập đến. Không mặc áo mưa, đồng bào vẫn đứng ở hai bên đường, reo hò, vẫy chào quân giải phóng…
Vào một lúc dừng xe trên xa lộ, người sĩ quan của Sư đoàn 304 đi cùng xe với chúng tôi mở đài. Tướng Dương Văn Minh đang ra lệnh cho quân đội Sài Gòn ngừng bắn - một mệnh lệnh quá muộn màng khi thất bại cuối cùng chỉ còn tính từng giờ.
Chúng tôi bám sát đội hình hành quân, tiến vào trung tâm thành phố. Sài Gòn đây rồi! Đường Lê Văn Duyệt rộng là thế, bây giờ như nhỏ lại, không đủ sức chứa cả đoàn quân. Đồng bào đổ ra chật kín hai bên đường phố. Những lá cờ cách mạng, được chuẩn bị âm thầm bao lâu nay trong từng ngôi nhà, giờ tung bay trong nắng. Giữa bốn bề âm thanh náo nhiệt, tưng bừng, tôi nghe rất rõ tiếng những lá cờ bay.
Tôi nhớ đến lễ trao cờ trước giờ xuất kích của các chiến sĩ binh đoàn 66, đơn vị chủ công đánh vào Sài Gòn từ phía đông mà tôi có dịp chứng kiến. Giữa rừng cao su xanh mướt, những người lính đứng lặng yên bên những chiếc xe tăng và những khẩu pháo, nghe lời dặn dò của Tư lệnh Trưởng:
- Các đồng chí hãy đem lá cờ Quyết chiến Quyết thắng cắm lên nóc Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, cái đích cuối cùng của cuộc hành quân của biết bao thế hệ vì độc lập, thống nhất của đất nước chúng ta!
Dòng người cuồn cuộn trên các ngả đường cuốn chúng tôi đi. Một em bé trai tên là Nguyễn Dũng, nhà ở phố Tôn Thọ Tường trèo ngay lên xe ôm lấy tôi, rồi thò đầu ra ngoài, vẫy tay la lớn: - Ước mong sao, giờ đến ngày chiến thắng.
Bác Lê Văn Cương, thợ may, nhà ở trên xa lộ, cùng hàng trăm thanh niên phóng xe đi theo đoàn quân vào trung tâm thành phố. Vừa vịn tay lên thành xe của chúng tôi, bác hát rất say sưa một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao “Trùng trùng say trong câu hát. Lớp lớp đoàn quân tiến về…”. Những người dân cùng những người lính chúng tôi hát theo bác.
Xe chúng tôi lao về phía Dinh Độc Lập. Người lái xe lúng túng vì thành phố quá lớn và có rất nhiều ngả đường. Sau mấy lần được chỉ dẫn, chúng tôi cũng đến nơi. Những chiếc xe tăng đi đầu đã đến đó trước. Cánh cửa sắt của Dinh Độc Lập bị hất tung. Nội các của tướng Dương Văn Minh đã đầu hàng không điều kiện.
Chúng tôi gặp trên tầng hai những nhân vật chủ chốt trong nội các: Dương Văn Minh với bộ đồ màu nâu, áo ngắn tay quen thuộc; Nguyễn Văn Huyền, “Phó Tổng thống” già nua; Vũ Văn Mẫu, “Thủ tướng”… Họ ngồi đó, ủ rũ, đăm chiêu. Về việc họ muốn bàn giao chính quyền, đại diện các lực lượng vũ trang đã trả lời câu nói đi vào lịch sử:
- Các ông không thể bàn giao cái mà các ông không có trong tay!
Khi chúng tôi tiến vào tổng dinh, một nhà báo phương Tây nhận ra các đồng nghiệp đã tung một chiếc máy ảnh lên trời tỏ ý vui mừng. Boris Gannep, một nhà báo Đức làm việc cho tờ Tiến bộ, nói với tôi:
-Tôi chờ ngày này đã lâu. Thật là một thắng lợi kỳ diệu!
Sau khi đã ghi lại hình ảnh và tư liệu tại Dinh Độc Lập vào một thời điểm lịch sử, tôi cùng nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo, mượn chiếc xe còn tốt của Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, Tướng Hoàng Đan, đi tới các nơi khác trong thành phố: Đại sứ quán Mỹ trên đường Thống Nhất - Mạc Đĩnh Chi tan hoang, còn nguyên dấu vết của một cuộc rút chạy tán loạn.
Tại Phủ Thủ tướng ngụy Sài Gòn, giấy tờ, con dấu vứt bừa bãi dưới sàn. Trụ sở Bộ Quốc phòng ngổn ngang hàng chục xe Jeep đủ loại. Tổng Nha cảnh sát đầy ắp súng ống. Văn phòng Tướng Cao Văn Viên tại Bộ Tổng tham mưu còn cả những mẩu bánh mỳ ăn dở vứt trên bàn… Chúng tôi qua chợ Bến Thành, qua bến Nhà Rồng, đi dọc đường Nguyễn Huệ…
Đâu đâu cũng gặp những biển người sôi động, niềm vui, nụ cười và cả những giọt nước mắt mừng vui. Cả thành phố thực sự sống trong một ngày hội lớn. Chúng tôi trở về Dinh Độc Lập vào lúc cuối chiều và ngồi viết bài tường thuật của mình. Khi tôi hoàn thành bài viết thì màn đêm cũng đã buông xuống. Cả Sài Gòn sáng ánh điện. Những trái pháo sáng-một thứ pháo hoa đặc biệt vọt lên và tỏa sáng trên bầu trời thành phố.
Đêm ấy, cả Sài Gòn cũng như mọi miền đất nước Việt Nam, là một đêm không ngủ./.
Vietnam+ xin đăng lược trích bài viết của Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Trần Mai Hưởng in trong cuốn "Thông tấn xã Việt Nam với Đại thắng mùa xuân” kể về những chiến công hiển hách đó trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc.
Giữa tháng 3-1975, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, không khí ở Hà Nội rất sôi nổi. Mọi người đều biết một chiến dịch lớn đã bắt đầu. Tại cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, các mũi công tác tăng cường cho chiến trường gấp rút được chuẩn bị.
Một buổi chiều, tôi nghe nói, cùng với đoàn của Tổng Giám đốc Đào Tùng đi Nam Bộ, sắp có một đoàn lớn đi mặt trận Trị Thiên, nơi năm 1972-1973 tôi đã từng công tác và có nhiều gắn bó. Tôi tìm gặp lãnh đạo cơ quan khi đó là Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng để xin trình bày nguyện vọng đi theo chiến dịch và thật may mắn nhận được sự chấp thuận. Thế là chúng tôi lên đường...
Huế đỏ cờ bay
Chiều 26-3-1975, trên đường vào Huế, đến Mỹ Chánh thì xe com-măng-ca chở anh em không đi tiếp được. Cầu đã bị địch phá hỏng. Cả tổ quyết định đi bộ. Trời tối dần. Vùng địch mới rút. Không giao liên, không lực lượng đi cùng. Chỉ vài anh em trong đoàn có súng ngắn. Tất cả nhắm hướng thành phố mà rảo bước. Cần có mặt ở Huế sớm nhất trong khoảnh khắc lịch sử này!
Chúng tôi hành quân suốt đêm. Sau này nhìn lại bản đồ, quãng đường đó dài khoảng 36km. Rạng sáng thì chúng tôi đến Huế. Sát ngoại ô, một chiếc xe lam chở khách ngang qua. Người lái hồ hởi mời anh em lên xe. Và thế là, trên chiếc xe đó, chúng tôi tiến vào Huế giải phóng. Khi nhìn thấy cầu Tràng Tiền, sông Hương, núi Ngự, đỉnh Phu Văn Lâu… chan hòa trong nắng sớm, những gương mặt hồ hởi của người dân cố đô đón chào đoàn quân giải phóng, tôi thấy như trong một giấc mơ vậy!
Chúng tôi chia nhau tỏa về các hướng. Mọi người hẹn nhau: Buổi trưa quay lại Ngọ Môn để thu thập tin bài, ảnh sau đó cử người đem về Đông Hà. Bài ghi nhanh đầu tiên ấy được bắt đầu với tựa đề “Sáng xuân Huế đỏ cờ bay…”. Bài viết được hoàn thành chỉ trong hơn một giờ đồng hồ với ba trang giấy mỏng trong tâm trạng xúc động. Những ý nghĩ về hiện tại và quá khứ hào hùng của mảnh đất cố đô cứ nối nhau kéo đến. Tôi chỉ kịp đọc qua một lượt trước khi trao cho anh em trong tổ chuyển về Đông Hà. Khi ngẩng lên, tôi mới nhận ra một số thanh niên nam nữ đang tò mò đứng xung quanh xem chúng tôi làm việc. Có lẽ, nhiều người trong số họ lần đầu tiên nhìn thấy các nhà báo giải phóng!
Bài viết, ảnh chụp của tổ mũi nhọn được gửi về kịp thời. Đây là những thông tin trực tiếp đầu tiên có được về Huế giải phóng. Các báo đều sử dụng hình ảnh của anh em trong tổ trên trang nhất. Bài ghi nhanh “Huế đỏ cờ bay” của tôi được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc ngay buổi tối phát về; báo Nhân dân và một số tờ báo khác ở Hà Nội đăng lại ngay hôm sau. Một sự khởi đầu tốt đẹp cho tất cả mọi người!
Vào Đà Nẵng giải phóng
Chúng tôi ở Huế đến sáng 29-3, đang lo viết thêm bài vở, chụp ảnh để gửi tiếp về Tổng xã, thì nghe tin địch đang rút chạy khỏi Đà Nẵng. Chúng tôi bèn quyết định đi tiếp vào Đà Nẵng bằng hai chiếc xe Honda mượn của Ủy ban quân quản Huế. Rất may là hôm trước, chúng tôi được mấy anh em tự vệ dạy lái xe Honda!
Bằng mọi giá phải vào được Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai ở miền Nam trong ngày giải phóng. Rất may là mọi chuyện đều ổn. Chúng tôi đến nơi vào cuối chiều và ngay lập tức bắt tay vào công việc. Tôi đi cùng anh Lâm Hồng Long đến những địa điểm chủ yếu như quân cảng, cầu Trịnh Minh Thế, sân bay, trung tâm chỉ huy của tướng Ngô Quang Trưởng… Trên đường đi, tôi mới biết một điều rất thú vị: Gần hai mươi năm trước, anh Long tham gia hoạt động cách mạng và bị địch bắt giam ở nhà lao Con Gà tại chính thành phố này. Và người phụ nữ đã cùng anh đính ước, từ Phan Thiết quê nhà, vẫn ra tận ngoài này thăm nuôi anh… Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ sẽ phải đưa chi tiết độc đáo này vào trong bài tường thuật của mình.
Ngày hôm sau, chúng tôi hội quân ở Ủy ban Quân quản Đà Nẵng với nhóm của các anh Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành đi thẳng từ Hà Nội vào. Các anh đi bằng xe com-măng-ca của Tổng xã do anh Quỳ lái. Tôi bàn với các anh để tôi quay về Đông Hà ngay. Tôi cần về viết và gửi bài, vì điện đài vẫn ở đó đồng thời mang theo phim chụp của cả tổ để chuyển tiếp ra Hà Nội.
Gần trưa, tôi mang ba lô, trong có phim ảnh, tư liệu, đưa xe Honda lên xe Commăngca, cùng anh Quỳ lên đường về Đông Hà. Điều tôi dự đoán không sai. Đến Lăng Cô, xe ô tô không tài nào đi được. Lý do rất đơn giản: Từng đoàn xe tăng, thiết giáp, xe tải chở quân, xe cầu phà của công binh… từ hướng bắc kéo vào ùn ùn. Dòng xe gần như vô tận.
Các binh đoàn chủ lực được lệnh hành quân thần tốc vào trong và trên cây cầu một chiều, không thể có chỗ cho một chiếc xe ngược ra. Không thể chờ, tôi đành chia tay anh Quỳ, hạ xe Honda xuống, buộc ba lô phía sau, lách qua cầu rồi phóng hết tốc lực về Đông Hà. Có những đoạn đường tắc, cầu hẹp, tôi nhờ anh chị em du kích khênh xe lên đưa xuống đò rồi chở qua sông. Vài phút lúc này cũng quý!
Cuối giờ chiều mới về đến Đông Hà. Phim ảnh được xe ôtô chuyển ngay ra Hà Nội. Tôi ăn vội bát mì, nghỉ ngơi ít phút rồi ngồi xuống viết bài. Những suy nghĩ, tư liệu, hình ảnh đến một cách rất tự nhiên. Tôi viết một mạch bài “Đà Nẵng ngày đầu giải phóng” dài khoảng 5 trang viết tay. Khi tôi viết xong thì trời đã tối. Anh em kỹ thuật lên máy của xe thông tin, phát luôn về Hà Nội. Tôi đi nghỉ, yên trí là bài đã được gửi về.
Nhưng không may, thời tiết lúc đó xấu quá nên Hà Nội không nhận được bài và yêu cầu phát lại. Lại phải phát bằng máy 15 oát! Điều đó cũng có nghĩa là phải quay tay để điện báo viên phát bằng tín hiệu moóc cả một bài tường thuật dài! Cùng với mấy anh em còn lại ở hậu cứ, tôi lấy hết sức mình tham gia quay máy để phát bài về.
Đến 2 giờ sáng, Hà Nội mới nhận xong. Tôi lên giường ngủ thiếp đi đến khoảng 5 giờ sáng, một anh trong đoàn vào lay tôi dậy. Đài Tiếng nói Việt Nam đang đọc bài viết của tôi. Sau này, tôi được biết, đêm đó ở Hà Nội, bài viết đó điện về, được trang nào, các anh ở Hà Nội cho biên tập, đánh máy ngay trang đó. Sau đó, chuyển sang Đài Tiếng nói Việt Nam để thu âm luôn! Đó thực sự là một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo của tôi.
Từ Đông Hà, tôi quay lại Huế ít ngày, tập trung viết cho xong những bài khi vào Đà Nẵng còn đang làm dở như: “Về trong tình hòa hợp”, “Những người tự vệ thành Huế”, “Về thăm khu phố An Cựu”…
Khoảng một tuần sau, tôi cùng anh em trong tổ mũi nhọn - các anh Lâm Hồng Long, Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành, lái xe Ngô Trọng Bình và cậu Thái (điện báo) - rời Huế đi tiếp vào trong theo lệnh của Phó Tổng biên tập Đỗ Phượng. Tôi không thể ngờ được rằng, ít ngày sau, mình có cơ hội đến tận cửa ngõ Sài Gòn!
Tiến về Sài Gòn
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn như thấy trước mắt mình hình ảnh những chiếc xe tăng của Lữ đoàn 203 rời khỏi cánh rừng cao su ngoại vi Biên Hòa để hình thành mũi đột kích thọc sâu tiến vào trung tâm Sài Gòn. Lúc đó là ngày 29-4-1975. Trong nắng chiều, những lá cờ nửa đỏ nửa xanh tung bay trên những tháp pháo bết bụi đỏ. Những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn 66 vừa làm lễ nhận cờ quyết thắng, hành quân cùng với xe tăng, vừa đi vừa reo vang hai bên đường…
Tại Sở chỉ huy tiền phương của Quân đoàn 2, Tướng Nguyễn Hữu An, Tư lệnh trưởng, lặng lẽ lấy khăn ra lau cặp kính trắng, ngón tay anh khẽ run run, cặp mắt đỏ ngầu vì mất ngủ không giấu được nỗi xúc động. Chính ủy Sư đoàn 304 Trần Bình, người đã đón tổ phóng viên chiến trường của TTXVN hành quân cùng với Bộ Tư lệnh tiền phương của mặt trận phía đông, cũng bồn chồn không kém. Tôi hiểu được tâm trạng của những người cầm quân khi biết rằng thời khắc lịch sử đang đến.
Vành đai phòng thủ cuối cùng đã bị đập tan. Chiến thắng cuối cùng đang được tính từng giờ.
Mấy ngày trước đó, những trận đánh ở cửa ngõ phía đông diễn ra rất quyết liệt. Chúng tôi đã ở cùng với Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân đoàn 2 ngay sát căn cứ Nước Trong, một trong những điểm kháng cự cuối cùng của quân Sài Gòn.
Ngay trong tầm đạn bắn thẳng của đối phương suốt mấy ngày đêm liền, những tướng lĩnh dày dạn trận mạc vừa lo những trận đánh trước mắt, vừa lo giải quyết những yêu cầu chiến dịch: phối hợp giữa các cánh quân từ nhiều hướng, tìm cách đánh sao cho ít gây thiệt hại nhất cho con người và để thành phố không bị tàn phá, kiềm chếâ hỏa lực của đối phương, khống chế các sân bay, chiếm giữ các cầu trên đường hành tiến…
Chúng tôi hành quân theo đội hình của mũi đột kích thọc sâu, gồm lữ đoàn xe tăng 203 và trung đoàn bộ binh 66. Chiếc xe commăngca Liên Xô cũ kỹ của tổ phóng viên lọt thỏm giữa những chiếc tăng T54, xe thiết giáp, xe tải quân sự GMC to lớn. Cả đoàn quân tiến về phía xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn. Các đơn vị đặc công đã chiếm toàn bộ cầu trên xa lộ. Những ổ kháng cự cuối cùng vẫn đang còn. Tiếng súng rộn lên ở phía trước báo hiệu các trận đánh vẫn đang tiếp diễn-những trận đánh cuối cùng của chiến tranh.
Xe chúng tôi dừng lại ở một ngã ba. Bên một chiếc xe tăng tháp pháo còn ghi rõ hai chữ “Thần tốc”, những người lính trẻ đang chia nhau những mẩu lương khô. Phía xa hơn, một xe tải của bộ binh chở đầy những hòm đạn đang tìm cách vượt lên. Đám lính tăng reo hò: Cho chúng em xin một kiểu ảnh gửi về quê các nhà báo ơi! Khi bấm máy chụp cho những người lính, trong tôi nhói lên một ý nghĩ: Ai trong số họ sẽ là những người hy sinh trong những khoảnh khắc cuối cùng này?
Đêm ấy, chúng tôi ngủ trong cánh rừng cao su ở ngoại ô Biên Hòa. Qua tán lá cây, tôi nhìn lên bầu trời đêm lấp lánh những ngôi sao, trằn trọc. Mặt đất ầm vang tiếng rền của đủ loại vũ khí. Lệnh hành quân có thể đến bất cứ lúc nào. Ngày mai chúng tôi sẽ vào Sài Gòn. Nỗi lo lắng về công việc đè nặng. Và cả ý nghĩ rằng mình có thể hy sinh…
Trên tất cả, mỗi chúng tôi đều biết rằng mình đang trải qua những thời khắc không thể nào quên. Biết bao thế hệ người Việt Nam đã hy sinh vì nền độc lập của đất nước. Trên một mảnh đất mà “những đạo quân bước song song cùng lịch sử” nay rất nhiều người đã không có mặt để chứng kiến giờ phút này.
Đêm nay, trên khắp đất nước Việt Nam, hàng triệu mái nhà có lẽ vẫn đang sáng đèn, hàng triệu gia đình cũng không ngủ được. Tôi nhớ đến những ngày cùng với cánh quân phía đông vào giải phóng Huế, Đà Nẵng và những thành phố dọc miền Trung Phan Rang, Phan Thiết, Quy Nhơn, Nha Trang… Tất cả diễn ra chỉ trong vòng một tháng. Lịch sử đang đi với tốc độ một ngày bằng nhiều thập kỷ.
Rạng sáng ngày 30-4-1975, một mũi đột kích tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Chúng tôi qua cầu xa lộ lớn trên sông Đồng Nai từ sớm. Mệnh lệnh truyền xuống: Vừa đánh vừa tiến vào trung tâm. Những ổ kháng cự nhỏ hai bên đường vẫn bắn ra. Nhiều đoạn trên xa lộ, chiếc xe nhỏ của chúng tôi phải áp vào sườn xe tăng, lúc bên phải, lúc bên trái để tránh đạn bắn thẳng. Mục tiêu là Dinh Độc Lập.
Từng đoàn xe nối đuôi nhau. Xe tăng dẫn đầu, rồi đến xe thiết giáp, xe chở bộ binh. Pháo 130 ly bắn yểm trợ dọc hai bên đường. Những đám khói đen đặc cuộn lên. Có đoạn xe tăng phải hạ nòng bắn thẳng vào tàu chiến của quân đội Sài Gòn đang rút chạy.
Từ trong thành phố, từng đoàn người dân bị dồn ép đang bung ra, đi ngược chiều về phía Biên Hòa bằng đủ mọi phương tiện. Dòng người cuồn cuộn trên xa lộ, dài cả chục cây số. Một cơn mưa lớn ập đến. Không mặc áo mưa, đồng bào vẫn đứng ở hai bên đường, reo hò, vẫy chào quân giải phóng…
Vào một lúc dừng xe trên xa lộ, người sĩ quan của Sư đoàn 304 đi cùng xe với chúng tôi mở đài. Tướng Dương Văn Minh đang ra lệnh cho quân đội Sài Gòn ngừng bắn - một mệnh lệnh quá muộn màng khi thất bại cuối cùng chỉ còn tính từng giờ.
Chúng tôi bám sát đội hình hành quân, tiến vào trung tâm thành phố. Sài Gòn đây rồi! Đường Lê Văn Duyệt rộng là thế, bây giờ như nhỏ lại, không đủ sức chứa cả đoàn quân. Đồng bào đổ ra chật kín hai bên đường phố. Những lá cờ cách mạng, được chuẩn bị âm thầm bao lâu nay trong từng ngôi nhà, giờ tung bay trong nắng. Giữa bốn bề âm thanh náo nhiệt, tưng bừng, tôi nghe rất rõ tiếng những lá cờ bay.
Tôi nhớ đến lễ trao cờ trước giờ xuất kích của các chiến sĩ binh đoàn 66, đơn vị chủ công đánh vào Sài Gòn từ phía đông mà tôi có dịp chứng kiến. Giữa rừng cao su xanh mướt, những người lính đứng lặng yên bên những chiếc xe tăng và những khẩu pháo, nghe lời dặn dò của Tư lệnh Trưởng:
- Các đồng chí hãy đem lá cờ Quyết chiến Quyết thắng cắm lên nóc Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, cái đích cuối cùng của cuộc hành quân của biết bao thế hệ vì độc lập, thống nhất của đất nước chúng ta!
Dòng người cuồn cuộn trên các ngả đường cuốn chúng tôi đi. Một em bé trai tên là Nguyễn Dũng, nhà ở phố Tôn Thọ Tường trèo ngay lên xe ôm lấy tôi, rồi thò đầu ra ngoài, vẫy tay la lớn: - Ước mong sao, giờ đến ngày chiến thắng.
Bác Lê Văn Cương, thợ may, nhà ở trên xa lộ, cùng hàng trăm thanh niên phóng xe đi theo đoàn quân vào trung tâm thành phố. Vừa vịn tay lên thành xe của chúng tôi, bác hát rất say sưa một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao “Trùng trùng say trong câu hát. Lớp lớp đoàn quân tiến về…”. Những người dân cùng những người lính chúng tôi hát theo bác.
Xe chúng tôi lao về phía Dinh Độc Lập. Người lái xe lúng túng vì thành phố quá lớn và có rất nhiều ngả đường. Sau mấy lần được chỉ dẫn, chúng tôi cũng đến nơi. Những chiếc xe tăng đi đầu đã đến đó trước. Cánh cửa sắt của Dinh Độc Lập bị hất tung. Nội các của tướng Dương Văn Minh đã đầu hàng không điều kiện.
Chúng tôi gặp trên tầng hai những nhân vật chủ chốt trong nội các: Dương Văn Minh với bộ đồ màu nâu, áo ngắn tay quen thuộc; Nguyễn Văn Huyền, “Phó Tổng thống” già nua; Vũ Văn Mẫu, “Thủ tướng”… Họ ngồi đó, ủ rũ, đăm chiêu. Về việc họ muốn bàn giao chính quyền, đại diện các lực lượng vũ trang đã trả lời câu nói đi vào lịch sử:
- Các ông không thể bàn giao cái mà các ông không có trong tay!
Khi chúng tôi tiến vào tổng dinh, một nhà báo phương Tây nhận ra các đồng nghiệp đã tung một chiếc máy ảnh lên trời tỏ ý vui mừng. Boris Gannep, một nhà báo Đức làm việc cho tờ Tiến bộ, nói với tôi:
-Tôi chờ ngày này đã lâu. Thật là một thắng lợi kỳ diệu!
Sau khi đã ghi lại hình ảnh và tư liệu tại Dinh Độc Lập vào một thời điểm lịch sử, tôi cùng nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo, mượn chiếc xe còn tốt của Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, Tướng Hoàng Đan, đi tới các nơi khác trong thành phố: Đại sứ quán Mỹ trên đường Thống Nhất - Mạc Đĩnh Chi tan hoang, còn nguyên dấu vết của một cuộc rút chạy tán loạn.
Tại Phủ Thủ tướng ngụy Sài Gòn, giấy tờ, con dấu vứt bừa bãi dưới sàn. Trụ sở Bộ Quốc phòng ngổn ngang hàng chục xe Jeep đủ loại. Tổng Nha cảnh sát đầy ắp súng ống. Văn phòng Tướng Cao Văn Viên tại Bộ Tổng tham mưu còn cả những mẩu bánh mỳ ăn dở vứt trên bàn… Chúng tôi qua chợ Bến Thành, qua bến Nhà Rồng, đi dọc đường Nguyễn Huệ…
Đâu đâu cũng gặp những biển người sôi động, niềm vui, nụ cười và cả những giọt nước mắt mừng vui. Cả thành phố thực sự sống trong một ngày hội lớn. Chúng tôi trở về Dinh Độc Lập vào lúc cuối chiều và ngồi viết bài tường thuật của mình. Khi tôi hoàn thành bài viết thì màn đêm cũng đã buông xuống. Cả Sài Gòn sáng ánh điện. Những trái pháo sáng-một thứ pháo hoa đặc biệt vọt lên và tỏa sáng trên bầu trời thành phố.
Đêm ấy, cả Sài Gòn cũng như mọi miền đất nước Việt Nam, là một đêm không ngủ./.
Trần Mai Hưởng (Tổng Giám đốc TTXVN)