Hong Kong nguy cơ thiếu hụt lao động và già hóa dân số

Trung tâm Nghiên cứu Bauhinia cho biết trong 17 năm tới, Đặc khu này sẽ thiếu khoảng 500.000 lao động và tỷ lệ dân số già tăng cao.

Trung tâm Nghiên cứu Bauhinia thuộc Đặc khu Hành chính Hong Kong của Trung Quốc cho biết, trong 17 năm tới, Đặc khu này sẽ thiếu khoảng 500.000 lao động.

Nhật báo châu Á-Thái Bình Dương dẫn báo cáo nghiên cứu ''Dân số và nhu cầu nhân lực của Hong Kong đến năm 2030'' của Trung tâm trên, cho thấy những diễn biến về mức sống mới nhất ở Hong Kong.

Báo cáo phân tích đến năm 2031, dân số Hong Kong phải đối mặt với ba thách thức lớn, bao gồm: thứ nhất, già hóa dân số, tức là cứ 1.000 người ở độ tuổi 15-64 phải nuôi dưỡng 578 người ở độ tuổi dưới 15 hoặc trên 65; thứ hai, lực lượng lao động giảm còn 3,5 triệu người, và cần thêm khoảng 500.000 lao động mới; thứ ba, khó thu hút nhân tài.

Báo cáo cũng cho biết đến năm 2031, tỷ lệ sinh ở Hong Kong là 1,19%, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để duy trì dân số tại khu vực này. Để bù đắp sự thiếu hụt đó, trung bình mỗi người phụ nữ Hong Kong phải sinh 2,1 trẻ em.

Khảo sát cho thấy chi phí nuôi dưỡng một đứa trẻ có khả năng tăng từ bốn triệu dolar Hong Kong lên 8,6 triệu dolar Hong Kong, cao hơn rất nhiều so với chi phí tương tự ở Anh và Singapore lần lượt là ba triệu và hai triệu dolar Hong Kong.

Theo đó, chi phí nuôi dưỡng một đứa trẻ từ khi sinh ra đến khi tốt nghiệp đại học ở các gia đình trung lưu lên tới 5,5 triệu dolar Hong Kong. Nếu tính thêm lạm phát, tổng chi phí có thể lên tới 8,6 triệu dolar Hong Kong.


Báo cáo kiến nghị chính quyền Đặc khu nên xem xét lại chính sách di dân và nhập cư; khuyến khích các bậc phụ huynh người Trung Quốc Đại lục, vốn đã sinh con tại Hong Kong và có tiềm lực tài chính, trình độ học vấn cao, đến Đặc khu một cách có trật tự; đồng thời thu hút nhân tài ở các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á cũng như người Hong Kong trên thế giới…

Ông Lưu Minh Vĩ, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Bauhinia cho biết, theo kinh nghiệm của Anh và Australia, tỷ lệ sinh của phụ nữ di dân cao hơn phụ nữ bản địa, cộng thêm chính sách di dân và nhập cảnh phù hợp, chính quyền Đặc khu có thể kiểm soát việc thu hút nhân tài. Do vậy, tăng cường chính sách di dân vừa giúp Hong Kong tăng tỷ lệ sinh, vừa giúp bổ sung nguồn lao động chất lượng cao.

Khi đề cập việc những em bé Trung Quốc đại lục được sinh ra tại Hong Kong sẽ gây ra các vấn đề xã hội như y tế, giáo dục và quỹ nhà ở… cũng như việc khởi xướng để cha mẹ những em bé này trở thành cư dân Hong Kong liệu có làm gia tăng mâu thuẫn xã hội, ông Lưu Minh Vĩ cho rằng dư luận không nên chỉ nhìn vào những mặt tiêu cực.

Ông Lưu Minh Vĩ trích dẫn số liệu của Chính quyền Hong Kong cho thấy hơn 60% phụ huynh người Trung Quốc Đại lục có trình độ học vấn cao đẳng trở lên. Sau khi đến Hong Kong những người này có thể bổ sung nguồn lao động cũng như giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp hơn mức cần thiết ở thành phố này. Đây có thể coi là phương thức hiệu quả để giải quyết vấn đề dân số của Đặc khu.

Theo ông Lưu Minh Vĩ, trong những năm tới Hong Kong cần thu hút số lượng lớn người nhập cư và không nên quy định mức trần dân số.

Ông nói: ''Trần dân số chỉ là một cách nói của chủ nghĩa bài xích… Hong Kong luôn phát triển và sẽ tiếp tục xây mới cũng như sửa chữa các khu nhà nên có năng lực tiếp nhận nhiều người hơn.''

Ông Lưu thừa nhận chính sách dân số ''không đơn thuần chỉ là các con số,'' chính quyền Đặc khu cần xem xét đến cảm nhận của người dân để đi đến nhận thức chung xã hội.

Ông này cũng kêu gọi Chính quyền Đặc khu cần nghiên cứu cụ thể chính sách dân số hiện nay, đồng thời tính toán đến khoản thu chi tài chính cần thiết, bao gồm số liệu nguồn lao động, chi trả chăm sóc y tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục