Sáng 13/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ về chính sách xã hội đã chủ trì cuộc họp với các thành viên để đánh giá kết quả thực hiện trong năm 2018.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ đã tạo nền tảng quan trọng về nhận thức và thực tiễn thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, an sinh xã hội đối với các cấp chính quyền, người dân, góp phần cải cách chính sách xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển xã hội.
Năm 2018, các cấp ủy Đảng, các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai, bảo đảm giải quyết tốt các mục tiêu xã hội phù hợp với tăng trưởng kinh tế, điều kiện cụ thể của địa phương.
Hệ thống chính sách, pháp luật tiếp tục được hoàn thiện theo hướng mở rộng hơn quyền được hưởng và mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội, phúc lợi xã hội, an sinh xã hội cho người dân.
Nguồn lực thực hiện được tăng cường, nguồn vốn cho việc triển khai thực hiện được Chính phủ, các địa phương ưu tiên bố trí, xã hội quan tâm, đóng góp, huy động.
[Lao động Việt Nam 'rộng cửa' làm việc tại thị trường Nhật Bản]
Đời sống vật chất tinh thần của người có công và gia đình, người nghèo, dân tộc thiểu số, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được cải thiện. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách về người có công, an sinh xã hội ở các địa phương đã đi vào thực chất, đa số người dân đã hiểu biết, nắm được chính sách do đó làm tăng khả năng tiếp cận, giám sát thực hiện tại cơ sở.
Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đã cơ bản hoàn thành và vượt so với Nghị quyết. So với kế hoạch hành động của Chính phủ ban hành trong Nghị quyết 70/NQ-TW, đến nay đã hoàn thành 19/22 đề án, 3 đề án đang triển khai.
Đến hết năm 2018, 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp thường xuyên. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35% (giảm 1,35% so với năm 2017), trong đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35% (giảm khoảng 5% so với năm 2017); bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm 3-4% so với cuối năm 2017... Đồng thời, cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 2,8 triệu người...
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở thống kê đến tháng 9 năm 2018 là 55,2 triệu người, tăng 581,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,2%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 1,46%.
Ước năm 2018, Quỹ quốc gia về việc làm đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 160.000 lao động. Số người tham gia bảo hiểm xã hội là 14,63 triệu người, chiếm 26,55% lực lượng lao động, tăng 810 nghìn người so với năm 2017. Số người tham gia bảo hiểm xã hội thất nghiệp ước đạt 12,54 triệu người, chiếm 22,75% lực lượng lao động, tăng 764 nghìn người so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, công tác triển khai thực hiện các Nghị quyết chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương. Đời sống của một bộ phận người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn rất khó khăn.
Một số mục tiêu của Nghị quyết 15-NQ/TW khó có khả năng đạt được vào năm 2020, như: tỷ lệ việc làm trong nông nghiệp; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, mục tiêu tích hợp chính sách còn chậm, công tác phối kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành còn bất cập dẫn đến nguồn lực phân tán, lồng ghép không hiệu quả; hệ thống văn bản quy định và hướng dẫn thực hiện chính sách còn chồng chéo...
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh kiến nghị: Trong thực tiễn cần sơ kết NQ15-NQ/TW để rà soát, điều chỉnh, tạo mạng lưới an sinh, bởi có những chính sách từ địa phương phản ánh không còn phù hợp. Nhiều chính sách xã hội nhưng tản mát nên cần tập trung về một đầu mối và có tư tưởng để cải cách chính sách.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đề xuất bổ sung thêm đối tượng là trẻ em bị rối nhiễu tâm thần, như tự kỷ để sửa đổi Luật Người khuyết tật và có các chính sách để quan tâm, hỗ trợ các đối tượng này.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành lưu ý tới những vấn đề xã hội mới nảy sinh. Trong đó, có vấn đề hiện nay, chỉ số Gini (biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp xã hội) của Việt Nam đã tăng, điều này có nghĩa chênh lệch giàu-nghèo giữa các nơi ngày càng xa.
Ngoài ra, đã xuất hiện đối tượng yếu thế mới trong xã hội, đó là tình trạng nhiều người lớn và trẻ em có biểu hiện rối loạn cảm xúc, trầm cảm, tự kỷ ngày càng gia tăng... nếu không quan tâm, có chính sách hỗ trợ sẽ gây lên hậu quả lớn.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm các Nghị quyết 15-NQ/TW và 70/NQ-CP nhưng do mục tiêu trung hạn đề ra cao, điều kiện thực hiện, nguồn lực còn hạn chế nên phần lớn các chương trình chưa đạt được kế hoạch đề ra. Thời gian tới, các bộ ngành khi xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể rõ ràng, căn cứ vào nguồn lực thực tế để thực hiện.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị tổng kết các Nghị quyết 15-NQ/TW và 70/NQ-CP; lập tổ công tác rà soát việc thực hiện các chế độ, chính sách có liên quan, phân định rõ các chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho người dân.
Lo ngại về tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội so với lực lượng xã hội còn thấp (chỉ chiếm 25%), Phó Thủ tướng lưu ý Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục củng cố, tăng cường thêm nhiều hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện; sử dụng cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội để hoàn thiện, hình thành cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội chung.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nắm vai trò chủ đạo trong việc huy động các nguồn lực từ xã hội và cộng đồng, tăng cường thực hiện giám sát theo quy chế dân chủ cơ sở để các chính sách được triển khai công bằng, minh bạch và hiệu quả trên toàn quốc./.