Họp Quốc hội: Bảo đảm đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư công

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 23/10, đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Họp Quốc hội: Bảo đảm đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư công ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 23/10, đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Theo báo cáo của Chính phủ, Luật Đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công.

Luật Đầu tư công đã thể hiện và cụ thể hóa được chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với công tác quản lý nhà nước về đầu tư công, đã tạo ra hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý toàn bộ quá trình đầu tư công.

[Kỳ vọng tạo được sự thông thoáng trong quản lý đầu tư công]

Triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cơ sở nhận thức rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình; quán triệt các yêu cầu tăng cường quản lý đầu tư phát triển trong toàn bộ quá trình đầu tư công, từ chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công, lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công đồng thời, với những quy định pháp lý rõ ràng, cụ thể của Luật là một bước tiến lớn bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần và tạo điều kiện để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Sau hơn 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công, tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

"Việc hình thành nhiều quy trình mới, thủ tục phức tạp, dẫn tới các cơ quan, địa phương thực hiện khó nắm vững và thực hiện thống nhất các quy định của Luật, nhiều cơ quan, địa phương vẫn còn lúng túng, triển khai thực hiện một số quy định còn chưa phù hợp, một số nội dung không đúng với các quy định của pháp luật, trái thẩm quyền, mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục do hồ sơ dự án phải thông qua nhiều cấp nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương, thủ tục hành chính phức tạp, phân cấp trách nhiệm chưa triệt để...,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Theo Bộ trưởng, một số quy định trong Luật Đầu tư công còn cứng nhắc, hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Điển hình là trong công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn không phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí được cấp có thẩm quyền quy định, tồn tại nhiều bất cập trong điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch, giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn; khó theo dõi, đánh giá, kiểm tra kế hoạch, chương trình, dự án.

Bên cạnh đó, còn tồn tại một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch... Điều này đã gây sự lúng túng trong việc áp dụng các quy định pháp luật, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng công tác chuẩn bị dự án, xây dựng dự án. Trong một số trường hợp, dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án mang tính hình thức để có điều kiện được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng Luật Đầu tư công đã bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt là về quy trình, thủ tục thẩm định nguồn, khả năng cân đối vốn, giao vốn, điều chỉnh kế hoạch vốn đang gây khó khăn, kéo dài thời gian, chậm tiến độ giải ngân vốn, do đó cần thiết phải sửa đổi Luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị giữ phạm vi sửa đổi như quy định tại Nghị quyết số 57/2018/QH14 và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, chưa sửa đổi toàn diện vì quá trình triển khai thực hiện có phát sinh vướng mắc do quy định của Luật Đầu tư công, song nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức thực hiện Luật chưa nghiêm. Mặt khác, Luật mới có hiệu lực 3 năm; thời gian áp dụng quá ngắn, chưa đủ điều kiện tổng kết kỹ lưỡng, đánh giá chính xác tính hiệu quả của luật.

Bên cạnh đó, một số ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc sửa đổi toàn diện Luật Đầu tư công vì cho rằng: nhiều quy định trong Luật Đầu tư công chưa phù hợp thực tiễn, cần sớm sửa đổi toàn diện nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, khắc phục triệt để những khó khăn, yếu kém trong quản lý nhà nước về đầu tư công.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách cơ bản nhất trí với các quan điểm, mục tiêu do Chính phủ trình, đồng thời nhấn mạnh quan điểm dự án Luật phải thể chế hóa đường lối của Đảng về cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư công theo Nghị quyết số 05-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Cần tạo khuôn khổ pháp lý ổn định, khả thi, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; nâng cao tính công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính. Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhận thấy, trong dự thảo Luật, một số quy định chưa bảo đảm thống nhất với một số luật, đề nghị rà soát, chỉnh lý để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về tiêu chí dự án đầu tư công, Điều 7 dự thảo Luật quy định dự án quan trọng quốc gia là dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 35.000 tỷ đồng trở lên, nhưng theo Tờ trình của Chính phủ thì mới chỉ nêu mức này tương đương 0,6% GDP mà chưa đưa ra cơ sở điều chỉnh, đánh giá tác động. Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, mức độ điều chỉnh tiêu chí là quá lớn (gấp 3,5 lần mức hiện hành), chưa đủ căn cứ để xem xét sửa đổi. Quy định mức vốn của Dự án quan trọng quốc gia là từ 10.000 tỷ đồng trở lên hiện vẫn phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, với khả năng cân đối nguồn vốn của ngân sách nhà nước.

Về các dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư, Ủy ban này cho rằng, quy định tại khoản 6 Điều 18 chưa chặt chẽ, sẽ dẫn đến rất nhiều dự án có thể áp dụng thủ tục rút gọn, không cần quyết định chủ trương đầu tư vì về cơ bản, hầu hết dự án đều có trong quy hoạch; dự thảo Luật mở quá rộng tiêu chí xác định dự án khẩn cấp; đồng thời, tiêu chí các dự án “đặc biệt” chưa được làm rõ trong dự thảo Luật. Như vậy, quy định này sẽ dẫn đến thiếu tính công khai, minh bạch, có thể tạo ngoại lệ; đề nghị điều chỉnh lại theo hướng chặt chẽ, cụ thể, minh bạch.

Để đảm bảo thống nhất với Luật Quản lý nợ công, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị quy định: Bộ Tài chính chủ trì xây dựng định hướng hợp tác, lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA; chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất tài trợ chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, không quy định cả hai Bộ cùng thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục