HSBC: Dù điều chỉnh giảm, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh năm 2022

Theo báo cáo mới nhất vừa được công bố, HSBC dự báo GDP Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 6,6%, giảm 0,4% so với lần ra báo cáo gần nhất.
HSBC: Dù điều chỉnh giảm, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh năm 2022 ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 31/3, Ngân hàng HSBC công bố báo cáo kinh tế mới, trong đó HSBC đưa ra một số điều chỉnh về dự báo tăng trưởng kinh tế, lạm phát của các nền kinh tế châu Á trong năm 2021 và 2022.

Theo nhận định mới nhất của HSBC đưa ra trong báo cáo lần này, HSBC dự báo GDP Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 6,6%, giảm 0,4% so với lần ra báo cáo gần nhất.

Tuy nhiên, HSBC nâng mạnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022, HSBC cho rằng GDP Việt Nam năm 2022 có thể tăng trưởng đến 8,5%, tăng 2% so với dự báo gần đây.

Trong số 16 nền kinh tế tại châu Á được HSBC tính toán dự báo tăng trưởng GDP lần này, Việt Nam là nước có GDP năm 2022 được điều chỉnh nâng mạnh nhất.

[Chuyên gia HSBC: Lạm phát Việt Nam sẽ ổn định ở mức 3%]

Nhận xét về kinh tế Việt Nam năm 2021, HSBC nhấn mạnh kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng chống chịu vững vàng trong thời kỳ đại dịch COVID-19. GDP của Việt Nam năm 2020 tăng trưởng được 2,9% và thuộc số ít các nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm này.

Thành công của kinh tế Việt Nam đến từ các biện pháp chống dịch COVID-19 nhanh chóng và thành công. Dù rằng Việt Nam từng phải trải qua đợt bùng dịch thứ 3 trong tháng 2/2021, mọi chuyện đã nhanh chóng được đưa vào tầm kiểm soát chỉ trong vòng một tháng, chính vì vậy kinh tế Việt Nam khởi đầu năm 2021 trên một nền vững vàng.

Theo đánh giá của HSBC, GDP Việt Nam tăng trưởng 4,5% trong quý 1/2021 nhờ xuất khẩu tăng trưởng tốt. Xuất khẩu của Việt Nam quý 1/2021 tăng trưởng đến 20% so với cùng kỳ nhờ xuất khẩu hàng điện tử và trang thiết bị tăng mạnh. Ngoài ra, Việt Nam cũng hưởng lợi từ chu kỳ tăng trưởng cao của ngành công nghệ toàn cầu và dòng vốn FDI vào mạnh.

Cùng lúc đó, các chỉ số của ngành sản xuất cho thấy ngành đang phục hồi dần dần. Xu thế này sẽ diễn biến tích cực cùng với việc nhu cầu của toàn cầu đang cải thiện mạnh.

Xét đến các yếu tố kể trên, HSBC hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống còn 6,6% bởi sự phục hồi của kinh tế trong quý 1/2021 thấp hơn kỳ vọng. Dù vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục hưởng lợi từ chu trình công nghệ, dòng vốn FDI ổn định và rất nhiều hiệp định thương mại đã ký kết và sẽ vẫn là một trong những điểm sáng tăng trưởng tại châu Á.

Trong khi đó, áp lực lạm phát tiếp tục giảm nhẹ, chỉ tăng trung bình 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 1, một phần do những tác động cơ bản. Giá thực phẩm đang được điều chỉnh do giá thịt lợn đã quay trở lại mức bình thường và điều này có khả năng sẽ bù đắp những tác động của giá dầu cao hơn. Ngoài ra, VND ổn định sẽ làm giảm bớt lo ngại về tỷ giá hối đoái cao chuyển sang chỉ số giá tiêu dùng.

Xem xét tất cả những yếu tố trên, Khối Nghiên cứu Kinh tế cũng dự đoán lạm phát trung bình của Việt Nam trong năm 2021 sẽ ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với mức trần 4% do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề ra. Một khi lạm phát không còn là một vấn đề đáng lo ngại thì Ngân hàng Nhà nước có thể linh hoạt hơn để giữ nguyên chính sách tiền tệ của mình trong năm 2021.

“Cùng với áp lực lạm phát nhẹ, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách cho đến quý 2/2022 trước khi có thể đưa ra mức tăng lãi suất 25 điểm vào quý 3/2022. Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 4,25% vào cuối năm 2022,” chuyên gia HSBC khuyến nghị.

Chuyên gia HSBC cũng lo ngại, dù kinh tế Việt Nam đang trong đà phục hồi, hiện vẫn còn nhiều rủi ro. Thứ nhất, tiến độ tiêm vaccine COVID-19 nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch. Ước tính Việt Nam sẽ có 150 triệu liều vaccine COVID-19 để tiêm cho 70% dân số trong năm 2021. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ có vaccine COVID-19 nội địa để bổ sung vào nguồn vaccine phục vụ cho công tác tiêm chủng trên quy mô lớn.

Ngoài ra. tại thị trường nội địa, khi thị trường lao động tăng trưởng yếu, tiêu dùng cá nhân sẽ vẫn bị ảnh hưởng. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã giảm kể từ quý 3/2020 thì một phần lớn thị trường lao động của Việt Nam vẫn nằm trong khu vực phi chính thức, điều này có thể không được thể hiện trong số liệu thống kê việc làm chính thức. Do đó, hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động dễ bị tổn thương vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục