Hy Lạp có thêm 2 năm để giảm thâm hụt ngân sách

Hy Lạp sẽ được gia hạn thêm 2 năm để đáp ứng mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách về mức quy định (3%) do Liên minh châu Âu đặt ra.
Chính phủ Hy Lạp sẽ được gia hạn thêm hai năm để đáp ứng mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách về mức quy định (3%) do Liên minh châu Âu (EU) đặt ra.

Theo thỏa thuận sơ bộ giữa nhóm "bộ ba" tham gia cứu trợ Hy Lạp, gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), với Hy Lạp, đạt được ngày 23/10, Athens sẽ được phép đáp ứng mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách về mức 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2016, thay vì thời hạn chót đưa ra trước đó là năm 2014.

Số liệu mới nhất cho thấy thâm hụt ngân sách của Hy Lạp năm 2011 lên tới 9,4% GDP, so với 9,1% GDP ước tính trước đó.

Bên cạnh đó, thời hạn để nước này tiến hành cải cách thị trường lao động, khu vực năng lượng và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ được kéo dài hơn do với dự kiến ban đầu.

Với kế hoạch này, Thủ tướng Antonis Samaras có thể hy vọng các đối tác của Hy Lạp trong EU sẽ giải ngân khoản tiền 31,5 tỷ euro (40,8 tỷ USD) tối quan trọng trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro nhằm đưa Athens thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vào tháng tới.

Trước đó, Chính phủ Hy Lạp đã khẩn thiết đề nghị nhóm "bộ ba" chủ nợ gia hạn thời gian thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" - điều kiện để đổi lấy các gói cứu trợ từ nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay, Hy Lạp vẫn chưa nhận được khoản giải ngân tiếp theo từ các định chế tài chính quốc tế trên với lý do các đối tác trong liên minh cầm quyền do Thủ tướng Samaras đứng đầu vẫn bất đồng về nội dung các biện pháp khắc khổ để đổi lấy gói cứu trợ quốc tế, trong đó có yêu cầu của các chủ nợ tiến hành ngay việc tự do hóa thị trường lao động.

Đảng Dân chủ cánh tả và đảng PASOK theo đường lối xã hội phản đối các đề xuất của EU, IMF và ECB về kế hoạch cắt giảm lương, phúc lợi xã hội và ngừng tăng lương, cho rằng nếu thực thi những biện pháp này, suy thoái kinh tế và nạn thất nghiệp tại Hy Lạp sẽ càng trầm trọng hơn.

Chủ tịch đảng PASOK Evangelos Venizelos một lần nữa nói rằng ông không ủng hộ những cải cách "tàn nhẫn" trên thị trường lao động và kêu gọi Thủ tướng Samaras thuyết phục các đối tác châu Âu từ bỏ những đề xuất trên.

Trong diễn biến liên quan, ngày 23/10, hàng nghìn người Tây Ban Nha đã tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội tại thủ đô Madrid để phản đối các biện pháp cắt giảm chi tiêu, đang làm ảnh hưởng tới tầng lớp dân nghèo.

Những người biểu tình yêu cầu lãnh đạo hai chính đảng trong chính phủ liên minh từ chức.

Cảnh sát Tây Ban Nha đã huy động lực lượng quân đội cùng nhiều xe cơ giới đến hiện trường phong tỏa các đoạn đường dẫn vào tòa nhà quốc hội, nhằm giảm số người đổ về khu vực trung tâm này.

Trước đó, ngày 27/9, Chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua ngân sách năm 2013, theo đó cắt giảm chi tiêu công khoảng 39 tỷ euro ( tương đương 50 tỷ USD), đồng thời áp dụng các biện pháp tăng thuế nhằm giảm thâm hụt ngân sách.

Để thực hiện kế hoạch ngân sách này, Chính phủ Tây Ban Nha sẽ thực hiện cắt giảm 8,9% chi tiêu của các bộ và cơ quan chính phủ, ngừng tăng lương trong khu vực công, tìm các biện pháp để tiết kiệm 7 tỷ euro trong chi phí y tế và giáo dục, tiếp tục cải cách thị trường lao động, tinh giản bộ máy hành chính và nghiên cứu thực hiện các biện pháp nhằm tự do hóa một số lĩnh vực như năng lượng và viễn thông.

Chính phủ Tây Ban Nha dự đoán GDP của nước này năm 2013 sẽ giảm 0,5%, trong khi các tổ chức quốc tế dự đoán mức giảm khoảng 1,5%./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục