Hy Lạp thông qua dự luật cải cách để đổi lấy cứu trợ

Rạng sáng 31/3, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua một dự luật cải cách quan trọng để đổi lấy việc được giải ngân khoản vay tiếp theo trị giá ít nhất 11,7 tỷ USD.
Hy Lạp thông qua dự luật cải cách để đổi lấy cứu trợ ảnh 1Một phiên họp của Quốc hội Hy Lạp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Rạng sáng 31/3, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua một dự luật cải cách quan trọng để đổi lấy việc được giải ngân khoản vay tiếp theo trị giá ít nhất 8,5 tỷ euro (11,7 tỷ USD), trong gói cứu trợ chống khủng hoảng của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dành cho nước này.

Dự luật gây tranh cãi trên bao gồm những điều khoản về tự do hóa thị trường và ngành nghề, được thông qua với 152 phiếu ủng hộ và 135 phiếu chống tại quốc hội 300 thành viên.

Athens hiện kỳ vọng các bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ ủng hộ giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo nêu trên cho Hy Lạp trong cuộc họp không chính thức tại thủ đô nước này vào ngày 1/4.

Cuộc bỏ phiếu tại quốc hội diễn ra sau khi các vòng tranh luận nóng lên tới cực điểm vào chiều 30/3, với việc đảng Cánh tả đối lập SYRIZA bất ngờ đệ trình một kiến nghị khiển trách Bộ trưởng Tài chính Yannis Stournaras, cáo buộc ông thúc đẩy các chính sách kinh tế thảm họa đối với xã hội Hy Lạp.

Chủ tịch Quốc hội Evangelos Meimarakis đã phản đối đưa kiến nghị trên ra xem xét vì nó có thể khiến cuộc bỏ phiếu về dự luật cải cách phải trì hoãn trong ít nhất 3 ngày. Ngay sau đó, SYRIZA phản ứng bằng cách đệ trình kiến nghị tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Meimarakis.

Vấn đề này dự kiến được thảo luận ngày 31/3.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, Thủ tướng Samaras chỉ trích mạnh mẽ SYRIZA gây ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia khi tìm cách ngăn cản cuộc thảo luận về giải ngân các khoản vay quốc tế cho Hy Lạp.

Phát biểu tại Quốc hội trước cuộc bỏ phiếu, Bộ trưởng Tài chính Yannis Stournaras cho rằng nền kinh tế Hy Lạp đã ra khỏi suy thoái, những nỗ lực của Athens đã được quốc tế công nhận, đồng thời nhấn mạnh những cải cách là cần thiết để khôi phục tăng trưởng kinh tế sau 4 năm "thắt lưng buộc bụng" nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ sâu sắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục