Hy vọng G20 tìm ra lời giải cho nợ công Eurozone

Mọi sự chú ý đang đổ dồn về thành phố Cannes của Pháp, nơi sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong hai ngày 3-4/11 tới.

Thế giới hy vọng lãnh đạo các nước G20 sẽ đạt được những thỏa thuận chung trong một số vấn đề kinh tế, đặc biệt là tìm ra giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đang hoảnh hành tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đang tác động xấu tới sự bình ổn của nền kinh tế thế giới.
Mọi sự chú ý đang đổ dồn về thành phố Cannes của Pháp, nơi sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong hai ngày 3-4/11 tới.

Thế giới hy vọng lãnh đạo các nước G20 sẽ đạt được những thỏa thuận chung trong một số vấn đề kinh tế, đặc biệt là tìm ra giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đang hoảnh hành tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đang tác động xấu tới sự bình ổn của nền kinh tế thế giới.

Sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kết thúc vào tuần trước mà không thu được kết quả đáng kể nào trong việc ngăn chặn sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone cũng như cải thiện tình hình kinh tế thế giới, Hội nghị thượng đỉnh G20, nhóm quốc gia chiếm 85% sản lượng kinh tế thế giới, được hy vọng sẽ tìm ra lời giải cho nhiều vấn đề kinh tế đang còn bế tắc trên toàn cầu.

[Khủng hoảng nợ công ở châu Âu vẫn chưa kết thúc]

Trong Hội nghị cấp cao các nước thuộc Khối Thịnh vượng chung (CHOGM) vừa diễn ra ngày 30/10, tại thành phố Perth của Austraia, lãnh đạo 54 quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung đã kêu gọi G20 đẩy mạnh các biện pháp tạo thêm việc làm, đồng thời mở cửa hệ thống thương mại đa phương và minh bạch, giúp nền kinh tế toàn cầu mau chóng phục hồi.

Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Anh David Cameron đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Austraia, Julia Gillard và cho biết cả hai đã nhất trí về tính cấp bách trong việc giải quyết sự mất cân bằng trong nền kinh tế thế giới.

Trước đó, ông Cameron cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 phải nỗ lực hết sức nhằm loại bỏ các rào cản đối với sự phát triển thế giới và tránh để nền kinh tế toàn cầu rơi trở lại vào chủ nghĩa bảo hộ.

Trong khi đó, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde đã cảnh báo rằng sự suy yếu kinh tế đã bắt đầu lan sang các nước mới nổi, vốn là động lực hỗ trợ nền kinh tế thế giới trong cuộc khủng hoảng tài chính trước đó.

Theo dự kiến, tại cuộc họp G20 sắp tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ có cuộc gặp với các nhà chức trách của Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác, những người đang gây sức ép buộc Liên minh châu Âu sớm tìm ra các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công, nhân tố đe dọa sẽ đẩy nền kinh tế thế giới rơi trở lại suy thoái.

Thị trường đã “khởi sắc” phần nào sau khi cuộc họp lần hai của Hội nghị Thượng đỉnh EU (diễn ra ngày 27/10) đã giúp lãnh đạo các nước EU đi đến một số nhất trí chung trong việc tái cơ cấu nợ của Hy Lạp, giúp các ngân hàng đối phó với rủi ro, hỗ trợ cho các nền kinh tế EU đang gặp khó khăn như Tây Ban Nha và Italy vật lộn với nợ nần và lên kế hoạch tăng Quỹ bình ổn tài chính châu Âu.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, ngoài vấn đề nóng là nợ công tại châu Âu, Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới còn đề cập tới một số vấn đề kinh tế quan trọng khác như lương và thưởng của ngành ngân hàng, tình trạng trốn thuế, thiết lập thuế giao dịch tài chính và cải cách hệ thống tài chính quốc tế.

Ngoài ra, trong cuộc họp lần này, lãnh đạo các nước G20 cũng sẽ thảo luận về tỷ giá của đồng Nhân dân tệ (NDT), hiện vẫn ở mức quá thấp, nguyên nhân gây nên sự mất cân bằng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như châu Âu.

Mặc dù các nước phương Tây đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc nâng tỷ giá của đồng nội tệ, song Bắc Kinh vẫn “phớt lờ” và miễn cưỡng tăng tỷ giá của đồng Nhân dân tệ ở mức không đáng kể./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục